1- Khoảng một tuần qua, người dân tỉnh Quảng Bình vô cùng hoang mang trước thông tin ăn dưa chuột, dưa hấu tử vong ngay tại chỗ. Tin đồn lan từ xã này sang xã kia, dù chẳng chỉ ra được cụ thể gia đình nào có người chết, ở địa phương nào. Rõ là thiếu căn cứ nhưng người dân đều sợ, không dám ăn dưa. Nông dân trồng dưa bỗng dưng khốn đốn, giá mua dưa tại vườn đã giảm còn 2.000 – 2.500 đồng/kg.
2- Hồi tháng 4-2011, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện tin đồn ăn cá rô đầu vuông bị ung thư. 6 tháng trước đó đây còn là con “cá vàng”, người nuôi có lời đến 500 - 700 triệu đồng/ha. Xảy ra tin đồn, cá rô đầu vuông rớt giá, giá thành 25.000 - 26.000 đồng/kg nhưng người nuôi bán tại ao chỉ 19.000 đồng/kg, lỗ nặng.
3- Đầu tháng 12-2010 có tin đồn ăn cá kèo bị ung thư, khởi sự từ Bạc Liêu rồi lan khắp các tỉnh, thành lân cận. Con cá kèo hấp dẫn từng ngự trong các nhà hàng, tiệm ăn, bữa cơm gia đình, bỗng “gặp nạn”, giá chỉ còn một nửa, từ 40.000 – 50.000 đồng/kg giảm còn khoảng 20.000 đồng/kg. Cả người nuôi và thương lái đều gặp khó khăn. Nông dân loay hoay với số cá kèo quá lứa, còn thương lái không tìm được nơi tiêu thụ. Ông Phan Minh Quang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, lúc đó khẳng định, vì biết nông dân thường chờ giá cá tăng để thu hoạch đợt cuối trong năm nên kẻ xấu đã tung tin đồn thất thiệt nhằm “ép giá” cá xuống thấp.
4- Tháng 8-2010, rộ lên tin đồn ăn bưởi bị ung thư! Chỉ hơn một tháng nông dân trồng bưởi ở Tiền Giang bị thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Ở vùng chuyên canh hơn 1.000 ha bưởi lông Cổ Cò của huyện Cái Bè, giá bưởi đặc sản có lúc chỉ còn 1.000 đồng/kg, trong khi bình thường 8.000 - 10.000 đồng/kg. Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam phải liên tục tổ chức các cuộc hội thảo với nông dân và tiểu thương để đưa ra các chứng cứ khoa học khẳng định ăn bưởi VN không bị ung thư.
Có thể thấy nhiều vụ tin đồn thất thiệt, gây ra thiệt hại hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng cho nông dân và doanh nghiệp, gây bất an cho xã hội. Rồi sau đó trái bưởi, trái dưa, con cá… đều được minh oan nhưng người sản xuất cũng đã chịu thiệt hại. Chuyện tin đồn nhảm nhí như thế chẳng mới, nhưng lâu lâu lại thấy xuất hiện. Ở thời đại công nghệ số, tin đồn càng phát tán nhanh trên mạng, thông qua tin nhắn… Xuất hiện tin đồn nhảm có thể do người thiếu hiểu biết dựng lên, cũng có thể do những kẻ ác ý tung ra nhằm trục lợi, thậm chí có thể kẻ xấu tung tin nhằm gây thiệt hại kinh tế cho người khác. Cho dù vì mục đích gì, họ đều gây tác động tiêu cực đến xã hội bằng những tin hoang đường, vô lối.
Do vậy trước những tin đồn thổi như thế, người dân cần tỉnh táo hơn, không nên vội tin. Về phía các ngành chức năng, cần có những thông tin chính thống, kịp thời để giải tỏa tâm lý hoang mang trong dân chúng, giảm thiệt hại cho xã hội. Điều cần thiết, ngay khi xuất hiện tin đồn, cần sớm điều tra để có biện pháp xử lý kịp thời, truy tìm thủ phạm để xử lý theo pháp luật. Mọi công dân phải có trách nhiệm đối với xã hội đang sống, những người phát tán thông tin, nghe nói rồi nói lại cũng phải bị xử lý tùy mức độ. Đặc biệt, những cơ quan thông tấn báo chí đưa tin sai sự thật hoặc góp phần phát tán tin đồn thất thiệt, cũng phải xử lý nghiêm.
Lệ Thư