Cụ thể, Bộ GTVT và các địa phương phải hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí ETC cho 102 làn thu phí của 23 trạm còn lại trước 30-6, đảm bảo mỗi trạm chỉ còn duy trì một làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng phải hoàn thành việc lắp đặt các làn thu phí ETC trên 5 tuyến đường cao tốc do đơn vị này quản lý trước 31-7. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các mốc này không được phép lùi thêm. Nếu dự án nào không đáp ứng tiến độ sẽ phải xả trạm; các tập thể, cá nhân gây chậm tiến độ sẽ bị xử lý trách nhiệm.
Có lẽ, đây là một trong số ít dự án nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và người dân nhưng lại ì ạch chậm tiến độ đến mức khó hiểu. Sau 7 năm triển khai với nhiều lần lùi thời hạn, dự án này chỉ thực sự có chuyển biến từ cuối năm 2021 khi những vướng mắc cuối cùng về cơ chế liên thông giữa tài khoản thẻ ETC và tài khoản ngân hàng, về chọn nhà cung cấp dịch vụ... được tháo gỡ. Nhưng dù vậy, đến thời điểm này, cả nước cũng mới chỉ hoàn thành hơn 70% tổng số làn cần lắp đặt ETC, tỷ lệ dán thẻ nhận diện chỉ đạt khoảng 65% tổng số phương tiện. Điều đó có nghĩa, khối lượng công việc còn lại để đạt mốc thời hạn theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ không phải ít.
Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc mua sắm thiết bị lắp đặt ETC đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Hiện trong số 23 trạm chưa hoàn thành lắp đặt ETC có 13 trạm do Bộ GTVT quản lý, 10 trạm do địa phương quản lý. Về cơ bản, các nhà đầu tư đã cam kết hoàn thành lắp đặt trong tháng 6-2022 nhưng vẫn còn một số trạm do địa phương quản lý có nguy cơ chậm tiến độ. Với các trạm trên 5 tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, Bộ Tài chính vừa khẳng định đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho VEC chủ động triển khai nhưng dự án vẫn đang chậm tiến độ.
ETC là hình thức thu phí văn minh, hiệu quả, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, hình thức thu phí này có tính minh bạch, chống tiêu cực, ích nước lợi nhà, giúp người dân thuận tiện khi tham gia giao thông. Sự chậm trễ của việc triển khai thu phí ETC khiến dư luận nghi ngờ liệu các nhà đầu tư có cố tình chậm trễ để trục lợi từ việc gian lận trong công tác thu phí. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đặt ra câu hỏi, VEC có động cơ, tiêu cực gì trong việc chậm trễ này hay không?
Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt lần này, dự án ETC sẽ không có thêm một lần lỡ hẹn. Bên cạnh sự nỗ lực của các ban quản lý, nhà cung cấp dịch vụ, dự án này còn rất cần sự ủng hộ của người dân để đạt mục tiêu hơn 80%-90% phương tiện dán thẻ vào cuối năm 2022. Theo đó, các chủ phương tiện cần chủ động hơn trong việc dán thẻ và nạp tiền vào tài khoản để đủ điều kiện sử dụng dịch vụ. Người dân cũng cần quan tâm, tìm hiểu để thực hiện đúng các quy định về thu phí ETC.
Vấn đề còn lại là, các nhà cung cấp cần hoàn thiện dịch vụ, hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố lỗi thẻ, lỗi mạng, lỗi hệ thống… gây phiền phức, cản trở người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ cần có biện pháp tuyên truyền, tạo thuận lợi, đẩy nhanh việc dán thẻ cho phương tiện. Bộ GTVT cũng cần rút ngắn các giai đoạn áp dụng thu phí ETC, chuyển nhanh từ giai đoạn hiện nay là thu phí ETC vẫn tồn tại barrier (barrier chỉ mở cho xe đi qua trong trường hợp xe có thông tin thẻ hợp lệ, có đủ số dư tài khoản thu phí) sang giai đoạn không còn barrier (chỉ còn phân làn), sớm tiến tới giai đoạn hoàn thiện là chỉ còn các thiết bị thu phí gắn trên giá long môn. Có như vậy, giá trị ưu việt của việc thu phí ETC mới được phát huy tối đa. Cuối cùng, việc xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ dự án cần được thực hiện nghiêm, công khai và minh bạch, không để tình trạng chậm tiến độ “lây lan” từ dự án này sang dự án khác.