Chống buôn bán phụ nữ - từ đâu?

Bài 3: Giải pháp cho một tệ nạn “nóng”?

Bài 3: Giải pháp cho một tệ nạn “nóng”?

Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện Chương trình 130/CP (tên gọi tắt của Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán PNTE từ 2005 đến 2010) cho thấy số PNTE bị buôn bán ra nước ngoài ngày một gia tăng. Đa phần họ bị buộc hoạt động mại dâm, hôn nhân ép buộc hoặc giúp việc gia đình với thời gian lao động quá sức. Đáng quan ngại là hầu hết số nạn nhân khi nhận thức ra thì đường về của họ lại quá xa…

  • Nhận diện bọn buôn người
Bài 3: Giải pháp cho một tệ nạn “nóng”? ảnh 1

Trong ảnh là những cô gái được công an giải cứu từ “lò” buôn người của má mì Tiêu Liên Hữu ngày 27-3 vừa qua.

Kết quả phân tích số PNTE bị bán ra nước ngoài cho thấy, có đến 88% nạn nhân xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và 33% không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định. Đây là yếu tố mà bọn tội phạm triệt để lợi dụng. Các đường dây môi giới trái phép có chân rết tận các làng quê hẻo lánh.

Khi thâm nhập một đường dây, PV Báo SGGP đã được nghe bà mối M. ở Sóc Trăng kể rằng có khi bà phải giả làm người bán vé số, bán ve chai để tiếp cận các cô gái. Thông thường đưa được một cô gái vào đường dây, các bà mối được chi ít nhất là 1 triệu đồng “huê hồng”. Vì hám lợi, họ bất chấp cả đạo lý, thậm chí đưa cả người thân vào các đường dây bằng việc vẽ ra một tương lai vô cùng xán lạn.

Nạn nhân dễ mắc bẫy vì bọn chúng ngày càng tinh vi khi giăng lưới, bằng cách lợi dụng sơ hở trong tư vấn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho - nhận con nuôi, du lịch, thăm thân nhân đi hợp tác lao động… để lừa gạt nạn nhân.

Bọn tội phạm còn lợi dụng chính sách mở cửa và hội nhập của nước ta để tiếp xúc, làm quen, tạo mối quan hệ thân thiện với nạn nhân, thậm chí giả vờ yêu. Sau một thời gian quan hệ, hứa hẹn, làm tin, chúng lừa nạn nhân đi du lịch nước ngoài với lời hứa về sẽ tổ chức cưới nhưng khi sang đến nước ngoài, chúng bán họ ngay cho các chủ chứa đang chờ sẵn.

Theo số liệu thống kê của cơ quan công an, có đến 1.262 đối tượng có liên quan đến hoạt động buôn bán PNTE bị đưa vào diện quản lý, theo dõi. Trên thực tế, con số ấy cao gấp nhiều lần. Chiến thuật “rỉ tai” mà họ áp dụng không chỉ làm mụ mị các cô gái mà đôi khi cả gia đình, họ hàng của họ cũng bị mê hoặc. Không ít cô gái ở đồng bằng sông Cửu Long khi lên TPHCM cho người nước ngoài xem mắt cho biết họ đã rất buồn vì không được chọn bởi như thế là làm cha mẹ thất vọng. Nhiều cô không được chọn cũng ở lì lại TP chứ không về nhà vì “quê lắm!”.

  • Cần triệt phá tận gốc

Có ý kiến cho rằng do chúng ta thiếu một lực lượng chuyên trách từ trung ương đến địa phương nên chưa có điều kiện đi sâu điều tra khám phá tội phạm buôn bán PNTE. Hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này cũng chưa chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Trung tá Lê Thanh Kiểm, Phòng 7- Phòng trinh sát Chống tội phạm buôn bán PNTE (Bộ Công an) cho biết, hiện nay mức xử lý hành chính đối với các hành vi: tổ chức, môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục của người VN quá nhẹ (chỉ từ 1 đến 2 triệu đồng/lần).

Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, đối tượng cò mồi đã bị xử phạt 5-7 lần nhưng vẫn tiếp tục tái phạm. Ngoài ra theo quy định của pháp luật, các đối tượng bị xử phạt vi phạïm hành chính nhiều lần có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng với hành vi môi giới hôn nhân thì lại chưa có quy định này. Đã vậy, sự phối hợp giữa các cơ quan hành pháp trong nước, giữa các cơ quan chức năng liên quan của các nước trong khu vực nhằm đấu tranh với tội phạm này chưa chặt chẽ.

Trong khi VN rất “kỹ tính” khi làm thủ tục cho phụ nữ VN kết hôn với người nước ngoài thì ở một số nước, công đoạn này lại khá dễ dàng. Đơn cử như ở Hàn Quốc, việc đăng ký kết hôn không cần có mặt cả hai người. Vì vậy, các công ty môi giới thường lấy hồ sơ phụ nữ VN sang đó đăng ký, rồi chuyển về VN.  Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu cho rằng ở đây đã có việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật. 

Trong việc này, vai trò của các đoàn thể, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ là rất quan trọng. Nhưng thời gian qua, công tác này chưa được chú trọng đúng mức. Trong khi “đội quân” cò mồi như những chiếc vòi bạch tuộc tủa đi khắp thôn cùng ngõ hẻm, gõ cửa từng nhà thì các trung tâm tư vấn của Hội LHPN chỉ mới đếm trên đầu ngón tay và lại thường “ế” khách.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN lý giải: “Một mặt là do luật pháp VN không cho phép các dịch vụ môi giới hôn nhân với người nước ngoài hoạt động. Mặt khác là các trung tâm hỗ trợ kết hôn của Hội LHPN cũng không có được sự đầu tư thích hợp về cả nhân lực và tài chính”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) băn khoăn: “Phải chăng các đường dây môi giới, buôn người “gần” dân hơn nên mới “thắng” được các tổ chức, đoàn thể xã hội? Vấn đề này cần được đánh giá một cách nghiêm túc, toàn diện vì đây là vấn đề cấp bách cần sự nỗ lực của toàn xã hội”.
 
Nhiều ý kiến cho rằng công tác đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề cho phụ nữ các vùng quê nghèo cũng chưa được quan tâm. Trong khi đây chính là giải pháp căn cơ nhất giúp phụ nữ nghèo có đời sống ổn định gắn bó với quê hương gia đình.

Nhóm PV

Bài 1 Đau xót!

Bài 2: Cạm bẫy xứ người

Tin cùng chuyên mục