Xã anh hùng hiếu học

Rất nhiều gia đình dù kinh tế chật vật, sống nhờ làm thuê, nhưng vẫn kiên trì mục tiêu lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Ở xã Nhị Long (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), chuyện hiếu học đã trở thành phong trào thi đua, giúp đỡ nhau để tạo điều kiện cho con em vào đại học…
Xã anh hùng hiếu học

Rất nhiều gia đình dù kinh tế chật vật, sống nhờ làm thuê, nhưng vẫn kiên trì mục tiêu lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Ở xã Nhị Long (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), chuyện hiếu học đã trở thành phong trào thi đua, giúp đỡ nhau để tạo điều kiện cho con em vào đại học…

Học để lập thân, lập nghiệp

Nói về chuyện vượt khó nuôi con ăn học, ai cũng thán phục vợ chồng ông Nguyễn Văn Trường ở ấp Đon, xã Nhị Long, huyện Càng Long (Trà Vinh). Gia đình thuộc diện khó khăn do không nghề nghiệp, không đất đai sản xuất, hàng ngày ông Trường chạy xe ôm kiếm tiền mua gạo nuôi 8 đứa con. Lo cái ăn đã mệt, vậy nhưng ông vẫn ôm ấp “giấc mơ” lo cho các con vào đại học. Ông Trường bộc bạch: “Để con cái sau này thoát nghèo, bớt khổ chỉ có con đường duy nhất phải đến trường”.

Suy nghĩ thế nên vợ chồng ông Trường tiết kiệm “triệt để” nhằm dồn sức chăm lo cho đàn con đi học. Có hôm ông chạy xe được 100.000 đồng, nhưng có khi ít khách chỉ kiếm được 30.000 - 50.000 đồng/ngày. Tiền kiếm được dành mua gạo lo cái ăn, còn lại chút ít mua sách vở, dụng cụ học tập cho các con. Khi con đỗ vào đại học, gánh nặng đè lên vai vợ chồng ông càng nhiều. Thấy ông vất vả nên các con ông ngoài việc học còn đi bán vé số, làm thuê… để kiếm tiền phụ gia đình. Thế rồi lần lượt 6 người con đều vào đại học trong niềm vui “rơi nước mắt” của đôi vợ chồng gầy gò vì gian khó này. “Cứ đứa lớn hỗ trợ đứa nhỏ, đứa nhỏ hỗ trợ cho đứa nhỏ nữa… để anh chị em cùng học tốt. Bây giờ trong 8 đứa con, có 4 đứa đã ra trường và có việc làm; 2 đứa đang tiếp tục học ở Đại học Trà Vinh; 1 đứa đang học lớp 12 và con gái út học lớp 8. Cũng nhờ 4 con lớn đã đi làm nên kinh tế gia đình đỡ hơn trước rất nhiều”- ông Trường nói.

Đại diện Báo SGGP trao tiền của bạn đọc hỗ trợ gia đình anh Nguyễn Văn Bé Hai ở xã Nhị Long, hộ nghèo có con học giỏi

Ông Phạm Văn Nhanh, ngụ ấp Rạch Mới, xã Nhị Long, tâm sự: “Vùng này ngày trước ảnh hưởng chiến tranh nên điều kiện khó khăn lắm. Để “đổi đời”, vợ chồng tôi cũng kiên trì nuôi 4 con học hành đàng hoàng. Và nay các con đã ra trường, có việc làm ổn định. Căn nhà tường khang trang này cũng nhờ các con đóng góp xây dựng cho gia đình nở mày nở mặt với bà con lối xóm”.

Tiếp tục đầu tư việc học

Theo ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhị Long, qua thống kê cho thấy toàn xã có khoảng 600 người có trình độ đại học và trên đại học (trong đó có 2 tiến sĩ và 16 thạc sĩ). “Những năm qua chúng tôi nỗ lực hết mình cho công tác khuyến học, khuyến tài. Hội Khuyến học thường xuyên đến từng gia đình để động viên cha mẹ lo cho con em ăn học, hộ nào quá khó thì hội và các mạnh thường quân giúp đỡ. Song song đó, nêu những tấm gương vượt khó học giỏi để mọi người học tập làm theo. Thành lập những dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học… để cùng nhau phát triển việc học”, ông Đức nói.

Anh Nguyễn Hữu Quang, ngụ ấp Rạch Rô 2, cho biết: “Trong dòng họ tôi hiện có 15 người trình độ đại học, trong đó có 7 thạc sĩ và đã được công nhận là dòng họ hiếu học ở địa phương. Trong dòng họ thường xuyên tổ chức gặp gỡ động viên con em cố gắng học tốt và là công dân tốt. Hiện trong dòng họ còn thành lập riêng một quỹ khuyến học hơn 30 triệu đồng để lo cho con em học tập”. Theo ông Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Long, xã rất tự hào về tinh thần ham học của người dân. Thực tế có nhiều gia đình nghèo, nhưng vẫn khắc phục khó khăn để nuôi con ăn học tới nơi tới chốn. Rồi có những chú bác dù đã lớn tuổi nhưng vẫn đi học THPT, thi tốt nghiệp 12… để cho con cháu nhìn vào mà noi theo. Cũng nhờ việc học nên nhiều người dân ở xã Nhị Long có được việc làm, có thu nhập ổn định, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.

Xã Nhị Long đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nơi đây có hơn 500 gia đình liệt sĩ, gia đình có chính sách… đang thật sự thay da đổi thịt nhờ phát triển mạnh mô hình học tập, học để lập thân lập nghiệp. “Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập, kêu gọi các mạnh thường quân, những người con của quê hương Nhị Long đang làm việc các nơi… cùng chung tay giúp sức để mỗi năm có thêm nhiều con em trong xã được vào đại học hoặc cao hơn nửa. Học để chứng minh rằng, Trà Vinh nói riêng và ĐBSCL nói chung không còn “bị xem” là vùng trũng về giáo dục”- ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhị Long khẳng định.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục