Xói lở ven biển Quảng Nam: Giải pháp từ… thượng nguồn

Tan hoang ven biển
Xói lở ven biển Quảng Nam: Giải pháp từ… thượng nguồn

Nhiều tháng qua, khu vực ven biển huyện Duy Xuyên và TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) liên tục bị sóng biển ăn sâu vào đất liền, phá hoại nhiều công trình, nhà cửa. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã mời các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu tìm kiếm giải pháp chống xói lở ven biển. 

Nhân dân tại bãi tắm Cửa Đại dùng bao cát để ngăn sóng.

Tan hoang ven biển

Sau 3 tháng bị sóng biển xâm thực, bãi biển Hội An, nằm phía Bắc Cửa Đại, bị xâm thực nặng nề. Bãi biển bị sóng xâm thực sát vào đường Âu Cơ, con đường ven biển với nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp. Bãi biển Cửa Đại bị sóng xóa sổ, những hàng dừa cũng bị sóng đánh đổ sập. Những nhà hàng ven biển Hội An hướng về phía bãi tắm An Bàng, cũng bị sóng biển xâm hại. Chỉ có vài tháng mà nay bãi biển Hội An, bãi tắm Cửa Đại, ngày nào giờ không thể nhận ra. Sóng đánh vỡ nhiều đoạn kè, cuốn trôi nhiều công trình. Rừng dừa chắn sóng, chắn cát ven biển cũng bị sóng đánh bật gốc nằm chỏng chơ. Một đoạn dài chừng 500m, chính quyền Hội An đang cho các đơn vị thi công dùng cừ sắt Lastsen đóng theo hàng dài ngoài mép biển để chắn sóng. Phía trong, những bạt ngăn nước và hàng chục ngàn bao cát loại lớn được dựng nên để tạo thành bờ kè nhằm chặn đứng tình trạng xâm thực. Thế nhưng, sóng cao chừng 7m cứ đập phá khiến nhiều điểm bờ cừ sắt bị xiêu vẹo. Nhiều bao cát nặng hàng tấn cũng bị sóng biển cuốn trôi. Biển Cửa Đại dài hàng cây số còn lại là những vực thẳm.

Trong khi đó, tại phía Nam Cửa Đại, người dân thôn Trung Phường, xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cũng ngày đêm nơm nớp lo sợ vì sóng biển ngày càng lấn sâu vào khu dân cư. Người dân nơi đây cho biết, bao đời nay người dân sống nhờ nghề kéo rớ và đi biển nhưng mấy tháng trở lại đây biển xâm thực nặng khiến nhiều người thất nghiệp. Sóng biển ngày càng ăn sâu vào khu dân cư khiến người dân hết sức lo lắng. Để ngăn sóng biển xâm thực, người dân đã dùng bao cát để chắn sóng nhưng không chống lại được sóng biển. Khoảng vài cây số bờ biển đoạn qua thôn Trung Phường, mỗi năm biển ăn sâu vào đất liền hàng chục mét, xóa sổ rừng phi lao chắn sóng.

Nguyên nhân do hồ thủy điện

 

* PGS-TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), cho biết:

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thời gian từ năm 1978 đến 2001, module bùn cát trung bình trên thượng nguồn sông Thu Bồn tại trạm thủy văn Nông Sơn là 422 tấn/km²/năm. Với diện tích lưu vực là 3.155km², tổng lượng phù sa mà sông Thu Bồn đổ ra biển trong 1 năm là 1.331.410 tấn. Nếu mật độ trung bình của phù sa khô là 2,65 tấn/m3 thì lượng phù sa tương đương 502.419m³.

Qua đó có thể thấy rằng, các hồ chứa trên thượng nguồn của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã chặn một lượng rất lớn bùn cát và gây thiếu hụt nghiêm trọng bùn cát tại cửa sông. Do thiếu hụt bùn cát cung cấp cho khu vực bờ biển gây ra hiện tượng xói lở bờ biển.

 

Theo GS-TS Hitoshi Tanaka (Trường Đại học Tohoku, Nhật Bản) nhận định, một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở bờ biển Cửa Đại đó là do xây dựng quá nhiều các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn gây thiếu hụt nguồn cát. Nguyên nhân này có những nét tương đồng với hiện tượng xâm thực bờ biển biển ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác cát ở trên sông, cửa sông, cửa biển cũng góp phần gây mất cân đối bùn cát. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề này, bằng nhiều cách cần bổ sung lại khối lượng bùn cát bị thiếu hụt do hồ chứa thủy điện chặn ở phía thượng nguồn và do hoạt động khai thác cát ở cửa sông, cửa biển gây ra. Hiện nay Nhật Bản đã áp dụng hiệu quả việc bổ sung bùn cát ở bờ biển.

PGS-TS Trần Thanh Tùng (Khoa Kỹ thuật Biển, Trường Đại học Thủy lợi) cũng đồng quan điểm với GS-TS Hitoshi Tanaka khi xác định nguyên nhân của hiện tượng sạt lở bờ biển Hội An. PSG-TS Trần Thanh Tùng cũng bác bỏ quan điểm cho rằng nguyên nhân chính của hiện tượng xâm thực bờ biển Cửa Đại là do biến đổi khí hậu. Bởi lẽ, theo PGS-TS Tùng, biến đổi khí hậu diễn ra trong thời gian rất dài, trong khi hiện tượng sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn ra rất đột ngột và liên tục trong một thời gian ngắn. Vì vậy, nguyên nhân là do thiếu hụt một lượng lớn bùn cát do các thủy điện chặn ở phía thượng nguồn. Khi thiếu hụt lượng lớn bùn cát ở ven biển khiến sóng tiến sát vào gần bờ hơn và nó phá hủy công trình là thấy rất rõ.

PGS-TS Trần Thanh Tùng cho biết thêm, hiện tượng xói lở bờ biển lan dần từ phía Nam ra phía Bắc, vì vậy nếu không có những giải pháp đồng bộ và lượng bùn cát tiếp tục bị mất đi thì hiện tượng xói lở tiếp tục phát triển về phía Bắc và các bãi biển của Đà Nẵng cũng không thể thoát khỏi.

Để khắc phục tình trạng biển xâm thực, PSG-TS Trần Thanh Tùng cho rằng, cần nghiên cứu áp dụng giải pháp công trình kết hợp với nuôi bão để giảm năng lượng sóng, giảm lượng bùn cát thất thoát, tái tạo nhanh bãi biển.

Ngoài ra, PGS-TS Trần Đình Thành (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi) cho rằng, việc nạo vét cửa sông để thông dòng chảy mà các tỉnh miền Trung hiện nay đang thực hiện cũng góp phần gây thiếu hụt bùn cát khiến hiện tượng xói lở bờ biển càng thêm nghiêm trọng. Theo PGS-TS Trần Đình Thành, nếu nạo vét bùn cát để thông luồng, thông dòng chảy sau đó lấy bùn cát đấy bù lại những điểm thiếu hụt thì mới khoa học, trong khi hiện nay nhiều địa phương nạo vét thông luồng, thông dòng chảy xong lại mang cát đi bán cho nước ngoài thì đó là việc làm phản khoa học.

Ven biển Quảng Nam vẫn tiếp tục bị xâm thực, phá hoại nhiều công trình, tài sản của người dân bởi nguyên nhân từ phía thượng nguồn. Giải pháp các nhà khoa học đưa ra là “bù lại lượng bùn cát cho vùng ven biển” nhưng vấn đề ở chỗ, làm sao để bù lại lượng bùn cát bị thiếu khi các thủy điện nằm chặn ở phía thượng nguồn?

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục