Đạt đỉnh trên 44 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới đến 2 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước ngày 8-8 đã thiết lập kỷ lục mới. Diễn biến bất thường của giá vàng cũng gây xáo trộn mạnh mẽ tới thị trường rất nhạy cảm này. Cuối buổi chiều, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo “sẽ cho nhập khẩu vàng” để bình ổn thị trường, giá vàng mới tạm hạ nhiệt.
Khuynh đảo giá vàng
Ngày 8-8, tại các cửa hàng kim hoàn quanh khu vực đường Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành, đường Nguyễn Đình Chiểu, đường An Dương Vương, lượng khách đến giao dịch rất thưa thớt. Các chủ tiệm vàng cho biết, đa số khách điện thoại thăm dò giá chứ ít mua bán. Dường như thị trường vàng đang chịu sự chi phối của những doanh nghiệp tài chính và giới kinh doanh vàng.
Khi chúng tôi hỏi mua 5 - 10 lượng vàng, một số tiệm vàng thường bảo chúng tôi chờ 15 phút. Tuy nhiên, tại các công ty vàng lớn, nhiều cú điện thoại đặt mua bán lên hàng trăm lượng/lần. Theo giám đốc một công ty vàng, giá vàng trong nước gần đây thường được định giá bởi các lệnh mua của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn. Những đơn vị này cần mua cắt lỗ vì đã lỡ bán khống trước đó. Để đủ lượng vàng cung cấp cho những lệnh mua như thế, các tiệm vàng đã thay phiên nhau đẩy giá lên. Đó là dấu hiệu hoạt động một thị trường vàng ảo.
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank (SBJ), thừa nhận rằng ngoài tác động của thị trường thế giới, hiện vàng trong nước có dấu hiệu bị làm giá. Việc giá vàng trong nước bất ngờ tăng đột biến trong đầu giờ sáng hôm qua (8-8) có thể xuất phát từ một lực mua không quá lớn nhưng gây tác động tâm lý tới số đông. Giá tăng rất nhanh rồi giảm nhanh trong vòng vài giờ dù lực mua không lớn.
Bằng chứng tại hệ thống cửa hàng SBJ, tình hình giao dịch sáng 8-8 khá trầm và không có dấu hiệu bất thường. Không có tình trạng dân chúng đổ xô đi bán, hoặc quyết mua bằng mọi giá. Thế nhưng giá vàng vẫn liên tiếp bị điều chỉnh tăng giảm với tốc độ chóng mặt. Điều đó càng củng cố cho nhận định vàng đang bị làm giá. “Giá tăng loạn xạ nhưng mãi lực mua bán không bao nhiêu. Giá hiện giờ chỉ là giá ảo. Khi thị trường tăng giá, các doanh nghiệp như chúng tôi cũng phải tăng theo để đảm bảo an toàn hệ thống, chứ không phải vì giao dịch tăng”, bà Chi nhấn mạnh.
Theo bà Chi, thông thường những đơn vị nhỏ sẽ căn cứ vào mức giá của đơn vị lớn niêm yết theo. Nhưng sáng 8-8, phần lớn các đơn vị tự đặt giá loạn xạ theo mức độ cung cầu và khả năng thanh khoản của từng nơi.
Diễn biến này cũng đặt ra vấn đề cần ngăn chặn hiện tượng nhập lậu vàng vì giá vàng trong nước đang bỏ xa giá vàng thế giới hơn 1 triệu đồng/lượng, nhất là khi sau một thời gian đứng yên, trong 2 ngày gần đây, tỷ giá USD bắt đầu tăng nhẹ. Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, thông thường tỷ giá USD/VND tăng bất thường và giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 500.000 đồng/lượng là xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng.
Sớm “điểm mặt” đối tượng làm giá vàng
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước tăng mạnh là theo đà tăng của giá vàng thế giới - cũng vừa vọt lên mức kỷ lục 1.716 USD/ounce trong ngày 8-8 do tác động từ việc Mỹ nâng trần nợ công. Nhưng, điều đáng nói, trong lần tăng giá này, diễn biến giá vàng trong nước còn vượt xa mức tăng của giá vàng thế giới. NHNN cho rằng có yếu tố đầu cơ, làm giá để trục lợi khiến giá vàng trong nước tăng bất thường.
Nhưng cũng có một thực tế được nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng thừa nhận là nguồn cung trong nước ngày càng khan hiếm hơn đã đẩy giá vàng lên. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, doanh số ngoại tệ do xuất khẩu vàng và kim loại quý lên tới gần 2 tỷ USD, riêng xuất khẩu vàng khoảng 1,3 tỷ USD do giá thế giới cao hơn trong nước.
