Xử lý hành vi chống người thi hành công vụ

Gần đây, liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương các vụ việc chống đối, cản trở, tấn công gây nguy hiểm cho những người làm nhiệm vụ giữ an toàn phòng dịch Covid-19, với các hành vi cự cãi, chửi bới, hành hung, dùng hung khí tấn công khi được nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt. Pháp luật quy định như thế nào về những hành vi bất hợp tác của những người này, và xử lý ra sao?
Hai đối tượng dùng mũ bảo hiểm, máy cưa tấn công lực lượng kiểm dịch. Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp
Hai đối tượng dùng mũ bảo hiểm, máy cưa tấn công lực lượng kiểm dịch. Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp

Theo Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP, hành vi chống người thi hành công vụ là “hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao, hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Cũng theo Điều 3, người thi hành công vụ được định nghĩa là “cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội”.

Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm về việc lăng mạ, hành hung, chống đối cơ quan chức năng, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền đang làm nhiệm vụ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy tố hình sự. Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Người có hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, có thể bị phạt tiền đến 3 triệu đồng. Thậm chí, bị phạt tiền đến 5 triệu đồng nếu có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ, gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ, hoặc đưa tiền, tài sản hay lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, nếu người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, hình phạt cao nhất mà người phạm tội có thể bị lãnh là 7 năm tù nếu phạm tội có tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2, Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.

Tin cùng chuyên mục