
Những ngày cận tết, tôi về vùng đất Láng Linh (An Giang), nơi từ những năm 1867-1873 Quản cơ Trần Văn Thành đã làm ruộng, nuôi quân, luyện tập võ nghệ xây dựng căn cứ Bảy Thưa để chống thực dân Pháp.
Chạy xe gắn máy trên con đường nông thôn cặp theo dòng kênh xáng Cây Dương vừa được nâng cao, mở rộng, tráng nhựa… tôi chợt nghĩ đến tương lai không xa, các xã này sẽ không còn là vùng sâu, vùng xa nữa. Chị chủ quán cà phê ven đường ở xã Bình Chánh khoe: “Bây giờ ở xứ này có nhiều gia đình trúng mấy vụ lúa, vụ tôm, nên đã cất nhà mới, hoặc sửa lại căn nhà cũ cho tươm tất, khang trang để đón tết. Sang năm, tôi cũng tính cất lại nhà mới”.
Quả thật, dọc con đường đi, tôi thấy nhiều căn nhà mới được xây dựng khang trang, đẹp đẽ… Ngày trước, ven theo con đường này nhà cửa thưa thớt mà toàn là nhà lá, cột tràm, cột tre… khi lũ về có năm nước ngập cả sàn nhà, sóng vỗ vách lá dừa nước tả tơi. Ven con đường quê, tôi chợt thấy một vài cội mai trước sân nhà dân đã sớm trổ hoa.
Dọc theo con kinh 13 từ xã Bình Phú ngược lên xã Đào Hữu Cảnh, con đường này ngày xưa chỉ là con đường mòn, đoạn cao, đoạn thấp. Ngày ấy, đôi lúc tôi còn phải vác xe đạp lên vai để đi qua cầu khỉ lắt lẻo, nhà cửa lúc đó còn thưa thớt… Bây giờ, nhà ở ven đường đã san sát liền nhau, những cây cầu khỉ đã được thay thế bằng cây cầu treo, loại cầu rất phố biến ở An Giang.
Từ xã Đào Hữu Cảnh, tôi đi theo kinh Vịnh Tre ra đến xã Thạnh Mỹ Tây, ghé thăm đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành. Đền thờ nay đã được nhân dân trong vùng xây dựng khá uy nghiêm, trang trọng. Bên trong đền thờ, các hạng mục như nhà khách, nhà ăn, nhà bếp… đều được sửa sang để phục vụ cho khách hành hương đến viếng.
Anh Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ Tây, dẫn tôi đến xem chợ Long Châu vừa mới xây dựng xong và đưa vào sử dụng trong thời điểm này đã làm cho không khí tết ở vùng đất Láng Linh thêm sôi động.

Cầu khỉ đã được thay thế bằng cầu treo ở Láng Linh
Rời xã Thạnh Mỹ Tây, đi theo con đường ven bờ kinh Bảy đến xã Ô Long Vỹ, tôi như lạc vào vùng đất xa lạ và không cách gì xác định được khu đất ngày xưa gia đình tôi canh tác, bởi đồng ruộng qua mấy lần cải tạo, chỉnh trang, kinh rạch xẻ dọc, xẻ ngang, dân cư đến ở đông đúc tạo nên quang cảnh hoàn toàn khác lạ.
Đứng ngay ngã tư kinh Bảy và kinh Đào, tôi nhìn hai cây cầu treo vững chắc nối liền các dòng kinh mà nhớ kỷ niệm rớt xuống sông khi đi chiếc đò ngang.
Suốt hai ngày lang thang thăm lại 5 xã trước kia, được đi lại những vùng sâu, vùng xa của huyện Châu Phú, địa bàn đã một thời gắn bó với mình suốt mười mấy năm công tác, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay đến lạ lẫm của vùng đất này.
Đường nhựa, đường bê tông, đường rải cát sỏi đã thay những con đường mòn bé xíu, lầy lội ngày nào. Những chiếc cầu bê tông, cầu treo vững chắc đã thay thế hầu hết những chiếc cầu tre lắt lẻo bắc qua sông rạch vùng này. Những ngôi trường tường vôi mái ngói được xây dựng rải khắp địa bàn để thuận lợi hơn trong việc con em đến trường. Những trạm xá các xã vùng sâu, vùng xa này ngày nay đều đã có bác sĩ Tây y, có phòng chẩn trị Đông y đủ sức tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Anh Nguyễn Phước Nên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, hồ hởi cho tôi biết về tình hình xây dựng cụm tuyến dân cư. Hiện nay, huyện đã đầu tý tư gần 130 tỷ đồng để xây dựng 27 cụm tuyến dân cư, với tổng diện tích 92,8 ha, có thể bố trí đến 4.711 nền nhà và đã có trên 4.000 hộ ở rải rác theo các kinh rạch đã có chỗ ở ổn định. Đặc biệt, vùng đất Bảy Thưa thuộc 5 xã vùng trong phần lớn những hộ khó khăn đã có được chỗ ở ổn định.
Bây giờ, người ta không còn xem Bình Chánh, Bình Phú, Đào Hữu Cảnh, Thạnh Mỹ Tây, Ô Long Vỹ là 5 xã vùng sâu, vùng xa nghèo đói nữa, mà gọi đó là 5 xã “vùng trong” để phân biệt với các xã ven trục quốc lộ 91.
Một năm mới lại đến trên vùng đất Láng Linh với những nét đổi thay về chuyện ăn ở, đi lại, học hành, chữa bệnh và sản xuất tăng gia của bà con miền quê Châu Phú, tôi thấy những đổi thay đó như những bông hoa vừa hé mở gọi xuân về… .
Ghi chép của Mai Bửu Minh