Xác định mục tiêu để chọn nghề phù hợp

Thời điểm hiện tại, các trường THPT đã cho học sinh đăng ký chọn bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội) để tổ chức lớp ôn tập chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. 

Tuy nhiên, nhiều học sinh cho biết vẫn hoang mang chưa biết sẽ chọn ngành nghề gì phù hợp trong tương lai. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều tư vấn nhằm gỡ rối cho các em. 

Xác định mục tiêu để chọn nghề phù hợp ảnh 1 Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu đặt câu hỏi với các chuyên gia tại ngày hội tư vấn tuyển sinh
 Lắng nghe bản thân nhiều hơn!

Cuối tuần qua, tại ngày hội tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM và Báo Giáo dục TP tổ chức, Th.S Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM), khẳng định: “Các em không nên tập trung quá nhiều vào những ngành hot vì tâm lý đám đông. Thay vào đó, hãy lắng nghe sở thích, khả năng của mình nhiều hơn vì trong bất kỳ ngành nghề nào cũng có những cá nhân hot”.

Ở góc độ khác, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn, Hội Tâm lý khoa học - tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng sở thích cá nhân chỉ là điều kiện ban đầu. Quan trọng hơn là học sinh phải xác định rõ bản thân có đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của nghề hay không. Ví dụ như muốn trở thành giáo viên mầm non, các em phải trau dồi kỹ năng truyền đạt trước đám đông, có khả năng đọc diễn cảm và hát theo đặc thù công việc. 

Em Trương Thị Thanh Hiền, học sinh lớp 12A18 Trường THPT Võ Thị Sáu, cho biết lâu nay em và các bạn thường chọn kênh tham khảo thông tin qua các trang fanpage, facebook kết nối cựu sinh viên của các trường đại học. Tuy nhiên, cách tìm hiểu thông tin này thường hay gián đoạn và mang màu sắc đánh giá chủ quan.

Thêm vào đó, Th.S Vũ Đình Lê, Phó phòng Đào tạo (Trường Đại học Luật TPHCM), cho biết chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng hiện nay đều trang bị kiến thức và kỹ năng mềm cho sinh viên nhưng chỉ mang tính nền tảng. Sau khi tốt nghiệp ra trường, muốn có cơ hội việc làm tốt, bản thân các em phải chủ động tìm kiếm cơ hội và không ngừng bồi dưỡng chuyên môn.

Minh chứng điều này, PGS-TS Lê Hiếu Giang, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết hiện nay trung bình 10 sinh viên ra trường, chỉ có 5 người thành công và không phải bạn nào học tốt ở trường đại học cũng thành công trong thực tế, bởi các yếu tố như kỹ năng xã hội, năng lực, phẩm chất bản thân mới mang tính then chốt. 

Bình tĩnh trước những ngả rẽ

So sánh bối cảnh xã hội hiện nay với hơn 20 năm trước, PGS-TS Lê Hiếu Giang nhận định trước đây tuyển sinh đại học được xem là kỳ thi “sống còn” vì số lượng trường đại học ít. Song, hiện nay cơ hội cho các em đã nhiều hơn, phương thức xét tuyển đa dạng hơn.

Ngoài ra, để theo kịp sự phát triển của xã hội, các trường đại học đã dần chuyển theo hướng đào tạo liên ngành (như chuyên ngành cơ khí kết hợp thêm đào tạo tín chỉ kinh tế, hoặc điện tử liên kết đào tạo với bác sĩ) nhằm tạo thêm nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường cho sinh viên. Do đó, sau khi tốt nghiệp một chuyên ngành nào đó, các em có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp.

Các chuyên gia tư vấn cũng nhấn mạnh, dù 2 chữ “ngành”, “nghề” thường đặt cạnh nhau, nhưng trên thực tế, học sinh phải xác định muốn làm nghề gì trong tương lai, sau đó mới đến chọn ngành và chọn trường phù hợp. “Đừng đặt nặng vấn đề điểm số hay phải vào đại học bằng mọi giá mà hãy tạo tâm lý thoải mái, chọn ngành học vừa sức và phù hợp năng lực bản thân mới có thể theo đuổi lâu dài”, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn bày tỏ.

Có một thực tế là hiện nay, sinh viên có xu hướng “đứng núi này trông núi nọ” khiến nhiều bạn bỏ dở việc học khi đã học đến năm thứ hai, thứ ba đại học. Đây là suy nghĩ hết sức sai lầm vì tạo ra lãng phí lớn về thời gian, tiền bạc của chính các em. Do đó, lời khuyên cho học sinh lớp 12 là hãy bình tĩnh, nghiêm túc khi đưa ra lựa chọn. Sau khi đã chọn rồi, các bạn nên đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể cho bản thân và kiên trì theo đuổi. 

Một bí quyết nữa cũng được Th.S Vũ Đình Lê chia sẻ là hiện nay nhiều trường đại học đã chọn phương thức xét tuyển là bài thi đánh giá năng lực người học. Do đó, để bảo đảm bản thân phù hợp với ngành học và yêu cầu đào tạo của các đơn vị, các bạn học sinh nên sử dụng công cụ tìm kiếm Google làm thử các bài kiểm tra năng lực của các trường trong những năm trước. Đây là một trong những kênh tham khảo hữu ích giúp các bạn đưa ra lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, dù lựa chọn ngành học nào, yêu cầu tiếng Anh cũng là một trong những điều kiện cơ bản.

“Thời đại công nghiệp 4.0, tiếng Anh không chỉ giúp ích cho người học trong việc học tập, nghiên cứu mà còn để cạnh tranh với lao động nước ngoài”, Th.S Phạm Doãn Nguyên thông tin.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đó, hiện nay các trường đại học đã mở thêm nhiều hệ đào tạo chuyên ngành khác nhau phù hợp năng lực tiếng Anh của người học, như đào tạo du học quốc tế (chứng chỉ tiếng Anh được công nhận bởi các tổ chức quốc tế), đào tạo chất lượng cao (tiếng Anh tăng cường) và đào tạo hệ cử nhân (chuẩn tiếng Anh theo khung quy định của Bộ GD-ĐT). Đứng trước quá nhiều lựa chọn, các bạn học sinh phải xác định rõ mình đang ở đâu, mong muốn phát triển gì trong tương lai để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Tin cùng chuyên mục