Xây dựng căn tin trường học đạt chuẩn - Khó!

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, từ bậc mầm non đến THPT, toàn thành phố hiện có hơn 1.000 trường học tổ chức căn tin. Trong đó, hầu hết đều có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, song chất lượng gần như bị thả lỏng.
Xây dựng căn tin trường học đạt chuẩn - Khó!

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, từ bậc mầm non đến THPT, toàn thành phố hiện có hơn 1.000 trường học tổ chức căn tin. Trong đó, hầu hết đều có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, song chất lượng gần như bị thả lỏng.

Gian nan tìm đất

Không khó để nhận ra vị trí của hầu hết căn tin hiện nay trong trường học đều là những khoảng đất trống tận dụng từ sân trường, bãi giữ xe, hành lang bên hông hoặc phía sau cổng trường.

Thực đơn căn tin phong phú, đa dạng giúp học sinh không mua quà vặt trước cổng trường. (Ảnh chụp tại căn tin Trường THCS Đồng Khởi - quận 1). Ảnh: THU TÂM

Thực đơn căn tin phong phú, đa dạng giúp học sinh không mua quà vặt trước cổng trường. (Ảnh chụp tại căn tin Trường THCS Đồng Khởi - quận 1). Ảnh: THU TÂM

Cô Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1), cho biết: “Phòng học còn thiếu nên đất cho căn tin là chuyện không tưởng. Nhà trường phải tận dụng khoảng sân trường còn trống phía gần cổng, lợp thêm mái tôn làm căn tin”.

Tại Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), căn tin thường xuyên rơi vào cảnh đìu hiu do diện tích chật hẹp, xa sân trường và các dãy phòng học.

Cùng cảnh ngộ, tại căn tin Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), hai nhà ăn với diện tích chưa đầy 20m² chưa bao giờ kín chỗ do nằm ở vị trí khuất sau các dãy phòng học.

Nội thành đã vậy, các khu vực vùng ven như Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, hiếm hoi lắm mới có trường dành đất trống để tổ chức căn tin. Nguyên nhân được giải thích là do nguồn gốc đất của những nơi này trước đây là đất nông nghiệp, cơ cấu đất nền yếu nên trường học chỉ xây dựng được theo cấu trúc sàn trệt, diện tích mặt sàn lớn nhưng sức chứa không nhiều. Đó là chưa kể nhiều dự án trường học đang được cấp vốn đầu tư xây mới hiện đang gặp khó khăn trong công tác giải tỏa, đền bù. Vì thế, “phải ưu tiên đất xây dựng phòng học trước, căn tin chỉ là vấn đề thứ yếu” - hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn bày tỏ.

Bất cập trên còn xuất phát một phần từ quy định chuẩn căn tin hiện nay ở trường học. Nếu như các yếu tố về nguồn gốc thực phẩm (thực phẩm mua về phải có hóa đơn, chứng từ rõ ràng), năng lực phục vụ của nhân viên (100% nhân viên phục vụ phải được tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, có giấy khám sức khỏe định kỳ và thường xuyên đeo tạp dề, khẩu trang, găng tay sạch trong quá trình buôn bán) được quy định khá đầy đủ thì ở khâu quan trọng nhất: diện tích và vị trí căn tin lại chưa hề có bất kỳ quy định nào.

Đấu với hàng rong

Tìm đất xây dựng căn tin đã khó, nhưng khi xây dựng rồi, duy trì hoạt động cũng là một vấn đề nan giải. 8 giờ 45 phút sáng 1-11, có mặt tại cổng Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), ghi nhận cho thấy dù mới là giờ chơi nhưng ở cả hai mặt cổng trên đường Hùng Vương và Triệu Quang Phục đều có rất nhiều học sinh chen chúc quanh các hàng bánh tráng trộn, gỏi khô bò, bì cuốn...

Lý giải điều này, Thanh Thảo, học sinh lớp 8, cho biết, thức ăn bán trong căn tin thường nguội lạnh, giá mắc hơn bên ngoài 1.000 - 2.000 đồng/món, trình bày kém hấp dẫn, thực đơn nhàm chán nên em thích ăn ở bên ngoài hơn. Thêm vào đó, tan học là thời điểm học sinh có nhu cầu ăn uống cao nhất, song hầu hết căn tin trường học đều đóng cửa, tạo cơ hội cho hàng rong bên ngoài có thêm đất sống.

Bên cạnh đó, nhiều món ăn hiện nay đang được lứa tuổi học trò yêu thích nhưng căn tin không phục vụ như bánh tráng nướng mỡ hành, phá lấu, xi rô kem đá, trà sữa trân châu… Do đó, hàng rong ngoài cổng trường là điểm hẹn quen thuộc của các em với giá cả hết sức bình dân, dao động trong khoảng 3.000 - 7.000 đồng/món. Tuy nhiên, nguồn gốc của những loại thực phẩm này thường không rõ ràng, người bán dùng tay trần vừa bốc thức ăn vừa thối tiền rất mất vệ sinh.

Trong khi đó, thức ăn bày bán trong căn tin trường học phải tuân thủ nhiều quy định gắt gao về nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm nên giá thành bị “đội” lên là điều tất yếu. Thêm vào đó, hiện nay tất cả căn tin trường học đều do các đơn vị tư nhân đấu thầu, do đó giá thành cao hơn các gánh hàng rong “di động” ngoài cổng trường. Đó là chưa kể do diện tích mặt bằng hạn chế nên học sinh vào căn tin mua đồ thường phải chen chúc, xô đẩy, xuống trễ là không còn đồ ăn khiến các em ngại vào căn tin dù rất có nhu cầu.

Trước tình trạng đó, để giải quyết tình trạng bị hàng rong giành mất thị phần, nhiều trường như THCS Đồng Khởi (quận 1), THPT Marie Curie (quận 3), THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh)… đã chủ động bỏ tiền ra thuê lực lượng dân phòng, phối hợp cùng bảo vệ dẹp bỏ hàng rong. Tuy nhiên, việc làm trên chỉ như bắt cóc bỏ dĩa do khả năng tài chính của các trường có hạn.

Thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie dẫn chứng: “Hợp đồng ký kết giữa nhà trường và dân phòng kéo dài 30 phút sau mỗi giờ tan học. Hết thời gian đó, dân phòng rút đi, hàng rong lại tái diễn. Riêng ở một số trường có nhiều cổng, dân phòng trực chốt ở cổng này, hàng rong lại dạt về cổng kia, nhà trường không biết phải thuê bao nhiêu người mới đủ”.

Nỗ lực tuyên truyền

Cổng Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1) từ lâu được biết đến là một trong những điểm tập kết hàng rong, song từ hơn một năm trở lại đây, tình trạng trên đã được cải thiện đáng kể.

Cô Nguyễn Thị Hương, phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Nhờ thường xuyên tổ chức các chuyên đề giáo dục, nhắc nhở ý thức của học sinh, đồng thời áp dụng các biện pháp kỷ luật cứng rắn như hạ bậc hạnh kiểm, viết kiểm điểm đối với những bạn vi phạm, số lượng học sinh mua hàng rong trước cổng trường đã giảm đáng kể”.

Một nỗ lực khác, tại Trường THCS Đồng Khởi (quận 1), căn tin vừa được sơn sửa lại, thực đơn bổ sung thêm nhiều món hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu học sinh như cơm chiên dương châu, nui xào trứng, hamburger… với mức giá bình dân, không quá 12.000 đồng/phần nên lúc nào cũng đông nghẹt học sinh. Thúy Hiền, học sinh lớp 9/1, khoe: “Căn tin mở cửa bán liên tục từ sáng sớm đến chiều tối. Ngồi ăn ở đây vừa có quạt mát mẻ, bàn ghế sạch sẽ, vừa có nước uống tráng miệng. Bạn nào không có tiền mua thức ăn vẫn có thể ngồi uống nước và tán gẫu với bạn bè nên căn tin đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của tụi em sau mỗi giờ tan học”. 

Như vậy, để hoạt động căn tin trường học trở nên có hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ăn uống của học sinh, thay vì chờ đợi những biện pháp quản lý căn cơ hơn từ phía chính quyền địa phương, các trường nên chủ động trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho học sinh.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục