Rừng đất biển Cà Mau từ xửa xưa đã đi vào sử sách và tâm khảm của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Đến thăm rừng đất biển Cà Mau vào dịp này, chúng tôi len lỏi qua những cánh rừng xanh biếc, chập chùng, bao la nơi cuối trời Tổ quốc. Những cây đước thẳng đứng, xanh rì, bộ rễ bè ra, chằng chịt, chen chúc nhau bám vào lòng đất mẹ, chống chọi trước sóng to, gió lớn của biển cả; chở che cho biết bao người…
Những người đứng mũi chịu sào
Từ Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, nằm gần ngã ba Đường Keo - Kiến Vàng, cách thị trấn Ngọc Hiển chỉ một đoạn đò ngang, chiếc tắc ráng chở chúng tôi chạy dọc rạch Kiến Vàng ra tới cửa biển này khoảng gần 10 cây số. Hai bên bờ chỉ toàn đước và đước. Đi vào lúc gần trưa, con nước ròng gần sát đáy. Đó đây, lộ ra những con mương bê tông, nước từ trong rừng chảy xuống sông.
Anh Lê Văn Thực, 58 tuổi, Phó ban quản lý, giải thích: “Chúng tôi làm những con mương này để giữ nước vào mùa khô, cho cây rừng mát mẻ”. Đây là cách làm hay mà mình chưa từng biết đến ở những khu rừng phòng hộ khác của các tỉnh ven biển đồng bằng Nam bộ.
Anh Nguyễn Việt Tiến, đội trưởng đội tuần tra lưu động, chỉ tay lên những cánh rừng đước bạt ngàn sung sướng: “Khu rừng này trên 20 năm tuổi rồi đấy! Đây là rừng phòng hộ rất xung yếu và lâu năm nhất ở đây. Dưới tán rừng có nhiều loại đặc sản thiên nhiên ban tặng như: tôm, cua, sò, dộp, ốc len, sâm đất, ba khía… Chính vì thế mà lâm tặc hay lẻn vào “kiếm ăn”. Chúng tôi phải cố gắng lắm mới giữ được rừng tốt như bây giờ”.
Nguyễn Việt Tiến đang độ tuổi 51, quê ở xã Tam Giang Tây, cách Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng 18km. Anh vào nghề quản lý bảo vệ rừng đã 20 năm. Trước đây, anh làm tiểu khu trưởng khu 115, đã không ít lần đụng độ với lâm tặc. Vụ đụng độ lớn nhất cách nay vài năm tại Tiểu khu 120, xã Tân Ân. Chúng chặt cây rồi đem bán cho các chủ lò hầm than. Ngoài ra, chúng còn làm chòi, “trụ lại” để khai thác thủy sản.
Khi lực lượng chức năng tới, chúng ỷ thế đông người dùng nón cối, cây rừng đập banh máy vỏ lãi; đánh bị thương 6 người; dọa bắt cóc cả lực lượng bảo vệ, kiểm lâm với bộ đội biên phòng. Rất may là sau đó, công an đã huy động lực lượng vây bắt hàng chục tên cầm đầu về xử lý.
Tại Tiểu khu 123, cách cửa biển Kiến Vàng chừng 200m, chúng tôi ghé một căn nhà tôn đơn sơ chừng 50m² nhìn chông chênh, ngả bóng xuống dòng kênh. Trong nhà trạm, sàn lót bằng gỗ tạp nhưng được lau chùi sáng bóng. Nhà tiểu khu có ti vi, có cả dàn karaoke, radio; bên cạnh, có hầm chứa nước mưa tích trữ để xài trong mùa khô.
Ông Đoàn Văn Xê, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, cho biết: Tiểu khu nào cũng được trang bị như vậy. Tuy nhiên, nhà của các tiểu khu đều đã xuống cấp. Chúng tôi đã có kế hoạch dựng lại để anh em có nơi ăn ở đàng hoàng, an tâm công tác”.
Ông Đoàn Văn Xê khá đẹp trai nhưng trông già hơn so với tuổi 49 của mình. Cũng dễ hiểu thôi! Một người phải “đứng mũi chịu sào” trước 10.000ha rừng phòng hộ và chăm lo cuộc sống cho trên 50 con người đâu phải dễ dàng gì. Ông bồi hồi: “Lực lượng bảo vệ rừng mỏng quá, trong khi lương của anh em thấp (từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng). Lâm tặc thì luôn hăm he, rình rập để phá rừng; nhất là vào ban đêm, con nước ròng hay trời mưa gió. Vậy mà năm 2013, diện tích rừng của “lâm phần” chúng tôi chỉ thiệt hại 1,41ha, giảm 1,29ha so với năm 2012".
Tiểu khu trưởng Tiểu khu 123 là Thái Bá Cảnh. Đã 25 năm anh phiêu dạt từ Nghệ An đến vùng đất này. Anh cưới vợ, có 2 con và xem Kiến Vàng là quê hương thứ 2 của mình. Anh tâm sự: “Cuộc sống gian khổ, thiếu thốn đủ điều; đặc biệt rau xanh và nước ngọt nhưng ở riết rồi quen. Tiểu khu 123 chỉ có 4 người, phải bảo vệ 2 khu vực trọng yếu là cửa Kiến Vàng và cửa Vàm Lũng với diện tích rừng lên đến trên 500ha”.
Thời gian khổ nhất trong những gian khổ mà Cảnh hồi tưởng về quá khứ khi cơn bão số 5, năm 1997 càn qua đã tàn phá khốc liệt rừng ven biển Cà Mau. Những khu rừng phòng hộ bao nhiêu năm gây dựng và bảo vệ đổ rạp xuống, giống như những trận bom B52 rải thảm thời chống Mỹ. Phải mất 1 năm sau, số cây rừng bị “bão táp” đã ngã ấy mới được khai thác hết. Sau đó thì những cây nhỏ tái sinh, trồi lên rất nhanh và lại thành rừng ken dày như bây giờ.
Từ lâm tặc trở thành người tuyên truyền bảo vệ rừng
Chúng tôi tới ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, một trong những “điểm nóng” của lâm tặc. Bà con sống trong khu vực rừng sản xuất chủ yếu là những hộ nghèo; hầu hết đều là chòi tranh, vách lá. Chúng tôi gặp ông Út Giỏi, năm nay 53 tuổi, là người vận động khá tốt kẻ xấu không phá rừng.
Trong căn chòi lợp tôn mỏng, đôi chỗ gỉ sét, không rộng lắm nhưng sạch sẽ. Uống ly trà thơm, ăn miếng bánh mứt mà ông bảo đã mua sắm từ hổm rày để chuẩn bị đón tết, câu chuyện của chúng tôi thêm rôm rả. Ông kể: “Mấy năm nay, gia đình tôi được khoán 5ha theo Quyết định 135 của Chính phủ. Ban quản lý giao cho chúng tôi trồng rừng, nuôi thủy sản. Thu nhập bình quân mỗi năm cũng được trên 100 triệu đồng”.
Trông ông Út Giỏi hiền lành, chân chất, nhưng mấy ai biết được con người này đã từng cầm đầu một nhóm lâm tặc cướp phá rừng phòng hộ. Ông Út Giỏi bộc bạch: Bà con sống quanh khu rừng phòng hộ hầu hết đều nghèo, không miếng đất cắm dùi. Dù biết phá rừng là sai nhưng vì quá bức bách tìm kế sinh nhai, chúng tôi mới làm liều. Bây giờ được cấp trên giáo dục, khoán rừng, cuộc sống khá rồi, mọi người cùng vui, không còn mấy ai phá rừng nữa.
Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng năm 2013, trong số gần 10.000ha rừng phòng hộ mà Ban quản lý có gần 7.000ha rừng xung yếu và rất xung yếu, 3.000ha rừng sản xuất thì giao khoán cho 600 hộ dân (bình quân mỗi hộ 5ha).
Để giải quyết khó khăn đối với một số công chức có gia đình sống tại đây, ban đã giao khoán cho 22 hộ với diện tích 332ha (mỗi hộ 26ha) để họ quản lý, bảo vệ rừng. Mỗi năm, diện tích này được khai thác 2,5% (chủ yếu là tỉa); gia đình nhận khoán được chia sản phẩm 6%/năm. Từ tháng 4-2013, cán bộ, công nhân viên được hỗ trợ thêm 70% lương thuộc khu vực đặc biệt khó khăn.
Kinh nghiệm từ Đất Mũi
Trong tiết trời ong ong, tái tái của buổi chiều cuối năm se lạnh, chiếc ca nô cao tốc rẽ sóng, chao nghiêng trên dòng sông Cái Lớn, đưa chúng tôi về đất Mũi Cà Mau. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - vùng đất cuối cùng của Tổ quốc - hiện ra bạt ngàn màu xanh của đước, bần và mắm.
Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, vui mừng trước phong cảnh thiên tuyệt đẹp mà tạo hóa ban tặng cho mũi Cà Mau. Ông khoe: “Vườn quốc gia Mũi Cà Mau rộng trên 26.600ha là một trong 5 khu sinh quyển (Ramsa) thế giới của Việt Nam. Bãi bồi ven biển Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu bảo tồn biển của Việt Nam. Nơi đây được mệnh danh là “cái nôi” sinh sản của các loài thủy sản. Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã có nhiều quyết định để bảo vệ khu sinh quyển quý giá này”.
Đứng trên nhà hàng du lịch của khu bảo tồn bãi biển nhìn những con cá đối to bằng bắp tay nổi dề trên mặt nước; chúng tôi mới thấm thía lời nói của một vị có chức sắc trong ngành thủy sản: nếu đừng dùng những phương tiện khai thác thủy sản cạn kiệt thì trong vòng 2 năm, cá tôm không để đâu cho hết. Đúng! Bãi bồi ven biển Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một minh chứng sống.
Tỉnh Cà Mau có 106.000ha rừng phòng hộ, được chia cho 7 ban và 2 công ty quản lý, bảo vệ và khai thác. Cách làm của các công ty và ban quản lý khác cũng cùng phương thức thực hiện như Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng. Tuy nhiên, việc thực hiện khoán rừng vẫn còn là thử nghiệm. Ông Trần Văn Thức cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng dự án hoàn thiện về giao khoán rừng phòng hộ sản xuất cho dân để họ có thể sống được nhờ trồng rừng, nuôi thủy sản và tạo thành vành đai bảo vệ rừng xung yếu và đặc biệt là chống lâm tặc”.
Mùa tết năm nay, đất phương Nam trời lạnh hơn mọi năm. Không khí tết hiển hiện khắp nơi, trong đó có những nếp nhà của bà con vùng đất rừng phòng hộ Cà Mau. Tết này nhiều gia đình rất vui khi biết thời gian gần thôi, họ sẽ được khoán rừng; đồng nghĩa với “cơm no, áo ấm” sẽ về.
LÊ BÌNH