Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia. Bài 1: Sáng đưa tiền, chiều về nhà

Chỉ cần chi tiền, bất cứ ai cũng có thể bảo lãnh hồi gia cho các đối tượng bị thu gom đang được quản lý tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (gọi tắt là Trung tâm). Sau hơn một tháng thâm nhập, nhóm PV Báo SGGP đã xác định tồn tại đường dây chuyên chạy giấy tờ, nhận tiền để làm hồ sơ bảo lãnh người hồi gia sai quy định, trong đó có sự tiếp tay của không ít cán bộ nhà nước. Đường dây này hoạt động như thế nào, tồn tại đã bao lâu?… Loạt bài điều tra do nhóm PV Báo SGGP thực hiện sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều bất ngờ!
Xâm nhập đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia. Bài 1: Sáng đưa tiền, chiều về nhà

Chỉ cần chi tiền, bất cứ ai cũng có thể bảo lãnh hồi gia cho các đối tượng bị thu gom đang được quản lý tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (gọi tắt là Trung tâm). Sau hơn một tháng thâm nhập, nhóm PV Báo SGGP đã xác định tồn tại đường dây chuyên chạy giấy tờ, nhận tiền để làm hồ sơ bảo lãnh người hồi gia sai quy định, trong đó có sự tiếp tay của không ít cán bộ nhà nước. Đường dây này hoạt động như thế nào, tồn tại đã bao lâu?… Loạt bài điều tra do nhóm PV Báo SGGP thực hiện sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều bất ngờ!

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

  • Ai cũng có thể bảo lãnh

Trong vai người nhà của anh N.Đ.H. (SN 1975, quê Thanh Hóa), đang được quản lý tại Trung tâm, chúng tôi được cán bộ quản lý tại đây cho biết: “Trường hợp này ít nhất sau một tháng mới làm thủ tục bảo lãnh hồi gia được!”.

Mang gương mặt thất thểu, chúng tôi ghé vào quán cà phê K.K. (đối diện cổng Trung tâm). Sau một hồi ngồi uống nước, chúng tôi được một người đàn ông tự giới thiệu là Cường, chủ quán cà phê K.K. bắt chuyện: “Có người nhà trong đó à?”. “Vâng, người nhà ăn xin bị tập trung vào đây nhưng không bảo lãnh ra được. Nghe nói phải ở cả tháng” - chúng tôi trả lời. “Muốn ra sớm không?”. “Có chứ, nhưng cán bộ nói trường hợp này phải đưa đi Bình Dương”. “Đúng đấy, trường hợp này ít nhất phải ở trên đó 6 tháng. Nhưng có đường “binh” hết, nếu muốn ra sớm, chịu chi một ít mình làm cho…” - Cường nói. “Chi là chi bao nhiêu hả anh?” - chúng tôi hỏi. “Cái đó phải phụ thuộc vào từng hoàn cảnh; tập trung như thế nào? Lần thứ mấy?” - Cường phân tích.

Sau khi chúng tôi đưa ra trường hợp H., đi bán vé số, xin ăn bị tập trung ở quận 5, Cường ra giá: “Vậy 30 triệu đồng. Nếu có tiền chồng ngay thì chiều nay ra, vì hôm nay thứ sáu là ngày duyệt hồ sơ, nếu không phải chờ đến thứ ba tuần sau. Cứ đưa trước 15 triệu đồng, ai bảo lãnh cũng được”. “Chắc không anh?”. “Chắc chứ, tui làm bao nhiêu người rồi mà, làm ăn uy tín đàng hoàng”. “Nhưng mắc quá, nhà ở quê nghèo lắm, anh bớt chút đỉnh được không?”. “Có giá cả rồi, còn phải chi cho nhiều người khác nữa, rồi lại đứng ra làm giấy tờ, hộ khẩu (giả - PV) để hợp thức hóa người bảo lãnh và người bị quản lý trong đó chung 1 hộ khẩu, riêng phần này đã mất mấy triệu đồng rồi. Chưa kể chi cho người duyệt hồ sơ, rồi anh em trong đó, tui chỉ lấy tiền cà phê thôi à”. “Nhưng mắc quá! Thà để cho nó ở trong đó mấy tháng chứ giờ không biết lấy đâu ra tiền!”.

