Xét xử “đại án” OceanBank: Tài xế dễ dàng “vay” 500 tỷ!?

Chiều 29-8, sau một ngày đọc hết hơn 100 trang cáo trạng của vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank, Hội đồng xét xử (HĐXX) của Tòa án nhân dân Hà Nội bắt đầu phần xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội.

Bị cáo Trần Văn Bình
Bị cáo Trần Văn Bình

Là người đầu tiên trả lời HĐXX, bị cáo Trần Văn Bình bị khởi tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" cho biết, từ lúc bị cơ quan Công an điều tra xét hỏi Bình mới biết mình là Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung Dung còn trước đó không hề hay biết.

Bị cáo Bình cũng cho biết, trước đó mình chỉ là nhân viên lái xe thuộc bộ phận hành chính của Tập đoàn Thiên Thanh và chỉ học hết lớp 6 nên không hề hay biết về khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty TNHH Trung Dung đối với OceanBank.

“Về khoản vay 500 tỷ đồng, bị cáo không biết, bộ phận kế toán đưa cho bị cáo ký thì ký chứ không biết là mình ký gì và cũng không nhớ là có ký hợp đồng vay tín dụng 500 tỷ đồng từ OceanBank hay không...”- bị cáo Bình chối bỏ.

Trong khi đó, cáo trạng xác định, bị cáo Bình là người đã ký hợp đồng vay 500 tỷ đồng giữa Công ty TNHH Trung Dung với OceanBank.

Trong khi đó, trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) cho biết, tại thời điểm thành lập Công ty TNHH Trung Dung vì không có người phụ trách nên phòng Hành chính của Tập đoàn Thiên Thanh mới cử Bình làm tổng giám đốc.

“Bản thân tôi không trực tiếp nhờ anh Bình đứng tên mà là phòng Hành chính thông báo toàn tập đoàn và anh Bình là người xin đứng tên...”, bị cáo Danh trả lời về mối quan hệ với Trần Văn Bình.

                                  Bị cáo Phạm Công Danh 

Đối với mối quan hệ Hà Văn Thắm, bị cáo Danh cho biết giữa Tập đoàn Thiên Thanh và OceanBank đã có giao dịch từ nhiều năm và Thắm là người "môi giới" cho Danh mua lại Ngân hàng TMCP Đại Tín (Đại Tín) song lại không cho biết Đại Tín đang rất bê bết. Hơn nữa, trước đó Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, cổ đông lớn của Đại Tín) đã chuyển nhượng ngân hàng này cho Thắm.

"Qua tiếp xúc với anh Thắm tôi nhận lời với anh Thắm tìm hiểu về ngân hàng này. Tuy nhiên trước đó anh Thắm không hề nói với tôi về tình hình ngân hàng...", bị cáo Danh khai.

Bị cáo Danh cũng khai nhận, Hà Văn Thắm đặt ra yêu cầu nếu muốn mua Đại Tín thì trả lại chi phí 1.000 tỷ đồng để tiếp quản ngân hàng. Nhưng hai bên đã thỏa thuận được mức phí chuyển nhượng là 800 tỷ đồng. Sau đó Danh đã chuyển cho anh Thắm 500 tỷ đồng và hơn 1 năm sau, tới giữa năm 2013, Danh mới chính thức nhận bàn giao toàn bộ Đại Tín.

Cựu chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cũng cho biết, vì nhu cầu thanh khoản nên bà Phấn đã đề xuất về khoản vay 500 tỷ đồng tại OceanBank. Phạm Công Danh với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh đã chỉ đạo lập Công ty TNHH Trung Dung để vay của OceanBank 500 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thanh khoản cho Đại Tín đã mua trước đó.

Theo cáo trạng, đầu năm 2012, Hà Văn Thắm đã gặp Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng TMCP Đại Tín, sau đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam) đặt vấn đề mua lại Đại Tín. Ban đầu, bà Phấn thỏa thuận bán lại hơn 84% vốn điều lệ của Đại Tín cho Hà Văn Thắm. Nhưng khi vào tiếp quản, nhận thấy tình hình thực tế của Đại Tín rủi ro, các khoản vay của nhóm bà Phấn phức tạp, Thắm đã gặp Phạm Công Danh và giới thiệu cho Danh mua Đại Tín.

Giữa tháng 11-2012, Thắm và Danh thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank để tăng tính thanh khoản cho Ngân hàng Xây dựng. Bà Phấn đồng ý cho Danh mượn tài sản thế chấp gồm quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà ở tại Dự án Khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM) và 5,8 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn SSG của bà Phấn và một số cổ đông. Hai bên đã ký hợp đồng cho mượn tài sản thế chấp. Bà Phấn cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của toàn bộ hồ sơ pháp lý và giá trị tài sản. Phạm Công Danh sử dụng pháp nhân là Công ty TNHH Trung Dung do Danh thành lập để vay tiền. Tài sản bảo đảm có thêm phần vốn góp 250 tỷ đồng của Trần Văn Bình (nguyên Tổng giám đốc Công ty Trung Dung) nhưng thực chất không có thực vì Bình chỉ là tài xế.

Sau đó, ngày 23-11-2012, OceanBank đã giải ngân cho Công ty TNHH Trung Dung vay số tiền 500 tỷ đồng. Có được tiền từ OceanBank cho vay,  Danh dùng số tiền trên để tất toán cho 5 hợp đồng vay của Hứa Thị Phấn tại Đại Tín, đồng thời ghi nhận việc Danh trả tiền mua cổ phần của nhóm Phấn. Do Công ty TNHH Trung Dung mất khả năng thanh toán, OceanBank không thu hồi khoản vay trên. Cáo trạng chỉ rõ, qua kết luận giám định thể hiện, tổng giá trị tài sản đảm bảo tại thời điểm giải ngân là 70,7 tỷ đồng (hiện nay là 156,4 tỷ đồng).

Như vậy, khoản vay của Công ty TNHH Trung Dung còn thiệt hại 343,5 tỷ đồng. Việc cho vay này còn vi phạm nhiều quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước cũng như quy chế nội bộ OceanBank. Cụ thể, khoản vay 500 tỷ đồng không đúng mục đích. Hà Văn Thắm biết rõ việc vay tiền nhằm mục đích tăng thanh khoản cho Ngân hàng Xây dựng là không đúng với hợp đồng tín dụng nhưng vẫn cho vay. Khoản vay cũng vượt quá tỷ lệ quy định.

Theo quy chế của ngân hàng thì tối đa các khoản vay là 80% so với giá trị tài sản đảm bảo. Nhưng thực tế, khoản vay của Công ty TNHH Trung Dung lên tới 100% so với giá trị bảo đảm. Hơn nữa, Oceanbank không đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản bảo đảm là nhà đất vi phạm các quy định pháp luật, quy chế nội bộ ngân hàng. Hà Văn Thắm cũng biết rõ phần vốn góp 250 tỷ đồng của Công ty TNHH Trung Dung là không có thật nhưng vẫn phê duyệt khoản vay.

Tin cùng chuyên mục