Hiện nay, tình trạng xa dân, quan liêu của bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn khá phổ biến. Nhiều đảng viên là cán bộ lãnh đạo về nhà riêng, thường ở tình trạng “kín cổng cao tường”, ít giao du, tiếp xúc với láng giềng. Nhiều đảng viên là thủ trưởng các đơn vị vẫn có thái độ cách biệt với cán bộ, công nhân viên của mình. Nhiều cán bộ, đảng viên khi tiếp dân vẫn có thái độ hách dịch, thiếu lịch sự, thậm chí quát nạt, đòi hỏi mới chịu giải quyết công việc mà lẽ ra trong chức trách, nhiệm vụ của mình phải làm tròn. Vẫn còn tình trạng cán bộ lãnh đạo thiếu sâu sát, khi đưa ra quyết sách mà chưa nghiên cứu đầy đủ quyết sách đó tác động đến xã hội thế nào, gây lãng phí và mất lòng tin trong nhân dân. Hay việc lãnh đạo “vi hành” xuống cơ sở nhưng thực chất là chỉ đến gặp lãnh đạo cơ sở chứ chưa trực tiếp đi xuống dân, thấy dân làm, nghe dân nói, nên dễ dẫn đến nghe thông tin một chiều.
Đảng viên là cán bộ đương chức về nhà riêng không tiếp xúc với người dân nên dân không giám sát được, nhưng khi lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy Đảng nơi cư trú, nhiều cán bộ đương chức vẫn được đánh giá tốt. Liệu kết quả này có thực sự khách quan và chính xác? Có người nêu ý kiến: Nếu cử tri không muốn ông A đắc cử vào Quốc hội hay HĐND các cấp vì biết ông có những điều chưa tốt thì họ sẽ không bỏ phiếu cho ông A. Nhưng cử tri không có quyền bỏ phiếu để ông A tái đắc cử làm bí thư hoặc tham gia cấp ủy của tổ chức Đảng. Như vậy, có thể có những đảng viên không hợp lòng dân nhưng bằng cách nào đó vẫn trở thành cán bộ lãnh đạo, vẫn thăng quan tiến chức mà người dân không thể giám sát được. Hay trên địa bàn có xảy ra tệ nạn xã hội, tội phạm, ô nhiễm môi trường, vậy đảng viên (nhất là đảng viên đang sinh hoạt, công tác tại địa phương) có tham gia giải quyết, xử lý, khắc phục một cách tích cực, có hiệu quả hay “việc ai nấy hay”, đến cuối năm tổ chức Đảng vẫn trong sạch vững mạnh, còn đảng viên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ?
Xa dân ắt dẫn đến quan liêu. Mà bệnh quan liêu không phải chỉ đơn thuần là sai lầm về tác phong, phương pháp công tác mà chính là một căn bệnh nguy hiểm, có quan hệ trước hết và chủ yếu đến lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng; có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và Nhà nước. Quan liêu đi liền với mệnh lệnh, cửa quyền, coi thường quần chúng, làm khó cho người dân... Nó làm biến dạng các tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước, làm cho những tổ chức đó vốn là cơ quan lãnh đạo, đại diện quyền lực và là đầy tớ của dân trở thành những tổ chức xa dân, đứng trên nhân dân, thoát ly thực tế, dẫn đến việc đề ra quyết định, chính sách, chủ trương công tác không sát thực tế, thậm chí sai lầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ Đảng, Nhà nước và quần chúng.
NGUYỄN MINH HẢI
(234 Võ Thị Sáu quận 3)