Nghe thế, Cường bảo chúng tôi viết họ tên cụ thể người bị tập trung, nơi bị tập trung, ai là người bảo lãnh… rồi gọi điện thoại cho ai đó. Sau khi quay lại, Cường cho biết: “Về trường hợp này, “họ” đồng ý giảm xuống còn 25 triệu đồng. Đủ tiền thì chiều ra luôn, nếu không thì mai đưa trước 15 triệu, còn lại khi người ra thì giao luôn. Tụi tui làm ăn uy tín”.

Cò Cường đang ra giá để bảo lãnh trại viên tại quán cà phê K.K.

Cò Cường đang ra giá để bảo lãnh trại viên tại quán cà phê K.K.

Lấy lý do phải chuẩn bị thêm tiền, chúng tôi cáo lui. Trước khi ra về, Cường còn đưa chúng tôi tấm danh thiếp của mình, đằng sau có ghi số điện thoại di động và kèm theo dịch vụ “tư vấn… pháp lý (?)”.

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục đến cà phê K.K. để đưa tiền đặt cọc, lúc này Cường cho biết xem lại hồ sơ thì H. vô trung tâm lần 2 chứ không phải lần đầu tiên nên phải tăng thêm tiền mới ra được. Sau khi thấy chúng tôi không đồng ý, Cường mềm giọng: “Giá cũ cũng được nhưng khi H. ra thì cho xin thêm ít tiền cà phê”. Lấy lý do cần bàn với người nhà thêm, chúng tôi thoái thác…

  • Tiếp cận...

Trong khi đang thỏa thuận với chúng tôi, Cường đồng thời tất bật lo “gút” giá với người nhà ông N.V.C. (81 tuổi, tập trung vào Trung tâm ngày 22-10 khi đang lang thang xin ăn ở khu vực chợ Nhật Tảo, quận 10). Chị D. (con gái ông C.), đưa theo hộ khẩu, giấy tờ liên quan cùng tờ đơn trình bày hoàn cảnh bố mình nay đã 81 tuổi, một chân bị cụt, tình trạng sức khỏe đang yếu.

Sau vài phút trao đổi, Cường gọi điện cho “ông anh” làm bên Trung tâm: “Ở đây có người nhà một ông bị tập trung ngày 22-10, ông lẩm cẩm lắm rồi, trên 80 tuổi, bị cụt một chân, tên C., anh xem có làm được không? Bao nhiêu tiền để em báo giá cho họ luôn…”. Nói rồi Cường quay sang chị D. chép miệng: “Sao chị không báo sớm, ở Trung tâm chỉ giải quyết hồi gia vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần thôi. Sáng nay cũng có một vụ, sáng đưa tiền là chiều ra liền”. Khi nghe người nhà cầu khẩn mong ráng làm cho sớm vì ông lớn tuổi quá, Cường “vẽ” thêm: “Giờ làm cho gia đình thì được nhưng nếu lên Trung tâm ở Bình Dương thì ở đây cũng làm được luôn nhưng trễ hơn một chút, 10 ngày sau mới về”.

“Nếu bị chuyển lên Bình Dương, sau khi lên đó, tụi này sẽ làm hồ sơ bệnh án cho ông ấy. Việc bảo lãnh cho người lang thang xin ăn không đơn giản nhưng chị tìm đến đây là đúng rồi. Tụi em làm thường xuyên mà, nếu không quen biết làm sao em biết chuyện ông C. đã có quyết định chuyển đi” - Cường thuyết phục chị D. “Cứ để lại tên tuổi ông già và người bảo lãnh lại đây, giấy tờ hồ sơ còn lại tụi em lo hết. Bảo lãnh gái đứng đường 17 triệu đồng, giật đồ thì 20 triệu đồng, sáng đưa tiền chiều ra liền. Còn trường hợp ăn xin lang thang này do mới có quy định của thành phố, khó khăn hơn nên giá 25 triệu đồng là “tình nghĩa” lắm rồi. Chứ có những trường hợp nghiện ma túy, phải 50 triệu đồng tụi em mới làm. Gia đình cứ suy nghĩ đi, có gì gọi 090240…” - Cường nói.

Sau mấy ngày không thấy chị D. quay lại, Cường chủ động liên lạc với chị D. qua điện thoại, hạ giá xuống 20 triệu đồng. Thấy chị D. vẫn đắn đo chuyện tiền bạc, Cường nói: “Nếu chị chưa tin thì đến ngày đưa ông cụ ra khỏi Trung tâm đưa tiền luôn cũng được nhưng phải 20 triệu đồng đấy…”.

  • Lật lại hồ sơ

Mới đây, K.T.K.P. (SN 1965, ngụ Trà Vinh) bị tập trung vào Trung tâm khi đang lang thang tại khu vực chợ An Đông, quận 5. Theo hồ sơ quản lý, ngày 14-10, P. bị Công an phường 9, quận 5 phát hiện, lập hồ sơ gửi lên Trung tâm. Trong hồ sơ, P. khai: “Ngày 14-10 từ quê lên TPHCM xin việc làm nên không có nơi ở nhất định. Vào lúc 16 giờ cùng ngày, sống lang thang tại khu vực chợ An Đông thì Công an phường 9, quận 5 tập trung”. Nếu đúng lời khai thì P. mới chân ướt chân ráo lên TPHCM. Tuy nhiên, trong hồ sơ P. lại có đơn xin cớ mất CMND số 291059267 cấp ngày 22-3-2009 và được Công an phường 7, quận Bình Thạnh xin xác nhận ngày 18-9-2011. Rõ ràng, ở đây có sự mâu thuẫn.

Mặt khác, trong giấy tờ và bản tự khai, P. không nhắc đến “người thân” nào là Lê Thị H., SN 1966, địa chỉ thường trú ở phường 5, quận 6 cũng như không đề cập đến địa chỉ tạm trú tại TPHCM. Thế nhưng, ngày 1-11, chị H. làm đơn xin Công an phường 25, quận Bình Thạnh xác nhận chị và P. “cùng tạm trú để bảo lãnh chị tôi về” và đã được đại úy Trần Thế Dân, Phó trưởng Công an phường 25, quận Bình Thạnh, xác nhận đóng dấu cả hai “hiện cùng tạm trú tại địa chỉ 2D3 cư xá 304”.

Điều đáng nói trong hộ khẩu gia đình H. không có tên P. và hai người cũng không cùng họ nhưng chiều cùng ngày 1-11, P. đã được thả ra (theo quy định thì muốn bảo lãnh ít nhất 2 người phải có chung hộ khẩu). Có thông tin cho rằng, để được ra sớm người nhà của P. đã chi 16 triệu đồng.

Đây chỉ mới là một trong hàng loạt hồ sơ bảo lãnh hồi gia tồn tại nhiều khuất tất chúng tôi có được.

Trích ghi âm điện thoại giữa Cường và chị D. vào chiều 8-11

Cường: Bên đây người ta nói nếu giúp lo tiền về ở đây luôn thì gởi 20 triệu.

Chị D: 20 thì bây giờ đặt trước khoảng 4 - 5 triệu được không anh?

- Ở đây người ta nói đưa tiền đủ người ta mới làm…

- Nhưng anh nhận tiền lỡ không đưa ra được thì sao?

- Tiền đó là tiền gửi cà phê cho người ta, đưa tiền hôm nay thì thứ sáu ra.

- Vậy gửi trước 5 triệu được không anh?

- Trời, 5 triệu làm được gì, ba cái giấy tờ đó khó khăn lắm!

- Vậy giờ đưa trước bao nhiêu, chứ đưa một lần không đủ tiền.

- Bây giờ phải gửi ít nhất 15 triệu mới làm, chứ không thì tụi anh không làm.

- Đưa trước 10 triệu không được (hả) anh?

- Không được em ơi, tại bên này anh làm hồ sơ mà không được anh trả tiền lại chứ anh đâu có lấy tầm bậy tầm bạ.

- Tại gia đình em cũng khó khăn, cũng chạy tiền. Mà 15 triệu thì… để em xem gia đình có lo đủ không rồi em gọi lại…

- Ừ, ừ…

(Còn tiếp)

H.THU - Đ. LOAN - K.NHUNG

Tin cùng chuyên mục