Chỉ xử lý được 12% - 13% nước thải
Theo Bộ Xây dựng, những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng các khu vực đô thị ở nước ta đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cũng như thương mại, kéo theo lượng nước thải ngày càng lớn. Cả nước hiện có 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị với tổng công suất khoảng 890.000m³/ngày đêm, đạt tỷ lệ xử lý chỉ khoảng 12% -13%. Hệ thống thoát nước đô thị được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau không hoàn chỉnh, đồng bộ; các tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp. Nước thải hầu như chưa được xử lý và xả thẳng vào nguồn tiếp nhận. Nhiều đô thị đang xây dựng, hoặc chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt hoặc nước thải được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại, sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường. Tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn rất thấp. Quá nhiều tuyến cống không đủ tiết diện đủ lớn để thoát nước; việc bê tông hóa kênh, mương cũng góp phần không nhỏ vào việc hạn chế thoát nước. Tình trạng ngập úng đô thị xảy ra liên tục tại TPHCM và Hà Nội mỗi khi mưa lớn là minh chứng rõ nhất cho những bất cập trong việc đầu tư hạ tầng xử lý nước thải đô thị hiện nay.
Bên cạnh đó, những hạn chế, bất cập trong nguồn lực đầu tư, lựa chọn các công nghệ phù hợp, nhận thức của cộng đồng cũng như khung chính sách đang là thách thức lớn. Nếu không được quan tâm đúng mức đến xử lý ni-tơ, phốt-pho trong nguồn nước, bùn xả thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng xả thải và chất lượng môi trường. Mặt khác, công tác cấp thoát nước và xử lý nước thải chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngân sách; trong khi hầu hết hệ thống cấp thoát nước đã sử dụng hàng chục năm đã xuống cấp, cần bảo trì, sửa chữa, thay mới. Để có nguồn vốn lớn đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải thật sự là thách thức vô cùng lớn. Theo TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TPHCM), sự phát triển nhanh tại các khu vực đô thị đã gây nên áp lực gia tăng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cũng như thương mại. Bên cạnh đó, lượng nước thải tính trên đầu người ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu dịch vụ xử lý nước thải, thoát nước thải gia tăng nhanh chóng. Nước thải chứa nhiều chất rắn, chất độc gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe con người. Trong khi đó, hạ tầng công trình xử lý nước thải hiện tại chưa đầy đủ. Ngoài ra, các đô thị ở Việt Nam cũng đang đối mặt với sự thiếu hụt về ngưồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân chưa mặn mà với các dự án này vì nhiều lý do.
Sớm đầu tư hạ tầng kỹ thuật - công nghệ
Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng nhưng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp là nguyên nhân chính khiến các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường cấp thiết. Một trong các vấn đề nổi cộm về môi trường đô thị là kiểm soát và xử lý nước thải đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt tại các đô thị ven biển. Mức độ gia tăng lượng nước thải tại các đô thị ngày càng cao, điển hình là Hà Nội và TPHCM. Nước thải đô thị hầu như chưa được xử lý hoặc mới xử lý được một phần nhỏ rồi xả thải trực tiếp ra ao hồ, kênh rạch, sông nội thành gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Vì vậy, đã đến lúc việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở các khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành. Cùng với đó, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững cũng cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước.
Cùng quan điểm đó, ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, đánh giá hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại nước ta hiện thiếu đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Tỷ lệ nước thải được xử lý còn thấp, phần lớn lượng nước thải chưa qua xử lý đang thải trực tiếp ra môi trường hoặc qua xử lý nhưng không đạt yêu cầu, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những hạn chế trong nguồn lực đầu tư, việc lựa chọn các công nghệ phù hợp, nhận thức của cộng đồng cũng như khung chính sách đang là thách thức lớn. Nếu không được quan tâm đúng mức đến xử lý ni-tơ, phốt-pho trong nguồn nước, bùn xả thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng xả thải, chất lượng môi trường. Đã đến lúc, việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở mọi khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành. Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài và bền vững, thiết nghĩ cần tăng cường các biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Cần xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải đô thị cho các không gian xanh, tưới và làm sạch đô thị.