Chống buôn bán phụ nữ - từ đâu?

Bài 1 Đau xót!

Bài 1 Đau xót!

LTS: Thời gian gần đây, từ thông tin tố giác của các phụ nữ, gia đình các cô gái từng là nạn nhân của các đường dây buôn người, đường dây môi giới hôn nhân, công an các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây buôn người quy mô lớn với hàng chục đối tượng bị bắt. Theo chân cán bộ điều tra, phóng viên Báo SGGP đã được gặp, nghe các nạn nhân kể lại những ngày tháng sống ở “miền đất hứa” bằng những câu chuyện đẫm nước mắt…

  • Vợ Việt Nam = 30.000 ringit

Một ngày cuối tháng 11-2005, C.N.Đ (quê ở thị xã Tây Ninh, vừa tròn 22 tuổi, mới ly dị chồng) gạt nước mắt gửi lại đứa con chưa đầy năm cho ông bà ngoại để khăn gói theo đám mai mối sang Malaysia “đi thêm bước nữa” với hy vọng đổi đời. Cùng chuyến bay hôm ấy với Đ. còn có 11 cô gái, mỗi người mỗi cảnh nhưng Đ. kể ai nấy đều tỏ ra lạc quan, mơ tới một tương lai xán lạn sau những lời đường mật của những má mì “tốt bụng”.

Bài 1 Đau xót! ảnh 1
Những cô gái này không hề biết vì giấc mơ lấy chồng ngoại mà rơi vào tay bọn buôn người. Trong ảnh là những cô gái được công an giải cứu từ “lò” buôn người của má mì Tiêu Liên Hữu ngày 27-3 vừa qua.

“Má mì Phượng đưa tôi đi gặp hai người đàn ông nước ngoài coi mắt rồi nói một trong hai ổng đã chọn tôi làm vợ nhưng qua bên Malaysia mới đăng ký kết hôn. Rồi người của má kêu tôi đưa 2,5 triệu đồng để lo giấy chứng nhận độc thân, lo thủ tục xuất cảnh”-Đ. bắt đầu kể về hành trình “đổi đời” của mình. Vừa ra khỏi sân bay ở Malaysia, cả nhóm bị gom hết tiền bạc, hộ chiếu, sau đó được đưa đến nhà của một người tên A Vĩnh để hàng ngày đợi “khách” đến coi mặt.

Sau 12 ngày ròng rã ở nhà chứa này, chỉ còn mỗi mình Đ. không được khách chọn “làm vợ”, số phụ nữ đi cùng chuyến bay với Đ. đã được bán cho khách có nhu cầu cưới vợ Việt Nam với giá từ 30.000 đến 50.000 ringit (1ringit bằng khoảng 4.000 đồng VN). “Không bán được tôi cho số đàn ông ở thành phố, bọn chủ chứa bắt đầu “hạ giá” xuống còn 25.000 ringit rồi 20.000 ringit và chở tôi đi rao bán khắp nơi từ 10 giờ sáng hôm trước đến 3, 4 giờ sáng hôm sau mới về. 4 tháng, bọn người này đã “gửi” tôi vào 6 nhà chứa ở các đảo xa xôi hẻo lánh để “bán” nhưng tôi đều cự tuyệt và đòi bọn chúng đưa tôi trở về Việt Nam” - Đ. không cầm được nước mắt.

Đ. không phải là trường hợp cá biệt và nhiều người có ý định bỏ trốn nhưng không biết phải làm như thế nào vì xứ lạ quê người. Ngoài ra bọn chúng còn đe dọa thủ tiêu nếu phát hiện ai bỏ trốn. “Cũng may thấy tôi đã ở quá lâu mà không bán được, sợ cảnh sát phát hiện bắt giữ nên cuối cùng bọn họ đồng ý để tôi trở về với điều kiện phải đóng cho chúng 4,5 triệu đồng khi về đến Việt Nam…”.

Buổi nói chuyện giữa chúng tôi có nhiều khoảng lặng vì Đ. khóc ròng khi nhớ cảnh tượng hàng ngày bị người ta đưa đi rao bán như bán tôm cá ngoài chợ. Đ. nói chắc cô sẽ bị ám ảnh suốt đời với những lời rao: “Gái Việt Nam trẻ đẹp, giá rẻ 25.000 ringit một cô mua đi, mua đi !!…”. “Đau đớn, tủi nhục nhiều lúc tôi định tìm đến cái chết nhưng nghĩ lại, mình còn may mắn hơn nhiều chị em khác. Được trở về gặp lại con, gặp lại gia đình. Những người khác chẳng biết bây giờ ra sao…”.

