Tương lai không rác thải
Khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (gọi tắt là Hội đồng, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) được triển khai từ tháng 5 đến tháng 9-2021 trên 100 doanh nghiệp vừa và lớn nằm trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống không cồn.
Đại diện Hội đồng cho rằng, KTTH đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Đối với doanh nghiệp, KTTH góp phần giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.
Ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc Công ty La Vie, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam, chia sẻ, Công ty La Vie và các thành viên của Tập đoàn Nestlé cam kết thực hiện các kế hoạch quan trọng để giảm lượng nhựa dùng lần đầu trong đóng gói sản phẩm, giảm phát thải nhựa ngay tại nguồn và đóng góp cho các sáng kiến thu gom tương đương lượng bao bì công ty đưa ra thị trường đến năm 2025. Đây là một trong các nỗ lực của công ty nhằm hướng đến tương lai không rác thải. Hiện hầu hết sản phẩm của La Vie có thể tái chế hoàn toàn. Đầu năm 2021, La Vie trở thành thương hiệu nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam sử dụng chai làm từ nhựa tái chế (rPET) đạt tiêu chuẩn bao bì thực phẩm.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Truyền thông đối ngoại và phát triển bền vững Công ty Coca-Cola Việt Nam, cho biết, công ty đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ thu gom và tái chế cho từng sản phẩm chai nhựa hay lon được bán ra, sử dụng ít nhất 50% chất liệu có thể tái chế được trong bao bì.
Trước đó, trong khuôn khổ Chiến lược “Vì một thế giới không rác thải”, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã cùng hợp tác thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Các doanh nghiệp cũng phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) triển khai dự án “Mạng lưới hành động giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế rác thải nhựa” nhằm cải thiện các hoạt động tái chế tại địa phương, đảm bảo 3 tiêu chí an toàn, thực tiễn và có thể nhân rộng mô hình này cho các đơn vị, cá nhân thu gom rác thải trong nước. Dự án đã được triển khai tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) và mới đây là huyện Cần Giờ (TPHCM).
Thúc đẩy thị trường tái chế chất thải
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, chia sẻ thêm, công ty và PRO Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”. Theo đó, hai bên sẽ tập trung xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế, tạo ra nguồn tài nguyên mới từ chất thải, giúp giảm khối lượng chất thải ra các bãi chôn lấp, giảm phát thải khí carbon, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Việc triển khai dự án trên là cơ sở hình thành thị trường thu hồi và tái chế chất thải, nhằm tận dụng tối đa nguồn tài nguyên từ chất thải phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng nền KTTH. Quan trọng hơn, đây còn là thể hiện trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay bảo vệ môi trường với TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Trên thực tế, hiện chỉ có 8,6% sản lượng sản xuất tham gia vào vòng tuần hoàn, và nếu theo tỷ lệ này, nhu cầu tiêu thụ lượng tài nguyên vào năm 2060 sẽ gấp đôi năm 2015, gây áp lực đến hệ sinh thái môi trường. “Do vậy, mỗi doanh nghiệp đều cần trải qua các bước cải tiến về quy trình sản xuất, sản phẩm và mô hình kinh doanh nhằm mang lại nhiều lợi ích không chỉ là tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội”, ông Brendan Edgerton, Giám đốc Chương trình KTTH thuộc Hội đồng, khẳng định.
Nền kinh tế sẽ đạt được vòng tuần hoàn khép kín với sự tham gia tổng thể và toàn diện của các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất thông qua việc chia sẻ thông tin, ứng dụng những mô hình kinh doanh mới, kết hợp các chuỗi cung ứng nhằm đạt được những mục tiêu được tính toán khoa học với sự hỗ trợ từ hệ thống luật và các quy định quản lý từ Chính phủ. Khi đó, các doanh nghiệp không còn phải tiêu thụ thật nhiều tài nguyên để đạt được những con số tăng trưởng kinh tế khả quan. Đồng thời, sẽ thu được những lợi ích tích cực về môi trường và xã hội nhằm chuyển đổi toàn diện hệ thống sản xuất và tiêu dùng sang một định hướng mới, giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, và cả sự bất bình đẳng đang leo thang.