Xới tung ruộng đồng vì “giấc mộng vàng”

Xới tung ruộng đồng vì “giấc mộng vàng”

Việc khai thác vàng sa khoáng trái phép diễn ra công khai dọc các con suối Đắk Ploc (thôn Đắk Ôn), Đắk Tu và Đắk Long (đoạn qua thôn Đắk Ác, cùng thuộc xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, Kon Tum) khiến hơn 11ha lúa và cà phê đã bị nuốt chửng; đi cùng với đó là đất đai bị cày xới nham nhở, bỏ hoang. Ngành chức năng nhiều lần truy quét nhưng bị “vàng tặc” chống đối, uy hiếp nên cũng bất lực.

Khai thác công khai

Men theo con đường bê tông nằm dọc con suối Đắk Ploc, chúng tôi bắt gặp ổ “vàng tặc” đầu tiên nằm ngay trên ruộng lúa, cách con đường khoảng 50m. Đó là những hố sâu 3m, ngang 4m bị “vàng tặc” đục khoét. Một nhóm phu vàng đang hì hục dí vòi xuống đáy hố đất để bơm hút đất đá, nước đổ lên giàn lọc. Đất đá sau khi được sàng lọc đem vứt tung tóe xuống lòng sông hay vào các ruộng lúa ngay bên cạnh, khiến nhiều vạt lúa bị gãy đổ ngã rạp. Cách đó 200m, chúng tôi lần lượt bắt gặp thêm 2 điểm khai thác vàng khác nằm dọc ngay con suối đang bị hàng chục “vàng tặc” đào bới. Cạnh đó, những thửa ruộng tan hoang, đất đai nứt nẻ do bị các hố vàng gạn hết mạch nước ngầm nên phải bỏ hoang. Tiếng động cơ máy hút gầm rú làm rung chuyển vùng núi đồi.

Các phu vàng tại điểm khai thác vàng sa khoáng của ông P.

Càng vào sâu trong thôn, những bãi đất đá trắng xóa vừa bị “vàng tặc” cày xới nham nhở lồ lộ hiện ra. Chỉ tay vào bãi đất trống gồ ghề phía trước nhà, già A Đan (thôn Đắk Ôn) nói: “Mảnh đất đó trước đây được người trong buôn trồng lúa nước. Cũng nhờ nó mà nhiều nhà ăn nên làm ra, lúa chất đầy kho. Đến khi cơn sốt vàng bùng phát, người trong làng rủ nhau phá ruộng tìm vàng. Trong những cuộc họp, già đã khuyên người dân từ bỏ việc khai thác nhưng họ không nghe. Vì thế đất đai bị cày xới tan hoang, giờ chưa trồng được cây gì hết. Nhìn xót cả ruột”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc suối Đắk Long chỉ có Công ty cổ phần Thép Đông Á được cấp phép khai thác nhưng gần đó có 10 điểm khai thác vàng trái phép khác của người dân đua nhau hoạt động. Tiếp cận điểm khai thác vàng của ông Ph. (thôn Đắc Ác, xã Đắk Long) chúng tôi thấy một giàn máy hút đang gạn những lớp đất đá dưới hố đất sâu đưa lên giàn tuyển. Dưới hố, một tốp phu vàng là người địa phương tuổi từ 18 đến 30 vô tư cày xới, khoét sâu xuống lòng đất mà không cần quan tâm đến sự có mặt của người lạ. Thậm chí khi chúng tôi ghi hình, có phu vàng vui tính đưa tay tạo dáng để chụp ảnh. Hỏi chuyện một phu vàng, người này cho biết đất của họ nên họ làm chứ không xin ai cả. Càng vào sâu, chúng tôi tiếp tục bắt gặp những điểm khai thác vàng của ông S., ông M. (thôn Đắc Ác) đang hoạt động kỹ thuật hút xịt như những điểm khai thác vàng trái phép thủ công trước đó. Điều đáng nói là những điểm này nằm ngay con đường liên xã Đắk Long ra Đắk Môn (huyện Đắk Glei) nhưng “vàng tặc” vẫn ngang nhiên khai thác như chỗ không người.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phụ trách kỹ thuật Công ty cổ phần Thép Đông Á cho biết: “Họ khai thác rất ngang nhiên, chẳng nể nang gì chúng tôi cả. Tại xã Đắk Long, hiện có từ 7 đến 10 đội khai thác vàng của người dân trên phần diện tích được cấp phép của công ty với khoảng 30% - 40%. Dù công ty đã chủ động thỏa thuận mua lại máy móc để họ bàn giao diện tích đang làm nhưng người dân không hợp tác, chúng tôi cũng đành chịu”.

