Xóa nợ thuế không khéo sẽ dễ bị lợi dụng

Quy định xóa nợ thuế trong Luật Quản lý thuế nhằm hạn chế áp lực về nợ không có khả năng thu hồi, nhưng vẫn tính tiền chậm nộp. Tuy nhiên, quy định này có nhiều nội dung gây lo ngại về nguy cơ kẻ xấu sẽ lợi dụng giải thể doanh nghiệp để né thuế - nhất là khi việc thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng, chỉ tốn 1 - 3 ngày như hiện nay!
Asanzo trong KCN Vĩnh Lộc, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ
Asanzo trong KCN Vĩnh Lộc, TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Quá dễ để lợi dụng chính sách, không phải nộp thuế 

Theo quy định, trong 7 nhóm đối tượng được xử lý khoanh nợ, xóa nợ thuế thì chỉ một số nhóm đối tượng được nhiều người tán đồng như xóa nợ thuế cho người nộp thuế đã chết, bị tòa án tuyên bố đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.

Thế nhưng, một số nhóm đối tượng khác khiến nhiều người lo lắng sẽ dễ bị đối tượng xấu lợi dụng chính sách, không phải nộp thuế. Chẳng hạn như khoanh nợ, xóa nợ cho đơn vị có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh đã thông báo người nộp thuế đang làm thủ tục giải thể trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành thủ tục giải thể; người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý thuế đã phối hợp với UBND cấp xã, phường, thị trấn - nơi người nộp thuế có trụ sở hoặc địa chỉ liên lạc để kiểm tra, xác minh thông tin người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế; người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề…

Nếu doanh nghiệp chỉ mới gửi thông báo làm thủ tục giải thể, hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng được khoanh nợ, xóa nợ thì chắc chắn sẽ không ít doanh nghiệp nợ thuế tuyên bố giải thể hoặc càng làm gia tăng lượng doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, vốn đang bát nháo hiện nay. Trong khi đó, lẽ ra đối với doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh mà có nợ thuế thì phải có quy định phối hợp với công an để truy tìm chủ doanh nghiệp đòi nợ hoặc có cảnh báo đủ để doanh nghiệp đó không thể đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, tránh trường hợp kẻ gian lợi dụng chính sách làm xấu thị trường. Nếu vậy, quy định xóa nợ thuế cho doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh sẽ làm cho chính sách quản lý nhà nước trở nên bất lực, hợp pháp hóa việc trốn thuế của kẻ gian.

Bởi thực tế hiện nay, có số nợ tính đến hết quý 3-2019 lên đến hơn 88.250 tỷ đồng (tăng 8,2% so với cùng kỳ). Và theo quy định này thì tiền nợ thuế không còn khả năng thu nộp ngân sách đến gần 43.000 tỷ đồng, chiếm gần 1/2 tổng số tiền nợ thuế. Thời gian qua, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc, nhưng chỉ thu được hơn 27.650 tỷ đồng nợ thuế (trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 17.650 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ hơn 10.000 tỷ đồng).

Rối thị trường

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì thủ tục đăng ký kinh doanh hiện nay rất đơn giản, chỉ cần khai theo mẫu, nộp trong vòng 1 - 3 ngày là được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thậm chí, cơ quan cấp giấy chứng nhận chỉ kiểm tra tính hợp lệ (đủ loại giấy tờ) chứ không có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ (có nghĩa hồ sơ gian, giả vẫn được cấp), khiến nhiều người lợi dụng lấy chứng minh nhân dân của người khác đăng ký thành lập doanh nghiệp “ma”, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Nếu nay với quy định khoanh nợ, xóa nợ thuế cho doanh nghiệp bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh thì càng khuyến khích kẻ gian lộng hành. 

Theo dự thảo nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế có tiền nợ thuế (bao gồm cả tiền phạt, tiền chậm nộp) phát sinh trước ngày 1-7-2020 nhưng không có khả năng nộp thuế, mặc dù có quy định người đã được xóa nợ nhưng sau đó quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa.

Thế nhưng, thực tế nhiều vụ án kinh doanh như Asanzo, Alibaba đều thành lập doanh nghiệp “ma” do người thân đứng tên. Do vậy, quy định này sẽ không khó để kẻ gian “lách” bằng cách thuê người khác, nhờ người thân đứng tên nếu bản thân họ đã được xóa nợ thuế.

Nguyên tắc được quy định tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế là nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, nhưng quan trọng là làm sao phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi và cố tình chây ỳ, nợ thuế… mới là điều quan trọng. Bởi trong số tiền nợ thuế, chiếm nhiều nhất là tiền nợ thuế của doanh nghiệp, cá nhân đã bỏ địa chỉ kinh doanh với gần 24.200 tỷ đồng.

Dự thảo nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Do vậy, Quốc hội cần xem xét từ thực tế doanh nghiệp “ma” hiện nay để có quyết định phù hợp, làm sao để xử lý dứt điểm tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu hồi, nhưng qua đó cũng phòng ngừa được kẻ gian trục lợi từ chính sách.

Tin cùng chuyên mục