Xét xử vụ sai phạm liên quan cao tốc TPHCM - Trung Lương

Hôm nay 14-12, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ sai phạm trong chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. 
Sửa chữa các khe co giãn trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh minh họa
Sửa chữa các khe co giãn trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Ảnh minh họa

Trong vụ án này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (SN 1971, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) bị xét xử về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Các bị cáo Đinh La Thăng (SN 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT), Nguyễn Hồng Trường (SN 1957, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT) cùng 5 bị cáo khác bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

12 bị cáo giúp sức cho hành vi phạm tội của Đinh Ngọc Hệ cũng bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bộ GTVT tham gia phiên tòa với tư cách bị hại. Hội đồng xét xử cũng triệu tập 24 đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có Bộ Tài chính, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Công ty cổ phần BOT Việt Trì, Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1…

Dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (giai đoạn 1) được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (gọi tắt là Đề án) để hoàn trả ngân sách Nhà nước kinh phí đã đầu tư cho dự án.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, xuất phát từ động cơ cá nhân, bị cáo Đinh La Thăng đã điện thoại cho lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, được giao tiếp nhận Đề án) giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận đề án, sau đó tạo điều kiện cho công ty của bị cáo Hệ trúng đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Xuyên suốt quá trình triển khai xây dựng Đề án, quy chế bán đấu giá quyền thu phí, tổ chức bán đấu giá và quản lý việc thực hiện hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, các bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường cùng đồng phạm ở từng cương vị, từng giai đoạn đã làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Cụ thể là quyết định cho đơn vị trúng thầu thanh toán làm 3 lần (quy định là 2 lần); xây dựng giá khởi điểm và phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá khi không thành lập hội đồng định giá tài sản; không tiến hành kiểm tra năng lực thực tế của đơn vị tham gia đấu thầu; tổ chức bán đấu giá, phê duyệt kết quả bán đấu giá là tài sản Nhà nước khi chỉ có 1 người tham gia…
Sau khi mua được quyền thu phí và khai thác thu phí, bị cáo Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi trái pháp luật để che giấu doanh thu thu phí thực tế. Thông qua việc can thiệp vào phần mềm quản lý thu phí nhằm điều chỉnh chương trình soát vé, làm cho những thông tin về việc thu phí không được kiểm soát, Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm chiếm đoạt khoản tiền chênh lệch hơn 725 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, toàn bộ hành vi gian dối của Đinh Ngọc Hệ được thực hiện xuất phát từ hành vi vi phạm quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.

Tin cùng chuyên mục