Bất lực

Ông A Hiêng, Xã đội trưởng xã Đắk Long, thừa nhận sự bất lực trong việc ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép. Theo ông A Hiêng, phong trào đào vàng ở địa phương xuất hiện từ năm 2008 với người khởi xướng là vợ chồng bà Y Bông. Hai năm sau, việc khai thác vàng trái phép nở rộ với rất nhiều hộ dân tham gia. Hiện tại, vào cao điểm có khoảng 15 nhóm hoạt động khai thác, ít thì 4 đến 5 nhóm (mỗi nhóm từ 6 đến 10 người). Địa điểm khai thác diễn ra ở các con suối Đắk Ploc, Đắk Tu, Đắk Long. Tham gia khai thác vàng đa phần là người dân trong xã, số còn lại ở nơi khác đến mua đất làm. Đặc biệt, trong số những người đào vàng có người thân của một số vị lãnh đạo xã. “Chúng tôi đã mời những cán bộ trên lên xã phê bình nhắc nhở. Thế nhưng những người này vòng vo, phân bua rằng người thân họ làm chứ không phải họ. Còn việc người dân làm vàng, chúng tôi nhiều lần tuyên truyền, họ cũng đã viết cam kết nhưng rốt cuộc vẫn tái phạm. Bây giờ họ cố ý làm liều, không chấp hành nên chịu thôi”, ông A Hiêng nhấn mạnh.

Cùng tâm trạng, ông A Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, cũng tỏ ra bất lực dù đoàn liên ngành của huyện nhiều lần truy quét. Ông A Phương nói: “Chúng tôi bị vàng tặc vây ráp, tấn công, đe dọa. Tính ra đã có 3 lần họ chống đối như thế. Chúng tôi không làm được gì”. Theo hồ sơ, lần thứ nhất vào cuối tháng 12-2011, khi đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tổ chức truy quét tại thôn Đắk Ôn thì bị những người làm vàng cầm dao truy đuổi, đập kính xe. Sau đó mấy ngày, đoàn tiếp tục truy quét ở con suối Đắk Tu cũng bị nhóm làm vàng huy động thanh niên làng bắt trói 3 cán bộ mang về sân bóng. Lần gần đây nhất vào tháng 4-2015, ông A Phương dẫn đầu đoàn liên ngành đến điểm khai thác vàng tại thôn Long Yên, xã Đắk Long của bà Y Bông và ông A Bi (cùng trú thôn Đắk Ôn) làm chủ. Khi đoàn tịch thu phương tiện đưa lên xe thì bị một nhóm “vàng tặc” là dân nghiện lao ra ngăn chặn, chửi bới đoàn. Một số người nhảy lên xe đập móp thành ôtô để “giải cứu” máy móc, số khác chặn đường lớn tiếng đe dọa. Trước tình hình đó buộc đoàn phải rút lui. Tất cả những vụ chống đối trên đều chỉ dừng lại ở mức… kiểm điểm.

Mất đất sản xuất

Trong số những người tham gia khai thác vàng trái phép, có người trúng vàng nhưng cũng có người thất bại. Thực tế là số người trúng vàng không nhiều, trong khi cái giá phải trả cho việc khai thác vàng trái phép để lại quá lớn. “Ở thôn Đắk Ác, Đắk Ôn đã có 11ha lúa và cà phê bị lật tung để khai thác vàng. Người dân khai thác cũng không hoàn thổ, để lại từng thửa đất bị đào bới nham nhở, nhiều nơi bỏ hoang, không trồng được cây gì. Người dân cũng bức xúc với những nhóm đào vàng trái phép vì việc khai thác đã làm nước đục trôi vào ruộng, gây hệ quả làm đất chai khiến nhiều thửa ruộng phải bỏ hoang. Rồi việc khai thác vàng trên đầu suối đã làm thay đổi dòng chảy, khiến nhiều đồng ruộng ở phía sau thiếu nước”, ông A Hiêng kể.

Trong khi đó, tại xã Đắk Môn, việc “vàng tặc” khai thác xong rồi bỏ đi đã làm mất đất sản xuất, gây sạt lở đất. “Địa phương phải nhờ Công ty cổ phần Thép Đông Á hoàn thổ, san bằng một số điểm. Đến nay có một số điểm người dân đã bắt đầu trồng bắp được rồi”, ông A Phương nói.

VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục