Xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: Ông Trần Bắc Hà tiếp tục vắng mặt

Ngày 24-7, Tòa án Nhân dân TPHCM đã đưa vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2 ra xét xử sơ thẩm. Một trong những nhân vật được chú ý khi diễn ra phiên xử vụ án này là ông Trần Bắc Hà. Trong phiên xử lần này, ông cũng xin vắng mặt. 

Trong vụ án này, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank; Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh); Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng VNCB); Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Ngân hàng SacomBank); Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SacomBank) và 42 bị cáo đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Đại diện 7 ngân hàng và hơn 60 cơ quan, cá nhân, doanh nghiệp được triệu tập có mặt tại phiên tòa trong vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, bị cáo Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng nhưng không thể vay trực tiếp tại Ngân hàng VNCB nên chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng pháp nhân các công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó, vay vốn tại các ngân hàng SacomBank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của Ngân hàng VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị các ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của Ngân hàng VNCB với số tiền gần 6.127 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng được Phạm Công Danh chỉ đạo sử dụng cho mục đích cá nhân của mình.

Do các công ty này làm hồ sơ vay khống, không thực hiện theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến Ngân hàng VNCB bị thiệt hại gần 6.127 tỷ đồng. 

Xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: Ông Trần Bắc Hà tiếp tục vắng mặt ảnh 2 Bị cáo Phạm Công Danh (trước) và Trầm Bê (sau)

Vào tháng 1-2018, Tòa án Nhân dân TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án, nhận định vụ án còn nhiều vấn đề cần điều tra làm rõ để có căn cứ giải quyết vụ án một cách toàn diện, đúng pháp luật, hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Sau quá trình điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẳng định kết quả điều tra bổ sung không làm phát sinh, thay đổi nội dung vụ án trong cáo trạng trước. Theo đó, không có thêm bị can nào bị khởi tố, truy tố và không có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào được phát hiện.     

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong số gần 200 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng được triệu tập có bị án Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt TrustBank, hiện đang chấp hành bản án 30 năm tù) cùng các ông, bà: Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV), Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT CBBank), Trần Quý Thanh (Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát), Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank), Nguyễn Hưng (Tổng giám đốc TPBank)... Đoàn giám định tư pháp Ngân hàng Nhà nước gồm 8 thành viên cũng được Tòa án Nhân dân TPHCM triệu tập ra tòa.

Một trong những nhân vật được chú ý khi diễn ra phiên xử vụ án này là ông Trần Bắc Hà. Tại phiên xét xử sơ thẩm trước đây, ông Hà bị triệu tập ra tòa được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng nhưng xin vắng mặt do đang chữa bệnh tại Singapore. Trong phiên xử lần này, ông cũng xin vắng mặt. Chủ tọa công bố: Ông Trần Bắc Hà đang điều trị bệnh tại Singapore. Ngày 15-7, ông Trần Bắc Hà nhập cảnh vào Singapore và ngày 19-7 được phẫu thuật. Ông Hà có đơn giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.

Xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: Ông Trần Bắc Hà tiếp tục vắng mặt ảnh 3 Ông Trần Bắc Hà

Trước đó, vào cuối tháng 6-2018, tại kỳ họp 27, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng BIDV và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV.

Ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống Ngân hàng BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng VNCB.

Ngoài ông Trần Bắc Hà, một số người khác cũng có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa, giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên toà lần trước. Xét thấy việc vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến phiên toà nên hội đồng xét xử chấp thuận.

Đối với yêu cầu của bị cáo Phạm Công Danh về việc triệu tập ông Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Tín - viết tắt TrustBank, sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam) để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án, hội đồng xét xử cho biết trong quá trình xét hỏi nếu thấy cần thì sẽ triệu tập.

Chiều nay, phiên tòa bắt đầu chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa sẽ công bố bản cáo trạng.

Tin cùng chuyên mục