Theo đó, TPHCM sẽ triển khai các giải pháp phát triển công viên, cây xanh, mảng xanh; tuyên truyền, vận động người dân tận dụng không gian trong nhà, sân, mái nhà… trồng cây nhằm cải thiện chất lượng không khí, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Báo SGGP ghi nhận ý kiến của những người liên quan về việc cần tạo mảng xanh tại các dự án nhà ở, góp phần xây dựng TPHCM xanh - thân thiện môi trường.
Ông HUỲNH THANH KHIẾT, Phó Chủ tịch UBND quận 2:
Phải có chế tài đủ mạnh
Việc phát triển mảng xanh tại các dự án nhà ở là rất quan trọng để hướng đến một thành phố xanh - sạch - đẹp, góp phần làm cho cảnh quan đô thị đẹp hơn, văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, bên cạnh một số chủ đầu tư làm rất tốt như xây dựng công viên đầy đủ, tạo cảnh quan đẹp mắt cho dự án thì cá biệt còn có một số chủ đầu tư chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình theo quy hoạch đã được duyệt, cố tình không đền bù giải tỏa phần đất được quy hoạch là công viên hoặc cố tình chuyển đổi đất công viên thành đất khác.
Trước kia có quy định là hạ tầng dự án phải được nghiệm thu, bàn giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành như một điều kiện ràng buộc để xem xét cấp chủ quyền cho nhà, đất của dự án. Nhưng nay, việc ràng buộc này có thông thoáng hơn nên không xem đó là điều kiện để xem xét cấp giấy chứng nhận. Như vậy, vấn đề ở đây là cần hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những hành vi cố tình không thực hiện nghĩa vụ phát triển mảng xanh.
Thực tế cho thấy, nếu chủ đầu tư quan tâm đầu tư đúng mức không chỉ giá trị của dự án được nâng lên mà uy tín của chủ đầu tư cũng được khách hàng ghi nhận. Về lâu dài cần phải có quy định, chế tài để buộc các chủ đầu tư đầu tư, phát triển mảng xanh theo quy hoạch đã được duyệt.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM:
Phát triển cảnh quan ven kênh rạch sẽ hạn chế xả rác
Một trong những nơi người dân xả rác nhiều nhất là ven kênh rạch, thậm chí ven bờ sông trên địa bàn TP. Một trong những nguyên nhân là phần lớn bờ kênh rạch hiện nay vẫn còn “bỏ ngỏ”. Nếu chúng ta khai thác tốt, tạo cảnh quan dọc các kênh rạch, biến nơi này thành những mảng xanh, chắc chắn việc xả rác sẽ được giảm thiểu rất nhiều.
Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, khai thác bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP còn nhiều hạn chế nên dẫn đến tình trạng lấn chiếm. Cụ thể, giai đoạn trước năm 2004, do chưa có các quy định về hành lang bảo vệ sông rạch nên có một số dự án khu nhà ở, khu du lịch đã được giao đất và xây dựng sát mép bờ cao sông Sài Gòn. Chưa có quy hoạch bờ kè theo từng đoạn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (đoạn từ quận 9 đến huyện Nhà Bè) và sông, kênh rạch thuộc khu vực nội thành, để làm căn cứ lập kế hoạch thực hiện kè bờ theo từng giai đoạn, kết hợp với nắn lại mép bờ cao sông rạch nhằm chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan.
Chưa có quy hoạch sử dụng đối với quỹ đất hành lang bảo vệ sông rạch, trên cơ sở thiết lập mới hoặc kết hợp với điều chỉnh các đồ án quy hoạch 1/2000 và cập nhật các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án đang sử dụng quỹ đất đến mép bờ cao sông rạch. Kể cả sự cần thiết quy hoạch chi tiết một số vị trí mặt sông để cho phép khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước nhằm phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch.
Ngoài ra, hệ thống cầu bắc qua kênh rạch nội thành đang có độ tĩnh không thông thuyền rất thấp, làm cản trở hoạt động giao thông đường thủy và phát triển du lịch. Hệ thống nước thải đô thị chưa được thu gom để xử lý tập trung, mà đang xả thải trực tiếp vào sông rạch nên vừa gây ô nhiễm môi trường sinh thái vừa làm tăng độ bồi lắng lòng sông, làm cản trở hoạt động du lịch đường thủy.
Hiện TP chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa việc kè bờ sông rạch trong nội thành và nhất là tại những vị trí có nguy cơ bị sạt lở, đi đôi với khai thác hiệu quả quỹ đất thuộc hành lang sông rạch và cả một số vị trí mặt nước có thể phát triển kinh doanh dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng theo quy hoạch.
Các dự án khu đô thị, khu nhà ở chỉ được giao đất đến ranh hành lang bảo vệ mép bờ cao sông rạch, nên chủ đầu tư không có quyền và cũng không có trách nhiệm xây dựng bờ kè hoặc đầu tư đường giao thông, lối đi bộ, mảng xanh hoặc đầu tư các công trình dịch vụ, tiện ích phục vụ lợi ích công cộng, dẫn đến hành lang bảo vệ sông rạch bị hoang hóa, sạt lở. Việc quản lý mép bờ cao sông rạch còn cứng nhắc, chưa linh hoạt trong việc cho phép kè bờ kết hợp với nắn lại mép bờ cao theo phương pháp bù trừ và để chỉnh trị dòng chảy và làm đẹp cảnh quan.
Bà LƯU THỊ THANH MẪU, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corp:
Tạo mảng xanh từ những căn hộ
Chúng tôi luôn mong muốn “tinh thần xanh”, “tư duy xanh” được lan rộng hơn nữa để người người, nhà nhà tham gia sống xanh và phát triển công trình xanh. Chúng tôi đã tổ chức cũng như tham gia các chuyến đi học tập tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Australia.
Đây là chuyến đi nhiều ý nghĩa, chúng tôi được tiếp cận với tính tự giác của doanh nghiệp cũng như người dân trong việc tuân thủ các quy định về phát triển công trình theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xem công trình xanh như một yếu tố cơ bản cho việc phát triển đô thị của quốc gia.
Riêng Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu được quan tâm, chú trọng mảng xanh trong vài năm gần đây. Chúng tôi đã hiện thực hóa sứ mệnh của mình qua thực chứng công trình xanh chuẩn LEED và LOTUS đầu tiên tại Việt Nam.
Vượt qua sự “cô đơn” ở giai đoạn đầu, được sự đồng lòng và hợp lực của các đối tác lớn, đã giúp Phuc Khang Corp củng cố được niềm tin của thị trường, khách hàng và đối tác và ngay cả nội bộ của công ty để phát triển công trình xanh. Chúng tôi đã “xanh hóa” dự án của mình từ trong từng căn hộ như sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường… chứ không hẳn chỉ phát triển mảng xanh thông qua cây cối.