Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền - vận động, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhiều địa phương ở TPHCM đã vận dụng được sức mạnh trong dân, phát huy được sự đoàn kết - chung tay của cộng đồng trong việc kéo giảm ô nhiễm môi trường.
Từ đây, nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo trong cải tạo môi trường ra đời; theo đó, không ít điểm đen rác thải ô nhiễm được chuyển hóa và trở thành những điểm sáng trong khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng sống người dân, thúc đẩy thành phố phát triển.
Học sinh Trường Tiểu học Hiệp Phú (quận 9, TPHCM) vui chơi tại công viên được cải tạo từ bãi rác ô nhiễm
“Núi” rác thành vườn hoa, công viên
Chiều muộn, nhiều trẻ em ở khu phố 5 (phường 6 quận 8) ùa ra khu vườn hoa (rộng hơn 200m2) ở cuối hẻm 2009 đường Phạm Thế Hiển chơi đùa. Một số người lớn tuổi tranh thủ trời còn sáng đến đây hít thở chút không khí trong lành. Nhìn những hình ảnh trên, ít ai nghĩ rằng nơi đây từng là điểm nóng rác thải và cũng là lãnh địa của những “con ma thuốc”. Ông Thành, nhà ở đầu hẻm, kể khu đất vườn hoa được Nhà nước quy hoạch đường dự phóng hơn chục năm trước, và cũng từ đó khu đất trở thành bãi tập kết rác. Ban đầu, chỉ có một vài hộ dân trong hẻm thiếu ý thức đem rác đến vứt. Thấy không ai phản ứng, nhiều người ở nơi khác cũng chở xà bần, xác động vật chết đến đổ. Dần dần, khu đất thành “núi” rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếp nhận phản ánh từ khu phố, phường xuống lắp biển cấm đổ rác, bố trí bảo vệ dân phố trực canh, tuy nhiên sau đó nạn đổ rác thải lén vẫn tái diễn vào đêm khuya, sáng sớm.
Một góc bãi rác ô nhiễm ở cuối hẻm 2009 đường Phạm Thế Hiển (thời điểm chưa cải tạo)
Cuối năm 2018, khi Thành ủy TPHCM có Chỉ thị 19 về thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, lãnh đạo Đảng ủy phường xuống từng nhà dân vận động không đổ rác ra khu đất trống. Ủy ban MTTQ, đoàn thể phường kêu gọi người dân chung tay xóa bỏ điểm nóng rác thải. Thấy cấp ủy, chính quyền quyết liệt, người dân ai nấy đều đồng thuận, hưởng ứng tham gia. Vào ngày nghỉ, các hộ dân trong khu phố cùng với cán bộ đến dọn rác. Sau đó, từ nguồn kinh phí do người dân ủng hộ và đoàn thể quyên góp, chính quyền đã cải tạo khu đất bãi rác thành vườn hoa. “Từ một khu đất ít ai dám tới, nay trở thành nơi tập trung đông người. Đặc biệt, không còn một ai đem rác đến đổ, ngược lại nhiều người còn đến quét dọn và mang cây xanh đến trồng”, ông Thành phấn khởi kể.
Giờ đã thành vườn hoa của cư dân
Giống cách làm trên, Đảng ủy, UBND phường 11 quận Gò Vấp cũng nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn từ người dân. Theo đó, toàn bộ khu rác thải - xà bần tự phát rộng gần 2.000m² ở khu phố 10 được chính quyền và người dân trên địa bàn chuyển hóa thành khu công viên - giải trí với đầy đủ mảng xanh, thảm cỏ, ghế đá, nhà vệ sinh, sân tập cầu lông, dụng cụ thể dục… Tương tự, tại phường Hiệp Phú (quận 9), qua vận động, kêu gọi người dân tham gia xóa bỏ các điểm nóng rác thải, đến nay đã có hàng chục tuyến đường, bãi rác tự phát được cải tạo, làm sạch. Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Phú Nguyễn Hồng Thúy cho biết, những điểm đen ô nhiễm sau khi cải tạo đã không tái diễn nạn đổ rác lén. Điều này cho thấy, qua tuyên truyền người dân đã ý thức hơn; mặt khác, việc lắp đặt đèn chiếu sáng, camera giám sát tại các bãi rác thải đã phát huy được hiệu quả.
Hiệu quả nhờ phát huy sức dân
Chuyện xanh hóa những điểm đen ô nhiễm môi trường, chuyển hóa những “bãi rác khổng lồ” thành vườn hoa - công viên tưởng chừng là việc đơn giản, nhưng khi triển khai thì quả thật rất khó. Đó là chia sẻ giống nhau của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nhiều phường xã, quận huyện khi trao đổi với chúng tôi. Theo Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Phú Nguyễn Hồng Thúy, cái khó nằm ở chỗ người dân. Nếu dân đồng thuận, chung lòng, ý thức tốt thì khó mấy cũng hóa dễ; ngược lại nếu chính quyền cố sức làm nhưng người dân không thay đổi được ý thức, thói quen xấu thì kết quả cũng bằng không.
“Hiểu vậy nên thời gian qua Đảng ủy phường xác định việc vận động, tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức, ý thức, thói quen của người dân là yếu tố cốt lõi. Nhờ làm tốt yếu tố này nên đến nay đã có 19 bãi rác, tuyến đường ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường được chuyển hóa thành công. Trong đó, người dân đã đóng góp hàng ngàn ngày công và gần 2 tỷ đồng”, đồng chí Nguyễn Hồng Thúy thông tin.
Theo UBND huyện Bình Chánh, hầu hết các bãi rác, điểm tập kết rác thải tự phát gây ô nhiễm trên địa bàn là các khu đất trống (dự án chưa triển khai). Để xóa bỏ các điểm đen rác thải này, bên cạnh những giải pháp trọng tâm như tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định, xử lý nghiêm vi phạm, hiện nay huyện đang yêu cầu chủ đầu tư các dự án rào chắn khu đất, có trách nhiệm ngăn chặn hành vi xả rác, đổ lén chất thải trên khu đất chủ đầu tư quản lý.
Ngoài ra, huyện Bình Chánh đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng dân cư xây dựng nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, camera quan sát tại những khu đất, tuyến đường, tuyến kênh rạch thường xuyên xảy ra tình trạng đổ lén rác thải. Thực tế cho thấy, tại nhiều điểm nóng rác thải trước đây, khi chính quyền lắp camera quan sát, tình trạng đổ lén rác thải, chất thải không còn.
Ông Trương Văn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ quận 9, cho biết hiện đơn vị đang kêu gọi người dân phản ánh các hành vi xả thải, đổ lén rác thải qua ứng dụng “Quận 9 trực tuyến”.
Theo đó, khi phát hiện có trường hợp đổ lén rác thải, người dân chụp hình đối tượng, địa điểm đổ rác thải gửi qua mạng. Các thông tin về người phản ánh đều được cơ quan chức năng giữ kín, đảm bảo an toàn. Từ đầu năm 2019 đến nay, quận 9 đã tiếp nhận 137 tin phản ánh về vệ sinh môi trường của người dân qua ứng dụng trực tuyến, qua đó xử phạt 19 cá nhân có hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên đường phố, vận chuyển làm rơi vãi đất cát gây ô nhiễm môi trường, với tổng số tiền phạt hơn 70 triệu đồng. “Đây là giải pháp trọng tâm, góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn người dân xả rác ra môi trường và sẽ được quận 9 triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn trong thời gian tới”, ông Trung cho hay.
Nhìn trẻ em chơi đùa, người lớn tuổi tập dưỡng sinh trong công viên, ông Trần Việt Sơn, Bí thư Chi bộ khu phố 10, nói 3 năm trước ông không dám nghĩ một công viên sạch đẹp với đầy đủ trang thiết bị có thể hình thành ngay trên “bãi rác khổng lồ”. “Nhưng giờ là sự thật. Đó là kết quả của sự quan tâm, quyết tâm chuyển hóa của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng thuận, chung tay của hàng ngàn hộ dân sống trên địa bàn”, ông Sơn khẳng định.