Vượt dịch, tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo - Bài 4: Đòn bẩy thể chế

Lần đầu tiên, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trong các đột phá chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng môi trường thân thiện, mạng lưới liên kết chặt chẽ phát triển và phát huy tác dụng tối đa giá trị từ phong trào khởi nghiệp cũng như tri thức KHCN.
Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo do SIHUB tổ chức thu hút đông đảo người tham dự. Ảnh: TẤN BA
Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo do SIHUB tổ chức thu hút đông đảo người tham dự. Ảnh: TẤN BA

Hình thành mạng lưới liên kết, hỗ trợ khởi nghiệp

 Tính đến hiện tại, TPHCM có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Trong đó, các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm 65%, kế tiếp là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến lương thực thực phẩm với 21%. Bên cạnh đó, theo thống kê đến năm 2021, TPHCM có 34 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng như 19 không gian đầu tư.

Ước tính, lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là 1,1 tỷ USD trong năm vừa qua. Con số này chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ đầu tư mạo hiểm trên cả nước, chứng tỏ TPHCM vẫn là cái nôi cho hoạt động khởi nghiệp, ĐMST của Việt Nam.

Không chỉ TPHCM, nhìn một cách tổng quan, thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp ĐMST đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương, nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền. Đây là kết quả của sự cộng hưởng chính sách, khi cùng với phong trào khởi nghiệp quốc gia, tháng 5-2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844).

Từ đây, nhiều cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST đã được hình thành và đi vào hoạt động, như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC (thuộc Bộ KH-ĐT), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (thuộc Trung ương Đoàn), Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đặt tại một số trường đại học lớn (thuộc Bộ GD-ĐT), hay các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đang được hình thành tại các địa phương như TPHCM, Đà Nẵng, Bình Định, Hải Phòng, Quảng Nam…

Trong năm 2021 vừa qua, Đề án 844 cũng đã đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm các đối tác có năng lực và mong muốn đồng hành phát triển các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (innovation hubs) theo mô hình khu dịch vụ tập trung với sự tham gia phối hợp của Nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Tại Nghị quyết 02/NQ-CP (ngày 1-1-2019), Chính phủ đã giao Bộ KH-CN phát triển các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên cả nước, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM hình thành mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Theo đó, Bộ KH-CN đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Trung tâm này đóng vai trò hạt nhân, là tổ chức thường trực, vận hành mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, điều phối các nguồn lực sẵn có và thu hút mới cho các hoạt động xây dựng, phát triển hệ sinh thái.

"Đổi mới sáng tạo phải góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên như biến đổi khí hậu, trong bối cảnh thiên tai đang diễn ra cực đoan, phức tạp, gay gắt, không theo quy luật; cạn kiệt tài nguyên, trong khi trí tuệ và sức sáng tạo của con người là vô hạn; già hóa dân số, để giải quyết hài hòa các vấn đề trước mắt và lâu dài, đáp ứng các nhu cầu của hiện tại nhưng không ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai; phát triển xanh, năng lượng sạch; chuyển đổi số…"
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Giải quyết những bài toán cụ thể

Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đưa ra 3 nhóm giải pháp đột phá chiến lược để tiếp tục phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Ở nhóm thứ 2, Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KH-CN, ĐMST…”.

Đây là lần đầu tiên văn kiện Đại hội Đảng xác định KH-CN, ĐMST là một trong các đột phá chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước.

Báo cáo “KH-CN và ĐMST” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ KH-CN phối hợp thực hiện, công bố đầu tháng 11-2021, đã đề xuất chương trình cải cách toàn diện để thúc đẩy tăng trưởng về ĐMST.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhận định: Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và ĐMST sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Theo đó, Việt Nam cần quan tâm xây dựng năng lực để tận dụng tối đa các công nghệ hiện đại nhất. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng của lực lượng lao động - cả chất lượng và số lượng - cũng sẽ rất quan trọng để khai thác toàn bộ sức mạnh của ĐMST. Việc áp dụng ĐMST sâu rộng hơn nữa có thể giúp các quốc gia vượt lên các thách thức mới để tiếp tục phát triển, kể cả các yếu tố xung đột địa chính trị toàn cầu, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng năng suất. Để thúc đẩy ĐMST đòi hỏi một chương trình cải cách toàn diện. Ngoài việc định hướng lại các chính sách KH-CN và ĐMST cho phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của doanh nghiệp, Việt Nam cần tăng cường các yếu tố bổ trợ quan trọng cho ĐMST như kỹ năng của người lao động và khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án ĐMST.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy nhìn nhận: KH-CN, ĐMST có trong mọi ngành nghề, trải khắp các khu vực địa lý, tác động tới mọi vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… Do đó cần phải tập trung đẩy mạnh cải thiện các chỉ số thuộc trụ cột thể chế. Năng lực hoạch định chính sách, thực thi chính sách, đánh giá kịp thời điều chỉnh chính sách cần được nâng cao hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh khó lường đoán của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những biến động khách quan như đại dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu. Đó còn là vấn đề nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cải cách mô hình hoạt động, tăng kinh phí cho các hoạt động KH-CN và ĐMST…

“Đặc biệt là cần tiếp tục nâng cao năng lực học hỏi công nghệ, hấp thụ tri thức, cả tri thức khoa học và tri thức kinh nghiệm của cộng đồng doanh nghiệp, của người dân, của các cơ quan và công chức, viên chức nhà nước. Phát huy khai thác tốt hơn hoạt động đầu tư nước ngoài, các hiệp định thương mai song phương và đa phương; gầy dựng cộng đồng doanh nghiệp năng động, có khả năng học hỏi và ĐMST…”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Năm 2022: Chờ đợi gì?

* Bộ KH-ĐT đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, trong năm 2022 tới đây, Chương trình sẽ tập trung vào 3 gói chính.

Cụ thể, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20-50 triệu đồng/năm để hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, bắt đầu chuyển đổi số. Gói thứ hai là tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa. Gói thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bà Bùi Thu Thủy
Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH-ĐT

* Trọng tâm của SIHUB trong năm 2022 là làm sao phát triển được nhiều công ty spin-off (công ty công nghệ triển khai kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu) trong trường đại học. Bên cạnh đó, SIHUB sẽ tập trung xây dựng các chương trình tăng tốc dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm một kênh giúp họ tháo gỡ và kết nối với thị trường.

Ông Huỳnh Kim Tước
Giám đốc điều hành SIHUB, Sở KH-CN TPHCM

Tin cùng chuyên mục