Một số phận bị đánh tráo
Câu chuyện bắt đầu từ sự cố khó tin. Một chiếc xe hơi đang lao nhanh trong đêm, trên xe là một sản phụ mang thai song sinh đang chuyển dạ. Người chồng lái xe trong phút bấn loạn vì chứng kiến cơn đau chuyển dạ của vợ, đã vô tình gây tai nạn. Thay vì sinh đôi, khi tỉnh lại bà Quỳnh chỉ nhận được một đứa trẻ và một hung tin: đứa bé còn lại và chồng đã chết. Hơn 20 năm sau, Thùy - cô con gái đã trưởng thành và hoàn thành việc học. Tương lai đang chờ cô với một đám cưới mỹ mãn và một cuộc sống sang trọng mà mẹ cô đã gầy dựng. Bất hạnh ập đến như một trò chơi đánh tráo số phận.
Cái gia đình đang êm ấm ấy bỗng nhiên bị xáo trộn. Sau chuyến đi chơi trở về Thùy bỗng trở nên bất thường. Hình như không phải Thùy của ngày trước. Vốn là một cô gái ngoan hiền, đáng yêu và hài lòng với cuộc đời, Thùy bỗng trở nên đáo để, gai góc, ương ngạnh và phản ứng với tất cả mọi người. Thùy nghiệt ngã, oán trách mẹ, phản ứng với chồng sắp cưới.
Bằng linh cảm người mẹ, có lúc bà Quỳnh ngờ ngợ như Thùy là một ai khác. Câu chuyện kịch tiếp tục mở ra với nhiều tình tiết lắt léo, với nhiều nhân vật đầy bí ẩn như: Trác (Trung Dũng) gai góc, mạnh mẽ trong tình yêu. Hân - một cô gái nhiều uẩn ức. Một nhóm cướp (Công Ninh, Phi Phụng)… Trong đó là số phận buồn của một ông bố đang ăn năn hối lỗi vì năm xưa đã bỏ bê vợ và đứa con gái. Bây giờ ông phải nhập vào nhóm cướp để tìm cách bảo vệ và đưa con trở về nhà.
Với vở diễn Đêm định mệnh, đạo diễn Công Ninh không sa đà vào những tình tiết ly kỳ của một vụ bắt cóc mà anh muốn mở cho người xem những trăn trở, suy tư về những sự khác biệt trong phát triển nhân cách: Khi con người ta sống trong những hoàn cảnh khác nhau, nhân cách sẽ khác nhau. Thùy là một cô gái sống trong hạnh phúc, có đầy đủ tình yêu thương của người mẹ nên con người cô trong sáng, đơn giản. Tuy có một chút ích kỷ, nhưng Thùy cũng là người dễ chấp nhận Hân - một người chị song sinh bấy lâu xa cách. Còn Hân, bị đánh tráo, bị bỏ rơi nên cô hận thù, bất chấp và tàn bạo với mọi người xung quanh…
Thế nhưng, nút thắt, mở của kịch không phải là chuyện Thùy và Hân là chị em song sinh mà người xem hướng về cách xử trí của người mẹ về cả tinh thần lẫn vật chất khi có hai đứa con khác nhau về nhân cách. Bà là người đứng ở giữa và hóa giải mâu thuẫn giữa các con thế nào? Làm thế nào để đưa một đứa con thất lạc, không được nuôi dạy tử tế… để trở về hòa hợp được với cuộc sống gia đình? Câu hỏi chủ đề của vở kịch bỗng lớn hơn câu chuyện đánh tráo số phận.
Tìm lối về
Xét ở góc độ hiện thực xã hội hiện nay, xem vở kịch, những người làm cha mẹ sẽ tâm đắc với tuyến kịch: Khi người cha, người mẹ phải giành giật những đứa con lầm đường lạc lối về với gia đình. Họ sẽ phải xử lý như thế nào? Nếu tác giả Vương Huyền Cơ và đạo diễn Công Ninh xoáy kịch tính theo chiều hướng này thì vở kịch sẽ đánh động được vấn đề nóng của xã hội. Tính hiện thực và cảm xúc của khán giả sẽ được đẩy lên cao hơn.
Tuy nhiên, có lẽ để nhẹ bớt tính bi kịch, muốn gia tăng thêm phần giải trí, nên tác giả và đạo diễn cũng khai thác một số tình huống hài, khai thác tình tiết của những số phận bị đánh tráo. Sự khác biệt về tính cách của hai nhân vật có đất cho diễn viên diễn xuất, nhưng các diễn viên lại gây ấn tượng về hình thức là đi sâu khai thác vào mâu thuẫn, biến cố tâm lý của con người trong từng vụ việc.
Hai nhân vật Hân và Thúy, có thân phận, tính cách khác nhau nhưng lại không thấy những diễn biến nội tâm khi họ rơi vào nghịch cảnh. Vai bà mẹ của Kim Xuân là trung tâm, người xem muốn thấy với trái tim người mẹ, bà sẽ chống chọi với hoàn cảnh mới như thế nào? Trong kịch, vẫn chỉ thấy bà thương khóc số phận và năn nỉ, van xin Hân tha lỗi cho mình (mặc dù trong quá khứ bà không hề có lỗi), điều này chưa thuyết phục được người xem. Số phận của Trác (Trung Dũng), một cậu bé sớm mất mẹ phải tự sống, tự bươn chải.
Nếu xét về nhân vật thì nhìn ngoài đời, Trác cũng ngang tàng, gai góc, hận thù, nhưng bên trong Trác vẫn nuôi ngọn lửa yêu thương. Trác muốn Hân gạt bỏ đố kỵ để được hưởng trọn vẹn sự yêu thương của mẹ và gia đình. Thế nhưng, Trác trong kịch lại có phần mờ nhạt, phần xuất hiện của anh không đủ thời gian để nhân vật bắt mạch vào câu chuyện…
Chính vì thế kịch tưởng như nhiều diễn biến, kịch tính vẫn không đi tới tận cùng từng bi kịch. Xem kịch, khán giả có cảm giác bi, hài, có xung đột nhưng về mặt cảm xúc vẫn… chưa tới.
(*) Đang biểu diễn tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần.
NGA PHAN