Trong bối cảnh lúa gạo tồn đọng lớn, giá cả sụt giảm mạnh, cuộc sống hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL gặp khó khăn, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng nhiều chuyên gia xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở ĐBSCL là vấn đề rất cần thiết hiện nay.
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả
Thực tế hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng rất lớn bắp và đậu nành để phục vụ cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này đã và đang chạy đua với xuất khẩu gạo. Thống kê của các ngành chức năng cho thấy, những năm qua, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,5-1,7 triệu tấn bắp hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành, 600.000 tấn hạt đậu nành và một số nguyên liệu khác, tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 3,4 tỷ USD, gần bằng với tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (năm 2012 hơn 3,7 tỷ USD). Trong khi các mặt hàng này, Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, hoàn toàn có điều kiện sản xuất và khả năng đáp ứng.
PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận: Sau đợt khủng hoảng lương thực năm 2008, rất nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng việc đảm bảo an ninh lương thực. Tại châu Phi, nhiều nước đã và đang cố gắng tự túc lương thực. Trong khi đó tại khu vực Đông Nam Á có sự đầu tư, phát triển vượt bậc trong việc trồng lúa, vươn ra xuất khẩu. Các nước nhập khẩu lúa gạo đã bắt đầu tự sản xuất. Thị trường xuất khẩu lúa gạo dự báo sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.
ĐBSCL có khả năng phát triển trồng bắp tốt trên diện tích lúa kém hiệu quả khoảng 200.000-250.000ha và 350.000ha đậu nành trong vụ xuân hè và hè thu sớm. Thị trường tiêu thụ dồi dào, nhất là nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc chuyển đổi phải triển khai quy mô, đồng loạt, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, đặc biệt là đặt trong mối liên kết 4 nhà.
Theo PGS-TS Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), không phải loại cây nào cũng trồng trên đất lúa kém hiệu quả được. Bắp, đậu nành làm ra nhưng giá thành cao hơn giá nhập khẩu thì không thể bền vững được. Nhà nước sớm quy hoạch vùng phát triển từng loại cây trồng cụ thể, thời vụ trồng thích hợp, gắn với giải pháp tiêu thụ. Tổ chức liên kết nông dân hình thành các cánh đồng lớn; có chính sách cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm…
Chuyển đổi phải đảm bảo đầu ra
Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cho rằng, việc chuyển đổi sản xuất các loại rau màu, nhất là bắp lai và đậu nành trên đất lúa đối với diện tích nhỏ thì tương đối dễ và hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, khi triển khai trên diện rộng phải hết sức thận trọng, đặc biệt là phải đảm bảo đầu ra.
Ông Phạm Văn Bên, Ủy viên thường vụ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, “Với các nước tiên tiến, 1 nông dân với sự hỗ trợ của cơ giới hóa và chỉ cần hơn 20 lao động thì có thể canh tác 400 – 500ha đậu nành với giá hết sức cạnh tranh so với đậu nành Việt Nam.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) lưu ý là hiện nay, nông dân trồng đậu nành trong nước phải bán với giá 17.000-18.000 đồng/kg hạt mới có lãi, trong khi các doanh nghiệp nhập về chỉ có 12.000-13.000 đồng/kg. Điều này giải thích vì sao diện tích đậu nành trong nước giảm rất mạnh trong vài năm qua, cụ thể như tỉnh Đồng Nai giảm từ 30.000ha năm 2005 xuống còn 500ha hiện nay.
Trong khi đó, ông Trần Lâm Sinh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, cho biết cây bắp có thể cho năng suất cao (8 tấn/ha), nhưng giá bắp trong nước vẫn luôn cao hơn giá nhập khẩu khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: Chúng ta thống nhất chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất lúa (ưu tiên đất kém hiệu quả). Chủ trương này đã có từ lâu, nhưng thời điểm hiện tại là bức xúc nhất. Đây là quá trình đồng bộ, xuất phát từ cung cầu thị trường chứ không phải chuyển đổi bằng mọi giá.
| |
BÌNH ĐẠI