Xuân sớm ở làng tái định cư

Tại vùng tái định cư của công trình thủy điện Đăk Đrinh, một mùa xuân mới đang về. Đón cái tết đầu tiên ở vùng đất mới này, người dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đầy niềm vui và hạnh phúc, hòa trộn với chút nhớ nhung về với mảnh đất cũ đã bao đời gắn bó…

Tại vùng tái định cư của công trình thủy điện Đăk Đrinh, một mùa xuân mới đang về. Đón cái tết đầu tiên ở vùng đất mới này, người dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đầy niềm vui và hạnh phúc, hòa trộn với chút nhớ nhung về với mảnh đất cũ đã bao đời gắn bó…

Bỏ lại nơi phố thị phồn hoa, nhộn nhịp, chúng tôi về với đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi heo hút ở vùng Đông Trường Sơn. Đó là khu tái định cư của công trình thủy điện Đăk Đrinh, thuộc địa bàn xã Đăk Nên (huyện Kon Plông). Vượt hơn 130km đường đèo quanh co trong làn mưa phùn, sương mù, gió lạnh đến tê người, phải mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi.

Đây không phải lần đầu đến với người dân vùng tái định cư thủy điện Đăk Đrinh nhưng với chúng tôi, mỗi lần đến là một lần cảm nhận khác nhau. Lần đầu, lòng hồ chưa tích nước, mọi ngả đường vào vẫn chạy xe men theo khu làng cũ, các khu tái định cư còn ngổn ngang, bề bộn; lần thứ 2, các căn nhà tại vùng tái định cư đã gần hoàn thiện.

Và đến lần này, lòng hồ đã tích nước, mặt nước hồ rộng mênh mông, xanh ngắt. Xa xa, có bóng những chiếc thuyền nhỏ trông như một khung cảnh “sơn thủy hữu tình”. Phía trên lòng hồ là những khu làng tái định cư, với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi san sát… ở trung tâm xã Đăk Nên, những cửa hàng đã mọc lên khá nhiều.

Còn tại các khu tái định cư, một số người dân ngồi trong ngôi nhà mới nhìn về lòng hồ với tâm trạng vừa mừng, vừa nhớ nhung. Nhớ những ngôi làng mình gắn bó bao đời giờ đã nằm sâu dưới lòng hồ. Mừng vì sau này, nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ sẽ đem lại sự ấm no, trù phú cho làng xóm.

Không giấu được cảm xúc của ngày xuân đang về, già A Mưu (80 tuổi) thôn Vương (xã Đắk Nên), tâm sự: “Già vui lắm. Ở làng mới, nhà ai cũng được xây kiên cố trên khu đất bằng phẳng, sạch đẹp, không phải lo mưa bão nữa. Dân làng tập trung gần nhau rất vui, đầm ấm và càng thêm gắn kết, quây quần. Mỗi người dân trong làng đều ý thức tập trung sản xuất để xóa đói giảm nghèo”.

Còn anh A Wữu, ở thôn Đăk Púk nói trong xúc động: “Mình rất vui, được Đảng, Nhà nước quan tâm, giờ tất cả dân làng đã có nhà mới tại khu tái định cư khang trang, sạch đẹp. Mình mong tỉnh, huyện quan tâm đầu tư làm đường giao thông để bà con đi lại đỡ vất vả và nhanh chóng hỗ trợ cây, con giống cho bà con sản xuất”.

Đến tất cả các khu tái định cư của xã Đăk Nên trong những ngày giáp tết, điều chúng tôi thấy vui là hệ thống đường trục chính đã được san ủi, đổ bê tông đến tận thôn làng. Trường học và trạm y tế đã hoàn thành. Hệ thống đường điện đã kéo về từng khu tái định cư và đến từng hộ; hệ thống nước sạch cũng đã được xây dựng tới từng thôn, vào từng nhà.

Tại khu tái định cư thôn Xô Luông, vào buổi trưa, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân đang nghỉ trưa, xem ti vi trong căn nhà mới. Bên ngoài, mấy đứa trẻ đùa nghịch, tắm rửa ngay dưới những vòi nước sạch được kéo tới sát nhà, trong niềm vui hạnh phúc tràn đầy.

Khác với các điểm tái định cư khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum, người dân Đăk Nên đều vui mừng, yên tâm với ngôi nhà của mình, bởi mẫu nhà thiết kế theo kiểu nhà sàn phù hợp, gần gũi với phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.

Ông Đặng Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho hay: “Chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ các khu tái định cư khác, không áp đặt mẫu nhà, mà để bà con lựa chọn từ 5 mẫu. Đa số đều chọn kiểu nhà sàn, gần gũi với đời sống phong tục tập quán của bà con. Các ngôi nhà to nhỏ khác nhau (có diện tích từ 60 đến 80m²), tùy theo số nhân khẩu. Nhà có 5 khẩu trở lên thì xây nhà diện tích 80m², nhà dưới 5 khẩu xây 60m²”.

Hiện Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh đang tiến hành chi trả tiền đền bù đất, hoa màu, cây cối cho người dân, vậy là bà con có thêm vốn để làm ăn, trang trải.

Hỏi chuyện một số người dân ở thôn Đăk Púk (xã Đăk Nên) về tình hình tăng gia sản xuất, thanh niên A Đóa mau miệng trả lời: “Ngoài ngôi nhà mới, mình còn được nhận tiền đền bù gần 200 triệu đồng. Mình đã gửi ngân hàng để vừa giữ làm “vốn”, vừa lấy lãi, sau này sẽ đầu tư phát triển kinh tế. Mình chỉ giữ lại một ít để gia đình đón tết được vui vẻ”.

Còn chị Y Ba, người dân thôn Vương mừng vui cho biết: “Tết này, mình được đón xuân trong ngôi nhà mới rất khang trang, ấm cúng, không phải lo mưa nắng. Tết này không phải lo thiếu ăn vì đã được Nhà nước hỗ trợ mỗi khẩu 30kg gạo/tháng. Giờ chỉ tập trung lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, cho biết thêm, chính quyền địa phương đang rà soát thống kê số người cần hỗ trợ, không để bất cứ người dân nào phải chịu cảnh đói rét, thiếu thốn trong dịp tết này. Gần 200 hộ thuộc 7 làng của xã Đăk Nên đang vui mừng đón mùa xuân đầu tiên trong những ngôi nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, với niềm tin vào tương lai hạnh phúc, ấm no và trù phú…

ĐỨC TRUNG - MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục