Xin trích lục khai tử cũng bị “hành”

Bà Trương Thị Kim, ngụ tại phường 1 (quận 3) vừa có đơn gửi đến Báo SGGP phản ánh việc bị Phòng Tư pháp quận 3 đưa ra những thủ tục bất hợp lý trong việc cấp trích lục giấy khai tử của ông ngoại bà đã chết vào năm 1981.

Theo trình bày của bà Kim, đầu tiên bà đến UBND phường 1 nộp đơn xin trích lục và được nơi đây hướng dẫn lên Phòng Tư pháp quận vì sổ bộ không còn lưu giữ tại phường. Tiếp nhận hồ sơ tại Phòng Tư pháp quận 3 là một nữ cán bộ tên Nguyễn Thị Thu Trang. Sau khi xem qua hồ sơ, bà Trang ghi vào giấy biên nhận: “Trương Văn Ph. chết 1981, đề nghị cung cấp hộ khẩu năm 1976 (có xác nhận xóa hộ khẩu)”. Mặc dù bà Kim nói rõ việc hộ khẩu năm 1976 đã bị thu hồi để cấp sổ hộ khẩu mới, song bà Trang vẫn yêu cầu phải bổ sung những thủ tục trên mới trích lục được.

Trở lại UBND phường 1, bà Kim được nơi đây giới thiệu lên Công an quận 3 xin photocopy hộ khẩu gốc năm 1976. Tuy nhiên, Công an quận 3 lại tiếp tục giới thiệu bà lên Sở Tư pháp TPHCM vì nơi đây mới có thẩm quyền xác nhận giấy tờ liên quan đến nhân thân của người đã chết. Tại Sở Tư pháp TPHCM, bà Kim được giải thích là chỉ cần làm đơn xin trích lục giấy khai tử, nêu rõ địa chỉ cư trú khi còn sống cùng ngày, tháng, năm mất là đủ! Bà Kim ngao ngán nói: “Thủ tục hướng dẫn mỗi nơi một kiểu thế này thì quả là đánh đố nhau”.

Kiểm tra lại Bộ thủ tục hành chính chung áp dụng tại các UBND quận, huyện trên địa bàn TPHCM, chúng tôi thấy Quyết định 3492/QĐ-UBND của UBND TPHCM quy định về cấp bản sao hộ tịch từ hồ sơ gốc, phần thủ tục khai tử chỉ cần nộp đơn yêu cầu sao lục (đối với trường hợp không còn giấy tờ liên quan) gửi phòng tư pháp quận huyện là được xem xét giải quyết. Tại Điều 10, Nghị định 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18-5-2007 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính cũng không quy định phải có hộ khẩu lúc còn sống. Nghị định này còn nói rõ, những trường hợp không cần xác minh sẽ được xem xét cấp trích lục giấy khai tử ngay trong ngày.

Thay vì được tận tình hướng dẫn làm đúng thủ tục ngay tại Phòng Tư pháp quận 3, bà Kim phải mất thời gian cả tuần đi lại từ quận về phường rồi lại lên quận và sau cùng là TP mới tìm ra “lời giải” cho việc cấp trích lục giấy khai tử cho người thân. Không rõ có phải do cán bộ thụ lý phòng tư pháp quận không hiểu các quy định và nghị định của Chính phủ hay là vì sự tắc trách khiến việc xin trích lục khai tử tưởng chừng đơn giản cũng bị “hành”!

MINH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục