Trong những năm qua, TPHCM là nơi có nhiều đơn vị nghệ thuật kịch nói tiên phong hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Một số nghệ sĩ đã đứng mũi chịu sào, nỗ lực gồng gánh, vượt qua nhiều trở ngại để giữ nghề, tạo dựng thương hiệu nghệ thuật, phong cách riêng cho từng sân khấu. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ, tiếp sức từ cơ quan chức năng thì phương thức này sẽ dần bị mai một, giống như từng diễn ra ở sân khấu cải lương, hát bội.
Khó khăn bủa vây
Có một thời, các sân khấu xã hội hóa hoạt động sôi động và phát triển mạnh. Với nhiều vở diễn được chăm chút về nội dung, nghệ thuật, những sân khấu này còn góp phần không nhỏ trong việc định hướng thẩm mỹ cho công chúng.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi các loại hình giải trí hiện đại xuất hiện, được đầu tư và phát triển rộng, sân khấu kịch nói ít nhiều bị lấn át, bị chia sẻ thị phần khán giả. Nhiều khó khăn mới phát sinh đã gây không ít trở ngại cho những người làm nghệ thuật: mỏi mệt kiếm tìm sân khấu để thuê (đa số là khán phòng hội trường các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi), cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không dám đầu tư sửa chữa, trở ngại trong việc xin giấy phép hoạt động, doanh thu không đủ bù các khoản chi (thuế, sân khấu, điện, nước, âm thanh, ánh sáng…). NSND Hồng Vân tâm tư: “Những năm qua, chúng tôi đã lên tiếng rất nhiều về các vấn đề bất cập của sân khấu kịch nói TP, nhưng chưa thấy hồi âm tích cực.
Tại TPHCM, bao nhiêu năm qua, lĩnh vực sân khấu kịch nói hoạt động sôi nổi phần lớn là nhờ vào công sức, nỗ lực và sự đóng góp rất lớn của các sân khấu xã hội hóa. Nhưng, với tình hình xuống cấp trầm trọng về cơ sở vật chất tại các điểm diễn, nỗi lo anh em nghệ sĩ hoạt động tự do, không lương, không chế độ, sống nhờ vào từng suất diễn, việc thu hút khán giả đến với sân khấu kịch ngày càng khó khăn, thuế phải đóng thì rất khủng khiếp - thu nhập doanh nghiệp 28%, VAT trên đầu vé 10%, thuế thu nhập cá nhân, chi phí thuê sân khấu (sân khấu Phú Nhuận 5 triệu/suất/đêm, sân khấu Supberbowl 4.500 USD/tháng)… thì chúng tôi - những nghệ sĩ còn tâm huyết với nghề chỉ biết còn làm được thì cố gắng làm. Không ít ông - bà “bầu” cảm thấy tâm thế làm nghề hiện nay bị đặt vào tình huống tiến thoái lưỡng nan”.
Cái khó hiện tại của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh là việc tìm kiếm điểm diễn cấp tốc, vì đến cuối năm nay, địa điểm Nhà Thiếu nhi TPHCM phải cải tạo theo quy hoạch của TP. NSƯT Thành Hội trăn trở: “Từ sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đã cất công dò hỏi, tìm đến nhiều nơi để khảo sát, nhưng chưa tìm được điểm diễn nào phù hợp. Tình hình này còn kéo dài, chúng tôi không biết sẽ đi đâu về đâu”. Nghệ sĩ Ái Như ưu tư: “Năm 2013, sân khấu Hoàng Thái Thanh từng được làm việc với HĐND TPHCM để phản ánh tình hình thực tế và chỉ mong muốn làm sao có thể ổn định được điểm diễn, để anh em nghệ sĩ vững tin hoạt động, cống hiến cho nghệ thuật. Trong 4 năm hoạt động, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã ra mắt công chúng 28 vở diễn chất lượng, nhưng hầu hết các vở không lấy lại được vốn. Trước những trở ngại, khó khăn bủa vây, chúng tôi thật sự thấy buồn, chạnh lòng, âu lo quay quắt”.
Giải pháp nào?
Bấy lâu nay, các đơn vị quản lý văn hóa như Bộ VH-TT-DL, Sở VH-TT-DL TPHCM đều ghi nhận về những giá trị và hiệu quả tích cực mà loại hình sân khấu xã hội hóa - sân khấu kịch nói đã đóng góp cho sự phát triển chung của văn hóa nghệ thuật TPHCM và cả nước. Tuy nhiên, chỉ ghi nhận thôi thì chưa đủ. Trước tình hình thực tiễn, trước những khó khăn chủ quan lẫn khách quan mà các đơn vị doanh nghiệp làm nghệ thuật đang vướng phải, đang rất cần các đơn vị quản lý nhà nước, quản lý ngành phải có động thái tích cực hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể.
Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM bày tỏ quan điểm đồng tình với một số biện pháp cấp thời cần quán triệt thực hiện cho sân khấu xã hội hóa. Trong đó, việc trước tiên cần làm là tìm kiếm cho sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh một điểm diễn ổn định; tiếp đến là nâng cấp, sữa chữa hoặc xây dựng mới lại địa điểm 5B - nơi ra đời CLB sân khấu kịch thể nghiệm, căn nhà chung của giới nghệ sĩ kịch nói TPHCM. Nếu dự án lớn 5B được thực hiện sẽ là động lực thúc đẩy các kế hoạch đầu tư, hỗ trợ khác có ích lợi thiết thực cho hoạt động sân khấu xã hội hóa tại TPHCM trong tương lai.
Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý nhà nước và quản lý văn hóa cần nhanh chóng có những buổi làm việc với một số cơ quan chức năng, để có những trao đổi, thảo luận, tìm ra biện pháp tháo gỡ, giảm thuế cho các doanh nghiệp làm nghệ thuật, tạo thuận lợi về cấp phép tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tư vấn và hỗ trợ địa điểm biểu diễn cho đơn vị sân khấu xã hội hóa hoạt động.
THÚY BÌNH