Chuyển chính quyền “chèo đò” sang “lái đò”
Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sự phát triển của TPHCM có ý nghĩa to lớn. Để phát huy hơn nữa vai trò của TPHCM trong phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thì chính quyền TPHCM cần chú trọng xây dựng chính quyền kiến tạo, chính quyền phục vụ người dân.
Theo đó, chính quyền cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của người dân, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của người dân. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân làm chủ, được quyền kiểm soát hoạt động của nhà nước. Chính quyền cần tạo điều kiện để người dân thực sự biết cách sử dụng quyền lực của mình.
Chính việc mở rộng dân chủ sẽ bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Cùng với đó, chính quyền cần tổ chức thường xuyên hơn hoạt động đối thoại đi vào chiều sâu, thực chất nhằm giải quyết kịp thời những bức xúc, vướng mắc của người dân. Công tác này sẽ tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong xã hội và góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.
Một trong những chức năng cơ bản nhất của chính quyền nhà nước là cung ứng “hàng hóa công” - những hàng hóa và dịch vụ mà thị trường không cung ứng hay cung ứng không đầy đủ, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của nền kinh tế. Do đó, quan điểm nhất quán cần tuân thủ là chính quyền nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không được làm hoặc không làm được. Thông qua đó, chính quyền sẽ huy động được các nguồn lực to lớn từ xã hội và trả lại cho xã hội những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn Nhà nước
TPHCM đã và đang thực hiện xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực, là một bước đi cụ thể theo hướng này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dịch vụ công mà chính quyền đang trực tiếp đảm nhận cung cấp. Đáng chú ý, nhiều lĩnh vực nhà nước vừa ban hành chính sách, vừa đặt ra tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ của lĩnh vực này, vừa trực tiếp tổ chức cung cấp dịch vụ lại vừa đánh giá tiêu chuẩn của dịch vụ.
Vì thế, TPHCM nên rộng cửa hơn nữa cho khu vực tư nhân trong những lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể làm được và làm tốt. Khi đó, chính quyền TPHCM thay vì là “người chèo đò” sẽ chuyển sang “người lái đò”. Điều này có nghĩa là chính quyền không tự cung cấp các dịch vụ công nữa, mà tập trung vào việc xây dựng thể chế để thị trường vận hành hiệu quả. Đồng thời, chính quyền TPHCM sẽ đại diện cho người dân, cho lợi ích chung để thúc đẩy, giám sát và quản lý các dịch vụ mà khu vực tư nhân cung cấp.
Cải cách hành chính, nâng chất công chức
Để trở thành chính quyền kiến tạo, phục vụ thì biện pháp hữu hiệu nhất là cải cách hành chính (CCHC) mà lâu nay, TPHCM đã và đang tập trung thực hiện. Trong đó, ưu tiên, tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) để làm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Trong nhiệm vụ này cũng cần thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở các cấp. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cần đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan... Đặc biệt là việc nghiên cứu áp dụng cơ chế vừa triển khai thực hiện dự án, vừa hoàn tất các thủ tục đầu tư đối với một số dự án lớn, quan trọng có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để trở thành chính quyền kiến tạo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, TPHCM cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, có phẩm chất, đạo đức và năng lực công tác, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Song song đó thực hiện cải cách cơ bản tiền lương và thu nhập của công chức có sức cạnh tranh với khu vực tư. Đây là vấn đề có tính đột phá của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, là động lực của công chức trong thực thi công vụ một cách tận tụy, trung thành với ý thức trách nhiệm phục vụ cao, thực sự là công bộc của dân.
Cái gốc để nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước là hình thành, chuẩn hóa, công khai hóa các quy trình giải quyết công việc của cơ quan, đơn vị đối với tổ chức, công dân cũng như trong điều hành, quản lý cơ quan. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử được xem như là một cuộc cách mạng thật sự trong đổi mới CCHC. Việc xây dựng chính quyền điện tử các cấp nhằm hiện đại hóa nền hành chính, đẩy nhanh tiến độ CCHC, qua đó chuyển dịch dần từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ, kiến tạo”.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 8/63 tỉnh - thành, với dân số chiếm 21% và diện tích chiếm 9,2% cả nước. Hàng năm, vùng đóng góp đến 45% GDP, thu ngân sách chiếm 42% cả nước, xuất khẩu hàng năm trên 40% tổng kim ngạch cả nước. |