Theo cơ chế hiện nay, vàng xuất khẩu đi dễ, nhưng nhập về phải có giấy phép của NHNN. Chính cơ chế này và độ trễ này đã làm cho cung cầu và giá cả vàng trong nước gần như đoạn tuyệt với thế giới trong những thời điểm thị trường khó khăn nhất. Và hệ quả, giá vàng trong nước không chỉ sốt theo giá thế giới mà còn cao hơn giá thế giới 2 - 2,5 triệu đồng/lượng.
Từ đầu năm đến nay, trước tình trạng “chảy máu” vàng, đã có nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên tích cực mua vàng để bình ổn thị trường khi cần thiết. Tuy nhiên, mặc cho vàng xuất ngoại, ứng xử của nhà điều hành vẫn là chờ doanh nghiệp xuất khẩu vàng bán lại ngoại tệ cho mình. Vì thế, đến khi nguồn cung bị hạn chế, NHNN gần như trở tay không kịp. Hệ quả, thị trường trở nên hỗn loạn trước sự “nhảy múa” bất thường của giá vàng.
Và một nghịch lý tiếp tục xảy ra: giá vàng tăng cao kỷ lục cũng là lúc nhiều người dân xếp hàng mua vàng, còn các cửa hàng vàng lại “cháy” hàng. Trong cuộc chơi này, phần thua thiệt chắc chắn sẽ còn giáng xuống những người đầu cơ theo tâm lý bầy đàn.
Với thông điệp “sẽ cho nhập khẩu vàng” mà NHNN vừa đưa ra, có thể giá vàng sẽ hạ nhiệt. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ phải cân nhắc kỹ bởi nếu cho nhập vàng sẽ gây áp lực lên tỷ giá và nhập siêu. Trong mấy ngày gần đây, giá USD và giá vàng gần như song hành với nhau về tốc độ tăng. Đầu tháng 8, tỷ giá ở mức 20.610 VND/USD thì đến ngày 8-8 đã tăng lên đến 20.800 VND/USD. Nhập siêu trong tháng 7 vừa qua đã giảm nhưng chưa bền vững, bởi kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với nhập khẩu là do xuất vàng.
Nay nếu lại cho nhập vàng, có khả năng nhập siêu sẽ tăng trở lại - đe dọa mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đang theo đuổi. Hơn nữa, trong nhiều năm qua, cứ mỗi lần giá vàng có biến động lớn, dường như cơ quan điều hành chính sách chỉ sử dụng phương thức cấp giấy phép nhập vàng để hạ nhiệt thị trường, mà chưa có giải pháp căn cơ nào khác. Mặc dù xác định vàng bị đầu cơ, làm giá để trục lợi, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa “chỉ mặt, đặt tên” ai làm giá.
Với hiện tượng làm giá khá trắng trợn trong 2 phiên gần đây, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần giám sát chặt hơn thị trường vàng để giá vàng phản ánh đúng thực tế cung cầu.
* Ngày 7-8, trong khi giá vàng thế giới đứng yên ở mức 1.664 USD/ounce, nhiều tiệm vàng tại TPHCM vẫn tiếp tục “đẩy” giá vàng miếng SJC vượt mốc 42 triệu đồng/lượng. Giá các loại vàng miếng tiếp tục như “con ngựa bất kham” trong phiên giao dịch ngày 8-8, khi chỉ một giờ sau khi mở cửa, giá vàng tăng đạt 43,60 triệu đồng/lượng (mua vào), 44,20 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, lúc 10 giờ 9 phút, lại bất ngờ hạ xuống còn 42,10 triệu đồng/lượng (mua vào), 42,80 triệu đồng/lượng, trước khi tái lập đỉnh mới 43,70 triệu đồng/lượng (mua vào), 44,40 triệu đồng/lượng (bán ra) vào đầu giờ chiều. Như vậy, giá vàng đã tăng 2,6 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. |
Mai Thi - Bảo Minh
Sẵn sàng nhập vàng để bình ổn thị trường
Trước biến động bất thường của giá vàng trong nước, chiều tối 8-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra thông báo về vấn đề này. Theo NHNN, từ đầu tháng 8 đến nay, đặc biệt trong ngày 8-8, giá vàng trong nước tăng đột biến và có thời điểm cao hơn giá vàng thế giới quy đổi, chủ yếu do diễn biến tăng mạnh của giá vàng thế giới.
Lợi dụng tình hình này, giới đầu cơ trên thị trường vàng trong nước cũng tiến hành đầu cơ, làm giá để trục lợi, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân mặc dù lượng vàng nắm giữ trong dân vẫn ở mức cao. NHNN cho rằng việc mua vàng trong thời gian này chứa đựng nhiều rủi ro cho những người nắm giữ vàng. NHNN sẽ theo dõi sát tình hình và “sẵn sàng cho nhập vàng để bình ổn thị trường”, chống đầu cơ, làm giá, bảo vệ lợi ích của người dân.
B.Minh