  • Những phận đời phiêu bạt

Cùng chuyến bay trở về nước với Đ. còn có P.K.T.H. 25 tuổi, ngụ tại Xuân Lộc, Đồng Nai. Tháng 10-2005, H. sang Malaysia theo đường dây của Trần Thị Mỹ Phượng (đã bị bắt) cũng với mục đích tìm chồng để thoát nghèo. H. kể: “Vừa chân ướt chân ráo đến TP Kuala Lumpur, má mì Phượng đưa tôi đi bán cho một ông cụ đã ngoài 70 tuổi, hoảng quá tôi nhất quyết không chịu. Mấy ngày sau còn tệ hơn, họ đưa tôi ra các quán ăn, chợ ở các đảo cách TP hàng trăm cây số để rao bán. Những người đến coi mắt đều là người già hoặc tật nguyền…

Ròng rã như vậy cả tháng trời, cho đến một ngày…”. Dù trước mặt H. lúc này đã là các điều tra viên của Ban Chuyên án 106P - Công an tỉnh Tiền Giang nhưng khi thuật lại câu chuyện bi đát của mình trong những tháng ngày tại Malaysia, cô gái này vẫn không thể ngăn được những giọt nước mắt uất hận, tiếc nuối vì một quyết định đầy sai lầm: “Má mì Phượng giao hẹn nếu ba lần không chịu đồng ý bán thân cho người chịu mua mình thì tôi phải đền cho họ 20 triệu đồng nên sau hai lần gặp những người đàn ông “hổng giống ai”, tôi đành phải nhắm mắt xuôi tay đồng ý bán mình cho một ông già lớn tuổi hơn cả ba mình tên L.C.G. Ông này phải trả cho bọn họ khoảng 100 triệu đồng Việt Nam…”.

H. nói đó chính là cái ngày kinh khủng nhất trong cuộc đời. “Mua” được H., ông già L.C.G đưa H. về vùng quê hẻo lánh, nghèo khó. Bị giam trong nhà từ sáng đến tối nên đã có lần H. uống thuốc ngủ tự vẫn nhưng người nhà ông này phát hiện cứu được. Cuối cùng H. viện lý do cha bệnh nặng nên mới trốn được về Việt Nam. Giờ thì H. cùng mẹ mở một quán ăn ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai mưu sinh, làm lại cuộc đời. “Nghĩ lại thấy mình làm mẹ nhưng dại dột quá anh ạ…”-mẹ H. ray rứt mãi vì đã để con gái chịu khổ vì giấc mơ “đổi đời”.

Tại cơ quan công an, H. còn cung cấp thêm thông tin về một cô gái khác chỉ mới bước sang tuổi 19 là H.T.V (ngụ tại Cái Bè, Tiền Giang) cũng bị chính đường dây của má mì Phượng đưa sang Malaysia rồi ép bán cho một ông già bị bệnh tâm thần. “Từ lúc người ta đem V. đi bán cho kẻ bị bệnh tâm thần, em không còn gặp lại cô ấy nữa, chẳng biết giờ này cô ta ra sao…”. Theo chân các điều tra viên Ban chuyên án 106P tôi cũng được gặp T.T.T. L., Tr.N.N. (cùng ngụ Hòa Thành, Tây Ninh), L.H.T.L (ngụ thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp) - cả 3 cô gái này vừa trở về nước đầu năm 2006 sau nhiều tháng liền bị đưa đi rao bán như một món hàng tại các vùng quê nghèo của Malaysia.

Tôi tin rằng bất cứ ai nghe những câu chuyện trên cũng cảm thấy đau lòng, nhức nhối và xen lẫn bất bình, nhất là mới đây, một tờ báo của Malaysia đã lại nêu việc một cô gái VN bị đem bán đấu giá… Kể lại những câu chuyện trên chúng tôi muốn cảnh báo về một hiện tượng thiếu lành mạnh đang phát sinh trong đời sống xã hội mà bọn cò mồi vô lương tâm đang cố tình thêu dệt để đưa những con “thiêu thân” lao vào “ngọn lửa” các lò buôn bán người.

NGUYỄN VINH

Tin cùng chuyên mục