Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La: Đề nghị mức án cao nhất 9 năm tù

Chiều 17-10, phiên tòa xét xử 5 bị cáo trong vụ án gian lận, nâng điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang đã kết thúc phần xét hỏi. Trước khi tòa chuyển sang tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đã nêu quan điểm luận tội đối với các bị cáo. 
Bị cáo Vũ Trọng Lương (trái) và bị cáo Nguyễn Thanh Hoài tại phiên xét xử chiều 17-10.
Bị cáo Vũ Trọng Lương (trái) và bị cáo Nguyễn Thanh Hoài tại phiên xét xử chiều 17-10.

Theo đó, trong bản luận tội, đại diện cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét tuyên phạt mức án 8 - 9 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT Hà Giang); bị cáo Vũ Trọng Lương (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT Hà Giang) bị đề nghị mức án 7 - 8 năm tù; bị cáo Lê Thị Dung (cựu Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) và Triệu Thị Chính (cựu Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang) cùng bị đề nghị mức án 2 - 2,5 năm tù. Bị cáo còn lại là Phạm Văn Khuông (cựu Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang) bị đề nghị 1 - 1,5 năm tù treo.

Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang cũng khẳng định đây là vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm hại các quy định pháp luật, làm mất sự công bằng xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng ngành giáo dục, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đối với 2 bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, đại diện cơ quan tố tụng khẳng định có đủ cơ sở kết luận 2 bị cáo đã bàn bạc, thống nhất với nhau để nâng điểm môn trắc nghiệm cho 107 thí sinh. Quá trình điều tra và tại tòa, 2 bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội do lợi dụng kẽ hở của phần mềm chấm thi tốt nghiệp. Đồng thời, 2 bị cáo cũng như phụ huynh, người thân thí sinh đều khai việc nhờ nâng điểm do quen biết thân thiết, không có lợi ích vật chất gì để sửa điểm. Do đó đại diện cơ quan tố tụng nhận thấy không có căn cứ để chứng minh các bị cáo nhận tiền, tài sản hay bất cứ lợi ích vật chất nào trong vụ án. 

Cùng ngày, phiên sơ thẩm xét xử 8 bị cáo trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La tiếp tục thẩm vấn người làm chứng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Là người làm chứng đầu tiên trả lời thẩm vấn, ông Phan Ngọc Sơn (Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) cho biết, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 do có con trai dự thi nên ông Sơn không được phân công nhiệm vụ tại kỳ thi. Tuy nhiên do là đồng nghiệp với bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) nên ông Sơn đã nhờ bị cáo này xem điểm trước cho con mình để có cơ hội vào được trường mong muốn. Trước tòa, ông Sơn cho biết, con mình đỗ vào Đại học Kinh tế Quốc dân  năm 2018 với tổng điểm 3 môn là 27 điểm nhưng sau khi chấm thẩm định lại số điểm trên giảm 7,45 điểm. “Lúc đó, tôi nhờ cũng không suy nghĩ việc đó vi phạm quy chế thi của Bộ GD-ĐT. Khi thông tin được nâng điểm vỡ lở vì áp lực xã hội nên con trai tôi không theo học nữa...” - ông Sơn trình bày.

Trong khi đó, trả lời trước tòa Đỗ Kim Quang (Giám đốc VNPT Sơn La) cho biết là bạn thân với ông Hoàng Tiến Đức (cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La) nên tại kỳ thi THPT năm 2018 có nhờ ông Đức xem trước kết quả thi để kịp thời thay đổi nguyện vọng. Sau đó kết quả điểm thi được công bố, con ông Quang được 24,4 điểm/3 môn nhưng sau khi vụ việc bị phát hiện, tiến hành chấm thẩm định lại số điểm giảm xuống còn 19 điểm. Trước tòa ông Quang cũng khẳng định là bản thân chỉ nhờ xem điểm trước chứ không nhờ tác động vào bài thi của con mình để được nâng điểm. Một số nhân chứng khác khi được Hội đồng xét xử gọi lên cũng đều thừa nhận có chuyển thông tin của thí sinh là con em, người thân của mình cho ông Đức nhưng chỉ là nhờ xem trước điểm thi, không nhờ nâng điểm và cũng không trao đổi, hứa hẹn gì về tiền bạc, lợi ích vật chất khác.

Tin cùng chuyên mục