Ngoại lệ giao thừa
Cũng giống như xe khách liên tỉnh, hoạt động mùa tết của loại hình VTHKCC bằng xe buýt thành phố được ấn định diễn ra trong ngày Tết Dương lịch 1-1-2020 và 20 ngày vào dịp tết Nguyên đán, gồm 10 ngày trước tết và 10 ngày trong cũng như sau tết, tức từ ngày 15-1-2020 đến 3-2-2020 (21 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến mùng 10 Tết Canh Tý).
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT TPHCM), cho biết trong thời gian phục vụ Tết Canh Tý, các tuyến xe buýt có trợ giá chỉ ngưng hoạt động duy nhất từ buổi trưa của ngày cuối năm âm lịch. Cụ thể, hầu hết các tuyến buýt có trợ giá hoạt động theo biểu đồ chạy xe cho đến 12 giờ trưa thứ sáu 24-1-2020, tức 12 giờ trưa 30 tháng Chạp là hoàn toàn kết thúc vận hành trên toàn địa bàn.
Tuy nhiên, có 5 tuyến xe buýt do đặc thù riêng vẫn hoạt động đến 17 giờ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân buổi chiều cuối năm, đó là tuyến Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn, mã số tuyến 01; tuyến Bến Thành - Nhà Bè, mã số tuyến 20; tuyến Bến Thành - Bến xe An Sương, mã số 65; tuyến Bến xe An Sương - Bến xe Củ Chi, mã số 74 và tuyến phà Bình Khánh - Cần Thạnh, mã số 90.
Bước sang mùng 1 tết (tức thứ bảy, 25-1-2020), các tuyến xe buýt có trợ giá bắt đầu hoạt động trở lại; tuy nhiên, do đặc thù ngày đầu tiên của năm mới, hành khách ít có nhu cầu đi sớm nên toàn bộ xe buýt sẽ chạy chuyến đầu tiên lúc 8 giờ, muộn hơn bình thường 3 giờ và chuyến cuối cùng trong ngày kết thúc lúc 17 giờ, tức sớm hơn bình thường khoảng 2 giờ. Từ mùng 2 đến mùng 10 tết, thời gian biểu vận hành xe buýt tuy chưa trở về như ngày thường, nhưng cũng không bắt đầu trễ và kết thúc sớm như ngày mùng 1 tết.
Tăng, giảm tuyến linh động
Trong dịp Tết Dương lịch 2020, dự kiến tăng chuyến trên hai tuyến là tuyến Bến xe An Sương - Bến xe Thủ Dầu Một, mã số 61-3 và tuyến Bến xe Miền Tây - Khu du lịch Đại Nam, mã số 61-8. Giảm chuyến trên 25 tuyến, chủ yếu là các tuyến phục vụ đối tượng sinh viên, học sinh.
Tương tự, do sinh viên, học sinh và công nhân được nghỉ dài ngày trong dịp tết Nguyên đán, ngành vận tải hành khách công cộng dự báo tỷ lệ sinh viên sử dụng xe buýt giảm khoảng 86% so với ngày thường. Vì thế, dự kiến toàn thành phố sẽ giảm khoảng 80.211 chuyến trên 97 tuyến xe buýt có trợ giá và 13 tuyến xe buýt không trợ giá.
Đó là các tuyến như Bến xe Chợ Lớn - Đại học Nông Lâm, Bến xe quận 8 - Thủ Đức, Đại học Quốc gia TPHCM - Bến xe Miền Tây, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, Lê Hồng Phong - Đại học Quốc gia TPHCM, Bến xe Chợ Lớn - Đại học Giao thông Vận tải… Trong số này, có 8 tuyến dự kiến tạm ngưng hoạt động trong một số thời điểm như tuyến Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, tuyến Bến Thành - Đại học Quốc Tế, Bến Thành - Mộc Bài, Bến Thành - Đại học Tôn Đức Thắng - cầu Long Kiểng…
Trong chiều hướng ngược lại, ngành VTHKCC thành phố dự kiến sẽ tăng chuyến trên một số tuyến xe buýt phục vụ Tết Canh Tý cho lộ trình tỏa đến các khu vui chơi giải trí trọng điểm như Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, Thảo Cầm Viên thành phố… Các chuyến buýt tăng cường này sẽ lăn bánh từ mùng 2 tết trở đi, do nhu cầu du xuân của hành khách luôn tăng sau ngày đầu năm và thường kéo dài đến sau tết Nguyên tiêu, tức rằm tháng Giêng âm lịch.
Sẵn sàng chi viện xe đò liên tỉnh Bên cạnh nhiệm vụ chính là phục vụ nhu cầu đi lại nội hạt bằng phương tiện VTHKCC, lực lượng xe buýt thành phố còn sẵn sàng “đóng thế”, chi viện chở khách đường dài, chủ động giải tỏa hành khách ứ đọng tại các bến xe đầu mối, một khi xe khách liên tỉnh bị thiếu hụt hoặc gặp sự cố trên đường, không kịp quay vòng về đón khách đúng lịch trình. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phối hợp cùng các doanh nghiệp vận tải đã chuẩn bị một số đầu xe buýt, loại từ 30 ghế trở lên, để sẵn sàng tăng cường giải tỏa hành khách ở Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây và các bến xe liên tỉnh khác khi cần thiết. Các chuyến xe buýt cắt giảm trên các tuyến phục vụ đối tượng sinh viên, học sinh và công nhân lao động nói trên cũng sẽ được điều chuyển sang chở khách đường dài liên tỉnh ngay khi các bến xe đầu mối cần chi viện. |