Cơn sốt Vietlott
* Cơn sốt Vietlott - Nhộn nhịp thử vận may
Lâu nay, vé số truyền thống đóng góp khoảng 1/4 ngân sách địa phương. Nhiều công trình phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục có được cũng từ nguồn thu này. Thế nhưng, Vietlott được “độc quyền” ra đời từ ngày 18-7-2016 đến nay, trong đó có bóng dáng của nhà đầu tư nước ngoài, với 5 lần trúng lớn trong vòng hơn 1 tháng… khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Nhiều câu hỏi quanh tỷ lệ trúng số Vietlott
Mới 9 giờ, một đại lý bán vé số Vietlott trên đường Dương Bá Trạc (quận 8) không khí khá rôm rả. Cách nay chừng 2 tháng, khi chưa có ai trúng giải, chỉ thấy một người bán vé, nhưng nay phải tăng thêm người quản lý. Hiện nay, việc bán số chia làm 2 ca trong ngày, doanh số gần 10 triệu đồng/ngày, gấp đôi trước đây.
Một nhân viên ở đây nhận xét, chi phí không đáng kể, lớn nhất là tiền thuê mặt bằng, còn bộ thiết bị để nhập số chọn và in ra vé là đắt nhất, phải trả cho công ty 25 triệu đồng. Thêm một điều khoản khác là ứng trước 70 triệu đồng cho công ty, giống như tiền thế chân, sẽ trừ dần vào số vé đã bán ra. Lãnh đạo một đại lý lớn của Vietlott cho biết, lúc trước phải bù lỗ, vì chưa có người trúng số nên không hấp dẫn; còn nay tốc độ tiêu thụ khá nhanh. Các tỉnh miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi… mặc dù chưa có đại lý chính thức nhưng có thể mua vé số Vietlott một cách dễ dàng từ người bán vé số dạo, hoặc tại các sạp ven đường bày bán cùng với các đại lý vé số truyền thống!
Nhiều người bán vé số dạo bán vé số điện toán. Ảnh: QUÝ NGỌC
Chỉ hơn 1 tháng qua, người trúng xổ số Vietlott liên tục, mỗi lần trúng trên 50 tỷ đến gần 100 tỷ đồng, khiến cộng đồng… phát sốt. Nhưng cũng không ít người đặt dấu hỏi, những thông tin trúng số ấy có thật không? Bởi những người được công bố trúng số đều bị bịt mặt, không công bố tên. Thông tin có được là do Vietlott đưa ra, không ai rõ sự thật. Chỉ duy nhất người trúng đầu tiên được công bố tên tuổi, địa chỉ, nhưng nay cũng đã… rời khỏi địa phương!
Vietlott làm nảy sinh chuyện bi hài vì trong nhà “lục đục” lẫn nhau. Cho rằng Vietlott ảnh hưởng không nhỏ đến xổ số truyền thống, nên vừa qua 21 công ty xổ số các tỉnh phía Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài chính. Thật bất ngờ, ngay sau đó Bộ Tài chính cử 9 đoàn thanh tra vào… thanh tra các công ty xổ số các tỉnh miền Nam. Sự việc này có thể dẫn đến ít nhiều sự thật được hé mở: vé số truyền thống vì sao lâu nay bị dư luận dị nghị “bán nhiều trúng ít”.
Còn các hoạt động của Vietlott có lẽ phải “chờ hồi sau sẽ rõ”, tức là trông chờ vào báo cáo tài chính cuối năm nay… Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần liên hệ xin số liệu nộp thuế của người trúng số để giải đáp thắc mắc cho công luận, nhưng cơ quan thuế vẫn cho rằng đó là “bí mật”, trong khi đó, những doanh nghiệp khác nợ thuế thì cơ quan thuế công khai ngay trên mạng.
“Thua cuộc” bất động sản, thành nhà đầu tư xổ số?
Lợi nhuận “khủng” từ các công ty xổ số kiến thiết truyền thống đã rõ, nhưng với hoạt động cờ bạc, Nhà nước không khuyến khích, công ty xổ số phải 100% vốn nhà nước. Và Vietlott ra đời, trực thuộc Bộ Tài chính, thế nhưng chẳng hiểu vì sao lại có bóng dáng của một tập đoàn nước ngoài: Tập đoàn Berjaya, đến từ Malaysia, là ông trùm bất động sản trong khu vực.
Bí ẩn yếu tố ngoại được lãnh đạo Bộ Tài chính và Vietlott giải đáp một phần, cũng là lần đầu tiên trong buổi họp báo ngày 23-11: Vietlott ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Berjaya (Malaysia), trị giá hơn 210 triệu USD. Theo đó, Berjaya có trách nhiệm đầu tư mua sắm thiết bị và vận hành hệ thống kỹ thuật, trang thiết bị, phần mềm xổ số điện toán tại Việt Nam… Đối tác được hưởng lợi trên doanh thu đảm bảo bù đắp chi phí bỏ ra; chuyển giao cho Vietlott sau 18 năm, khi hợp đồng kết thúc. Về tỷ lệ ăn chia, theo lãnh đạo Bộ Tài chính đây là “thông tin mật”.
Như vậy có 3 vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, một thiết bị đơn giản là xổ số mà chỉ “trả trước 25 triệu đồng, rồi ứng trước tiền” như trên đã nói, nhưng “dan díu” với nhau 18 năm, liệu có quá dài và quá phức tạp nếu so sánh với các ngành công nghệ cao khác? Thứ hai, xổ số cũng là một kênh thu hút nguồn lực quốc gia, nhưng lại không tổ chức đấu thầu, liệu cách làm này có khách quan, minh bạch và bảo đảm không thất thoát tiềm lực đất nước? Tiếp nữa, việc thụ hưởng của Tập đoàn Berjaya là làm kinh tế đơn thuần, không phải an ninh - quốc phòng, nên không thể gọi là “mật”, giấu kỹ!
Một câu hỏi khác thu hút sự chú ý của dư luận không kém, Berjaya là ai?
Còn nhớ, cách nay 8 năm, năm 2008 thị trường bất động sản Việt Nam bị choáng ngợp bởi sự xuất hiện của Tập đoàn Berjaya. Đầu tiên là dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 2-2008 với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD, tọa lạc trên khu đất hơn 8,1ha, nằm giữa 3 trục đường Cao Thắng (nối dài), Ba Tháng Hai và Lê Hồng Phong (quận 10). Cũng trong năm 2008, TP tiếp tục trao thêm giấy chứng nhận đầu tư dự án “Khu đô thị - Đại học quốc tế Berjaya” (VIUT), có tổng mức đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD, tọa lạc trên khu đất rộng 925ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc TPHCM.
Thế nhưng, cho đến nay, 2 đại dự án này đi đến đâu? Dự án VFC vẫn như cũ, chỉ khác là thêm phần mở rộng diện tích làm… bãi giữ xe! Hiện chưa có dấu hiệu nào bắt tay thực hiện đầu tư dự án bài bản. Còn dự án VIUT, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM: “Cách nay 2 tháng, UBND TP có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại năng lực của chủ đầu tư, tại sao dự án để quá lâu mà không triển khai. Nếu chủ đầu tư không có khả năng thực hiện thì tiến hành thu hồi lại giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt việc đầu tư dự án”.
Như vậy, trong khi Berjaya xí đất rồi trùm mềm thì nay họ lại “nổi” lên với trò chơi trúng thưởng…
|
LƯƠNG THIỆN - HÀN NI