Xã nghèo “lột xác”

Mang danh “nhiều không” - không cầu, không điện, không trường, không trạm, không nước sạch…, những vùng đất nghèo lưu cữu ở Cần Giờ, Nam Nhà Bè, Bắc Bình Chánh (TPHCM) tưởng như khó có thể thoát khỏi cái vòng kim cô nghèo khó. Nhưng bây giờ, nơi này đã khác…
Xã nghèo “lột xác”

Mang danh “nhiều không” - không cầu, không điện, không trường, không trạm, không nước sạch…, những vùng đất nghèo lưu cữu ở Cần Giờ, Nam Nhà Bè, Bắc Bình Chánh (TPHCM) tưởng như khó có thể thoát khỏi cái vòng kim cô nghèo khó. Nhưng bây giờ, nơi này đã khác…

  • Thênh thang đường mới!

Nhiều năm không có dịp trở lại những vùng đất nghèo thuộc các huyện ngoại thành, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cưỡi xe gắn máy chạy bon bon trên những con đường trải nhựa thẳng tắp vào tận các xã vốn được coi là vùng sâu, vùng xa như Phước Kiểng, Hiệp Phước… thuộc huyện Nhà Bè.

Mặc dù đã được một cán bộ chương trình “xóa đói giảm nghèo” của thành phố nói trước về “Nhà Bè của hôm nay đã khác xưa” nhưng chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi sự thay da đổi thịt một cách nhanh chóng của một huyện có đến 5/6 xã bị liệt vào danh sách các xã nghèo nhất thành phố.

Đi trên những con đường làng trải đan sạch sẽ uốn mình theo những thửa ruộng phủ màu xanh của dừa nước ở những xã vùng sâu, vùng xa, chúng tôi mới thấu hiểu hết niềm vui của bà con nghèo nơi đây. Chỉ tay về phía con đường Đền trước mặt (ở ấp 2 xã Phước Kiểng) dài đến 400m vừa được trải bê tông rộng hơn 3m- con đường mà trước đây vốn là bờ ruộng, bà Lê Thị Lan (60 tuổi) phấn chấn nói: “Trước đây, mỗi khi mùa mưa con đường này lầy lội trơn nhớt. Mấy đứa học sinh đi học bị té lên té xuống, tội lắm. Giờ thì sướng rồi, xe đạp, xe máy chạy bon bon. Đầu năm đến giờ, có mấy đám trong xóm này lên xe hoa.

Xã nghèo “lột xác” ảnh 1

Đường mới, nhà mới mọc theo (tại đường Đền, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè).

Lần đầu tiên xe chạy được vào tận cửa nhà rước dâu. Thấy mà đã con mắt”. Đường mới, tư duy của người nghèo cũng đổi mới. Với khát vọng vươn lên, từ bỏ cái nghèo lưu cữu, nhiều nông dân đã bớt chuyện chè chén, say xỉn hay cờ bạc mà dành thời gian để lo chuyện làm ăn.

Dọc theo hai bên đường làng, rất nhiều ngôi nhà mới cao tầng mọc lên với đủ kiểu dáng, màu sắc khác nhau. Không giấu được niềm vui, chị Huỳnh Thị Dứt, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kiểng cho biết, trong vòng 3 năm trở lại đây, chỉ riêng xã Phước Kiểng đã nâng cấp và đan hóa gần 20 tuyến đường với tổng chiều dài trên 10 ngàn mét.

Xã Long Thới, Hiệp Phước - những địa danh vốn được coi là nghèo nhất huyện Nhà Bè bây giờ không còn cầu khỉ. Nghe tin xã sắp triển khai xây mới ba cây cầu huyết mạch, bà con càng phấn khởi hơn.

Đứng bên cạnh cây cầu Rạch Già đã xuống cấp đang chuẩn bị xây mới, bà Bùi Thị Da - người gắn bó 70 năm ở vùng đất lầy lội này - kể lại cái khổ truyền kiếp: “Trước đây, khi chưa có cây cầu tạm này, bà con phải đợi đến khi con nước ròng mới dám lội qua. Nếu không, phải chặt thân cây chuối hay là cái bắp dừa nước để lội qua.

Bây chừ nghe nói nhà nước sẽ xây những cây cầu lớn hơn, đẹp hơn –xe hơi có thể vô được tận ấp thì đã quá rồi!”. Cùng chung niềm vui này, chị Huỳnh Thị Thủy nhắc lại: “Sáu năm về trước, hai thằng con trai của tui suýt bị mất mạng ở ngay con rạch Tắc này. Lần đó đi học về, nước lớn quá chúng bơi qua không được. May nhờ có người cứu kịp chứ chậm một chút là thằng nhỏ chết đuối rồi”.

Từ năm 2001 đến nay, thành phố đã đầu tư cho 5 xã nghèo của huyện Nhà Bè xây dựng 76 công trình gồm 20 cầu bê tông, 15 trường học, 4 trạm y tế, 6 chợ và hàng chục tuyến đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 78 tỷ đồng. Trung tâm Nước TPHCM cũng đầu tư xây dựng thêm 7 giếng nước công nghiệp (mỗi giếng phục vụ 300 hộ dân), nhờ vậy, cơn khát nước sạch của bà con nghèo ở Nhà Bè đã giảm.

Cái nghèo của Cần Giờ còn bức xúc hơn nhiều. Huyện có 6 xã thì hết 5 xã bị liệt vào danh sách xã nghèo nhất thành phố. Căn bệnh “suy dinh dưỡng” về cơ sở hạ tầng kéo dài nhiều năm liền đã ghìm chân Cần Giờ vươn lên làm giàu. Hôm nay dù vẫn chưa chữa dứt căn bệnh nghèo đói ở Cần Giờ nhưng chúng tôi nhận thấy nhiều cái mới đang sinh sôi ở những xã nghèo.

Con số hơn 50 hạng mục công trình (cầu, đường, trường, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa…) được xây mới và đưa vào sử dụng từ năm 2001 đến nay đã tạo diện mạo mới cho 5 xã nghèo nhất huyện. Vượt qua con đường phối đá đỏ dài hun hút, chúng tôi tìm vào xã An Thới Đông.

Khác với 4 năm về trước, đường sá ở đây đã liên thông và cầu khỉ không còn trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đi lại. Ngoài 95% tuyến đường giao thông trong xã được trải đá cấp phối, 80% hộ dân còn được thắp sáng bằng điện lưới quốc gia.

  • Thu ngắn cách biệt

Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng cho 20 phường xã nghèo trọng điểm được thành phố triển khai từ năm 2001 với tổng kinh phí trên 276 tỷ đồng. Đến nay đã có 232/342 công trình đã đưa vào sử dụng.

Ở xã Long Hòa huyện Cần Giờ , ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng, xã còn được đầu tư xây mới một nhà thiếu nhi - điểm vui chơi cho thanh thiếu niên trong xã. Bác Lê Văn Bốn “chỉ điểm”: “Ngoài đường sá mới, nhà cửa mọc lên mới hơn, các cô cứ đến cầu đò Hòa Hiệp sẽ thấy nhịp sống của ngư dân ở đây sôi động hơn trước”.

Thật vậy, từ khi được sửa sang, nâng cấp, cầu đò này đã tạo thêm nhiều cơ hội cho ngư dân bến Long Thạnh trong việc vận chuyển hàng hóa, khai thác thủy sản.

Nằm chơi vơi giữa biển cả mênh mông, nhiều năm qua người dân ở xã đảo Thạnh An phải chịu nỗi khổ trần ai mỗi khi đau ốm, bệnh tật. Để vào đất liền khám chữa bệnh, họ phải mất rất nhiều thời giờ chờ tàu và đi tàu.

Thế nhưng, bây giờ nỗi lo ấy không còn ám ảnh người dân nữa. Trạm y tế xã Thạnh An mới được đầu tư xây mới đạt chuẩn quốc gia với tổng kinh phí đầu tư 850 triệu đồng đã mở rộng cơ hội khám chữa bệnh tại chỗ cho người dân ở xã đảo này.

“Nếu không có sự đầu tư nguồn vốn lớn của thành phố dành cho những vùng đất nghèo này thì không biết bao giờ bộ mặt các xã nghèo ở huyện chúng tôi mới có được diện mạo mới như hôm nay” - Anh Trần Đức Thiện, Phó phòng Văn hóa xã hội, phụ trách xóa đói giảm nghèo của huyện Cần Giờ trần tình như vậy.

Đối với huyện Bình Chánh, nguồn vốn dành cho các xã nghèo trọng điểm cũng tạo bước đột phá, giúp huyện xây mới nhiều công trình công cộng, dân sinh thiết thực, phục vụ người nghèo. Gây ấn tượng đối với chúng tôi là Bình Chánh đã có những ngôi trường mới khang trang, rộng rãi, thậm chí đẹp hơn cả một số ngôi trường ở nội thành.

Trường mẫu giáo Phong Lan ở xã Qui Đức với kiểu dáng, trang thiết bị khá hiện đại đã trở thành niềm tự hào của các bà mẹ nông dân chân lấm tay bùn. Tương tự, Trường PTTH Phong Phú được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn quốc gia bằng toàn bộ đồng vốn XĐGN của thành phố.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Phó ban chỉ đạo Chương trình việc làm – XĐGN TPHCM, nhận định: “Tuy chưa rũ sạch nghèo khó nhưng nhìn chung người dân ở các vùng nghèo đã từng bước được thụ hưởng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu về đời sống vật chất, văn hóa – tinh thần”.

Thực tế đã chứng minh, việc khoanh vùng nghèo - “bấm trúng huyệt” và đầu tư mạnh tay, làm quyết liệt để thay đổi căn bản bộ mặt cho 20 phường, xã nghèo là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền thành phố.

Từ hiệu quả thiết thực này, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa đang được rút ngắn hơn và tốc độ XĐGN ở các xã nghèo đạt nhanh hơn dự kiến của thành phố. Đến nay đã có 3/20 xã nghèo công bố không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ (2,5 triệu đồng/người/năm); 10 phường xã cơ bản không còn hộ nghèo; 7 phường xã khác tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%.

Không chờ đến 30-4-2005 - kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Sài Gòn, khi tất cả các công trình đầu tư cho xã nghèo hoàn thành và đi vào sử dụng, hiện nay 20 phường xã nghèo đã có một diện mạo mới, sức sống mới.
 

KHÁNH BÌNH - VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục