Xây dựng thủy điện Đồng Nai 3 - Hệ lụy kéo dài

Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 được khởi công xây dựng vào ngày 26-12-2004 nhưng đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa được yên ổn vì luôn sống trong cảnh chờ đợi tái định canh, định cư.
Xây dựng thủy điện Đồng Nai 3 - Hệ lụy kéo dài

Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 được khởi công xây dựng vào ngày 26-12-2004 nhưng đến nay, người dân nơi đây vẫn chưa được yên ổn vì luôn sống trong cảnh chờ đợi tái định canh, định cư.

Nhà tái định cư bỏ hoang

Mỗi lần trở lại khu tái định cư xã Đắc P’Lao, chúng tôi lại nặng trĩu những tâm tư của người dân. Trên con đường nhựa đã xuống cấp từ xã Quảng Khê (nằm ở trung tâm huyện Đắc G’Long) vào đây, chúng tôi gặp hàng chục người dân kéo nhau đi làm thuê hoặc về buôn cũ làm rẫy. Còn ở “phố tái định cư”, nhiều ngôi nhà mới mọc lên, nhưng cũng nhiều nhà đang bỏ hoang.

Giữa tháng 3-2009, huyện Đắc G’Long đã chia đất đợt đầu cho 200 hộ dân xã Đắc P’Lao nhưng họ đến xem rồi bỏ về vì 650ha đất sản xuất vừa khai hoang đều nằm trên những quả đồi bát úp, địa thế hiểm trở, tầng canh tác rất mỏng. Phần lớn diện tích này chỉ có thể trồng rừng, còn đường đi ngoằn ngoèo và hiểm trở. Sau đó, chủ đầu tư khai hoang thêm 206ha gần đó để bù vào những chỗ quá dốc nhưng diện tích này hầu hết lại bị người dân xã Quảng Khê xâm canh. Nhưng trong tổng số 856ha đất nói trên, chỉ có khoảng 250ha đất sản xuất nông nghiệp và diện tích còn lại đều là đất đồi núi cằn cỗi.

Anh K’Bảy (ở thôn 5) tâm sự: “Trước khi ra khu tái định cư, chúng tôi nhận được lời hứa từ huyện sẽ cấp cho mỗi hộ 1,5ha nhưng hiện nay lại chỉ được cấp khoảng 4 sào. Trong khi đó, số đất này lại bị dân Quảng Khê trồng mì, trồng bắp và trồng cà phê gần hết. Khi chúng tôi đến bốc thăm nhận đất, họ còn kéo ra hù dọa, đuổi đánh nữa”. Như để chứng thực lời nói của mình, anh K’Bảy dẫn chúng tôi ra vùng đất tái định canh sau khu tái định cư. Quả đúng như lời anh, tất cả diện tích này đã bị người dân xung quanh trồng mì, bắp và cà phê gần hết.

Vì thế, trong hai đợt nhận đất mới đây, có nhiều người đã không đi nhận đất nữa. Ông Phạm Văn Tưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đắc G’Long, cho biết: “Thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án thủy điện 6 và UBND xã Đắc P’Lao tổ chức bốc thăm, chia đất cho người dân thôn 1, 2, 3 tại khu vực 206 ha vào ngày 7-4 và ngày 4-5 năm nay. Nhưng trong hai đợt nhận đất, còn lại 48/291 hộ đủ điều kiện chưa đi nhận đất. Còn tại khu vực 650ha, trung tâm sẽ bố trí tái định canh cho 394 hộ dân của thôn 1, 2, 3 và 5". Nhưng theo khảo sát sơ bộ của UBND xã Đắc P’Lao, toàn bộ diện tích khu vực này đã bị người dân xung quanh xâm canh trồng mì, cà phê.

Không đất, không nghề nghiệp, hàng trăm người dân Đắc P’Lao rơi vào cảnh thất nghiệp và đợi chờ cứu đói. Bà H’Lôi (ở thôn 3) than thở: “Chắc sắp tới sẽ đói vì tiền thủy điện cho mua gạo đã hết rồi. Ngày nào cũng thế, ông nhà tôi phải về làng cũ làm rẫy để kiếm gạo nuôi mẹ con”. Nhà bà có 1 sào lúa rẫy nhưng ở xa tít trong chỗ cũ và chưa đến mùa gặt. Mà có gặt hết số lúa này, 6 miệng ăn trong nhà cũng chỉ cầm cự được vài tháng. Hồi mới lên đây, nhà bà được bồi thường 15 triệu đồng với ngôi nhà và số tiền hỗ trợ mua lương thực trong 3 năm.

Từ khi ra khu tái định cư, cuộc sống người dân xã Đắc P’Lao ngày càng khốn khó hơn.

Từ khi ra khu tái định cư, cuộc sống người dân xã Đắc P’Lao ngày càng khốn khó hơn.

Sẽ tiếp tục dời làng?

Không ở khu tái định cư mới, hơn 50 hộ dân xã Đắc P’Lao (huyện Đắc G’Long, Đắc Nông) đã di chuyển lên Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng sinh sống, khi Thủy điện Đồng Nai 3 nhấn chìm làng cũ trong biển nước vào ngày 19-7-2010.

Từ khi lên chân núi Tà Đùng sinh sống, mỗi hộ dân nơi đây chỉ có khoảng dăm sào trồng lúa, cà phê, mì, bắp… Nhưng cà phê chưa thu hoạch, lúa bắp cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Còn tiền đền bù cứ rút ra ăn dần, nhiều nhà đã hết. “Cuộc sống của bà con vẫn còn khốn khó nhưng dẫu sao vẫn hơn ở khu tái định cư vì còn có cái để thu. Bây giờ, bà con chỉ mong huyện cho nhập vào Đắc Som để làm ăn thuận lợi chứ không thể cứ sống trôi nổi hoài thế được” - già làng K’Kệ nói. Nỗi băn khoăn của ông cũng chính là nỗi mong ước chung của những người dân nơi đây.

Theo già làng K’Kệ, đây là cuộc dời làng lần thứ ba của cộng đồng người Mạ ở Đắc P’Lao, kể từ sau năm 1975. Ngôi làng đầu tiên của họ có tên là Phăng Rá, nằm bên sườn Bắc dãy Tà Đùng, sát căn cứ đầu não Fulrô ở Đầm Ròn (thuộc huyện Đam Rông, Lâm Đồng ngày nay).

Những năm 1975 - 1983, người xấu vào làng dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc bà con chống lại chính quyền cách mạng. Nhưng người Mạ vẫn một lòng theo Đảng. Năm 1985, hội đồng già làng họp, quyết định dời làng qua phía Nam Tà Đùng - nơi cách xa căn cứ Fulrô, có cán bộ thường xuyên ra vào. Đó chính là chỗ già làng K’Kệ hiện đang ở - buôn Cây Xoài ngày xưa. Sau khi quốc lộ 28 thông tuyến, bà con người Mạ cùng với anh em người Tày, người Mông cùng nhau xuống núi theo chủ trương của huyện Đắc Nông (cũ) để hình thành xã Đắc P’Lao.

Năm 2004, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng được thành lập, bao gồm cả buôn Cây Xoài cũ và hơn 200ha nương rẫy của bà con. Khi toàn xã Đắc P’Lao chìm vào hồ thủy điện Đồng Nai 3, cộng đồng người Mạ lũ lượt quay về buôn cũ chứ nhất định không về khu tái định cư. Già làng K’Kệ tâm sự: “Đồng bào người Mạ thôn 1 đã làm rẫy trên núi Tà Đùng từ nhiều năm qua và họ xin địa phương được định cư định canh tại đây. Già làng cam đoan sẽ gìn giữ, không để mất rừng”.

Người dân xã Đắc P’Lao, huyện Đắc G’Long, Đắc Nông đang chờ đất tái định canh.Người dân xã Đắc P’Lao, huyện Đắc G’Long, Đắc Nông đang chờ đất tái định canh.

Người dân xã Đắc P’Lao, huyện Đắc G’Long, Đắc Nông đang chờ đất tái định canh.Người dân xã Đắc P’Lao, huyện Đắc G’Long, Đắc Nông đang chờ đất tái định canh.

Sau khi cử nhiều đoàn cán bộ đi khảo sát khu vực này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắc Nông, cho rằng: “Việc dựng nhà tạm và canh tác của một số gia đình có thể ít phương hại đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Trong khi đội ngũ ban quản lý khu bảo tồn còn mỏng, nếu được giao cho chính cộng đồng dân cư tại đây thì khả năng rừng sẽ được gìn giữ tốt…”. Có điều, thôn mới của người Mạ lại có phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ và nằm cạnh đường tránh ngập quốc lộ 28, nên có thông tin sẽ bị quy hoạch xây dựng thành khu du lịch sinh thái (mang dáng dấp Đà Lạt). Vì thế, nguy cơ phải dời làng đã hiển hiện trong tâm trí người Mạ.

CÔNG HOAN

Ông Tạ Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, cho biết, hiện đa số hộ dân thuộc diện được bố trí đất tái định canh của Dự án thủy điện Đồng Nai 3 trên địa bàn huyện vẫn chưa có đất để canh tác. Tại khu vực lòng hồ thủy điện, ngoài 107ha đã kiểm kê, có 69ha đất và cây trồng của 48 hộ dân chưa được kiểm kê hiện trạng nhưng đã bị ngập do thủy điện tích nước. UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho chủ trương tính toán số lượng cây trồng theo mật độ chuẩn quy định của nhà nước để đền bù cho dân.

N.VIÊN

Tin cùng chuyên mục