Tại hội thảo, đại diện VITAS cho biết, dệt may là ngành có đóng góp lớn cho nền kinh tế với khoảng 12,43% tổng giá trị xuất khẩu và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Tuy nhiên, ngành dệt may đang đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề môi trường khi là ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, nước và xả thải nhiều nhất ra môi trường. Trung bình mỗi năm, ngành dệt may Việt Nam phải chi khoảng 3 tỷ USD cho năng lượng sản xuất. Không chỉ sử dụng nhiều năng lượng, ngành dệt may còn gây ô nhiễm nguồn nước do sử dụng hóa chất độc hại.
Chỉ tính riêng công đoạn dệt nhuộm, toàn ngành đã sử dụng 85% nước, 65% hóa chất. Hiện nay ở nhiều địa phương, chính quyền không cấp phép cho các dự án đầu tư dệt nhuộm, là một khó khăn đối với ngành dệt may trong việc đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ từ vải và sợi đối với sản phẩm dệt may, mà các hiệp định thế hệ mới yêu cầu.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của ngành dệt may, đại diện VITAS kiến nghị Chính phủ cho quy hoạch xây dựng một khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may. Khu công nghiệp này phải có diện tích khoảng 300ha và đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, khí thải tập trung.
Liên quan đến lĩnh vực này, bà Hoàng Thị Thanh Nga, Quản lý xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, thuộc Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), cho biết, ngành dệt may đang đứng trước thách thức mới, đó là không chỉ đáp ứng yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu sản xuất mà còn phải chứng minh được trách nhiệm xã hội với sức khỏe cộng đồng, các vấn đề liên quan đến môi trường.
Thời gian qua, WWF đã phối hợp với VITAS triển khai một dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững” nhằm thúc đẩy quản lý lưu vực sông tốt hơn, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, WWF cũng đang kỳ vọng sẽ hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may.