WHO nhóm họp vì bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 18-7, Ủy ban khẩn cấp bệnh đậu mùa khỉ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) để cân nhắc đưa ra quyết định: bệnh này có trở thành một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu hay không.
Tiêm vaccine chống đậu mùa khỉ tại Mỹ
Tiêm vaccine chống đậu mùa khỉ tại Mỹ

Diễn biến bất thường 

Trước đó, ngày 23-6, WHO đã triệu tập cuộc họp tương tự. Tuy nhiên, các chuyên gia khi đó nhận định, tình hình chưa đến mức cấu thành tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC). Do số ca mắc mới đậu mùa khỉ liên tục gia tăng, WHO đã quyết định tổ chức cuộc họp thứ 2 để đánh giá tình hình kỹ lưỡng hơn. Thông báo của WHO nêu rõ: “Ủy ban tình trạng khẩn cấp sẽ trình bày quan điểm của mình với Tổng Giám đốc WHO về việc liệu tình hình bệnh đậu mùa khỉ hiện nay có được coi là PHEIC hay không”.

Nếu được coi là PHEIC, phân loại bệnh đậu mùa khỉ ở mức tương tự như đại dịch Covid-19 và bệnh bại liệt. Khi đó, Ủy ban khẩn cấp bệnh đậu mùa khỉ sẽ đưa ra các khuyến cáo tạm thời về cách phòng tránh tốt hơn và giảm sự lây lan của bệnh, cũng như quản lý hoạt động ứng phó y tế cộng đồng toàn cầu. Ủy ban khẩn cấp của WHO cho biết, đợt bùng phát đậu mùa khỉ xuất hiện nhiều diễn biến bất thường và thừa nhận rằng căn bệnh này đã bị lãng quên trong nhiều năm. Dự kiến, sau cuộc họp, WHO sẽ đưa ra tuyên bố chính thức.

Đến giữa tháng 7, WHO ghi nhận 9.200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 63 quốc gia trên thế giới. Thực trạng số ca mắc đậu mùa khỉ gia tăng đã được ghi nhận từ đầu tháng 5, bên ngoài các nước Tây Phi và Trung Phi. Đến nay, hầu hết ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở nam giới, có quan hệ đồng tính, người trẻ và ở khu vực đô thị. Các dữ liệu xét nghiệm cho thấy trình tự gene của virus đậu mùa khỉ trong đợt dịch lần này là chủng ở vùng Tây Phi, nhẹ hơn chủng virus thuộc nhóm ở Congo.

Tăng cường năng lực xét nghiệm 

 Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về quy mô và mức độ lây lan của virus đậu mùa khỉ trên khắp thế giới. Theo ông, việc thiếu xét nghiệm đồng nghĩa rằng nhiều ca nhiễm có khả năng bị bỏ sót.

Phòng thí nghiệm lâm sàng Quest Diagnostics của Mỹ đã xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ bằng phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) do chính cơ sở này phát triển. Đây là một phần nỗ lực của Mỹ tăng cường năng lực xét nghiệm để ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. Với phương pháp xét nghiệm này, đến cuối tháng 7, năng lực xét nghiệm của Mỹ đối với bệnh đậu mùa khỉ sẽ tăng lên 60.000 mẫu/tuần.

Số ca mắc đậu mùa khỉ tại Mỹ tăng vọt lên 1.470 ca. New York là bang có nhiều ca đậu mùa khỉ, với gần 490 trường hợp. Tiếp theo là bang California với 270 người và bang Illinois với hơn 170 bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, số ca mắc đậu mùa khỉ thực tế có thể còn cao hơn do nhiều người không biết rằng họ mắc bệnh hoặc chưa được xét nghiệm. 

Các chuyên gia cảnh báo, giới chức Mỹ cần tích cực hơn trong việc ngăn chặn đậu mùa khỉ để tránh lặp lại những sai lầm trong đại dịch Covid-19. Hơn 132.000 liều vaccine đậu mùa khỉ đã được phân phối trên toàn quốc. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết, vaccine tiếp tục bị thiếu hụt ở cấp địa phương khi số ca bệnh ngày càng gia tăng.

Các nước có trên 1.000 ca đậu mùa khỉ là Anh (1.351 ca), Tây Ban Nha (1.256 ca) và Đức (1.242 ca). Các triệu chứng bình thường ban đầu của đậu mùa khỉ là sốt cao, phồng rộp trên da giống bệnh thủy đậu. Dữ liệu y tế của WHO nêu rõ trong đợt dịch này, nhiều ca không có dấu hiệu lâm sàng trên. Trong số các ca có ít nhất 1 triệu chứng, 81% phát ban trên diện rộng khắp cơ thể, 50% sốt và 41% phát ban ở cơ quan sinh dục. Tỷ lệ tử vong của bệnh là khoảng 10%.

Tin cùng chuyên mục