Xuất khẩu dệt may - Không ngồi chờ nhà nhập khẩu

Khó khăn nhưng vẫn có “điểm sáng”
Xuất khẩu dệt may - Không ngồi chờ nhà nhập khẩu

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục gặp khó khăn hơn trong năm 2013. Những tháng cuối cùng của năm 2012 đang dần khép lại với nhiều lo lắng cho doanh nghiệp (DN) trong xuất khẩu, kinh doanh. Doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng lợi nhuận giảm đến một nửa. Bài toán làm sao để giữ vững sản xuất đang đặt các DN dệt may Việt Nam trước thử thách mới về thị trường.

Ngành dệt may chủ động tìm thị trường để vượt khó.

Ngành dệt may chủ động tìm thị trường để vượt khó.

Khó khăn nhưng vẫn có “điểm sáng”

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tính hết tháng 9-2012, xuất khẩu dệt may đạt 12,7 tỷ USD, trong đó 11 tỷ USD hàng may mặc và 1,7 tỷ USD sản phẩm sợi. Dự kiến cả năm 2012, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt khoảng 17 tỷ USD. So với con số 16,7 tỷ USD xuất khẩu dệt may (cả hàng may mặc và xơ sợi) đưa ra đầu năm thì dệt may vẫn có tăng trưởng xuất khẩu. Dù không đạt được mức tăng trưởng 25%-30%/năm của thời hoàng kim, nhưng đó là một nỗ lực lớn của ngành dệt may trong thời điểm kinh tế khó khăn.

Hiện nay, các DN dệt may đang hoàn tất những đơn hàng cuối cùng cho mùa thu đông. Đây được xem là mùa xuất khẩu chính với những đơn hàng có giá trị cao và có lợi nhuận nhiều nhất. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tác động khó khăn của kinh tế thế giới, đơn hàng sản xuất mùa thu đông, mùa mua sắm cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ, EU đã giảm mạnh. Hầu hết các DN nhỏ, vừa gặp khó khăn về đơn hàng để duy trì sản xuất.

Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty May Bình Hòa, DN có khoảng 100 lao động, cho biết do chi phí đầu vào tại nước ta tăng, các đối tác đã chuyển đơn hàng sản xuất sang Campuchia, Myanmar để được hưởng ưu đãi. Hiện nay, phần lớn xuất khẩu dệt may của Campuchia vào các thị trường đều được miễn thuế.

Trong khi các DN vừa, nhỏ gặp khó khăn lớn, tình hình kinh doanh, sản xuất tại các DN lớn có phần khá hơn. Nhưng nhiều DN dệt may lớn thừa nhận, doanh thu trong năm nay có tăng nhưng lợi nhuận có thể giảm đến 50%. Trong bức tranh màu xám của thị trường xuất khẩu dệt may cũng nổi lên một vài điểm sáng. Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex) có 90% đơn hàng xuất khẩu theo hình thức FOB (mua đứt bán đoạn) nên hiệu quả kinh doanh rất khả quan. Theo kế hoạch, năm 2012, doanh thu xuất khẩu của Garmex sẽ đạt khoảng 900 tỷ đồng, lợi nhuận 55 tỷ đồng, có thể đạt được doanh thu 1.000 tỷ đồng cả năm 2012.

Trong thời điểm hiện nay, DN làm hàng gia công khó nuôi nổi công nhân. Do nhà nhập khẩu lớn luôn muốn làm trực tiếp với nhà sản xuất với phương thức FOB vì họ muốn giảm chi phí khi phải thông qua các nhà thương mại như trước đây. Hàng xuất khẩu vào các thị trường lớn đòi hỏi nhà sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, môi trường (SA 8000). Nhà nhập khẩu phải đến tham quan, đánh giá DN rồi mới quyết định đặt hàng. Nếu DN đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, có được công nghệ sản xuất hiện đại, cách quản trị, quản lý tốt sẽ không lo thiếu đơn hàng!

Cơ hội ở thị trường mới

* Một nhà nhập khẩu dệt may lớn của Mỹ có khoảng 120 nhà sản xuất ở 9 nước, trong khó khăn hiện nay, họ quyết định cắt giảm chỉ còn 80 nhà cung cấp nhưng các DN Việt Nam vẫn có đủ uy tín nằm trong nhóm 80 nhà cung cấp được lựa chọn.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas, cho biết tình hình xuất khẩu dệt may hiện nay không quá bi quan, các thị trường lớn vẫn còn trong khó khăn, EU vẫn giảm sút, Mỹ ổn định hơn một chút, thị trường Nhật có dấu hiệu nhích lên. Với những dự báo về kinh tế thế giới đưa ra cho năm 2013, dệt may Việt Nam hy vọng giữ được mức ổn định như năm 2012. Hiện nay giá bán của dệt may không tăng nhưng tất cả chi phí đầu vào đều tăng và đang trong xu hướng tiếp tục tăng.

Doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hiệu quả lại giảm, hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2012 không bằng năm 2011. Với khó khăn hiện tại, DN vừa, nhỏ phải củng cố lại hoạt động sản xuất, đầu tư, nâng chất lượng để tiếp nhận đơn hàng đòi hỏi cao hơn, đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Garmex, cũng cho rằng, thay vì ngồi chờ các nhà thương mại, nhà nhập khẩu truyền thống, DN phải trực tiếp tìm gặp những khách hàng mới. Mỹ vẫn được đánh giá là thị trường lớn, do vậy Garmex đã quyết định đầu tư mở văn phòng tại Mỹ vào cuối năm 2012. DN bỏ ra 1 triệu USD để mua cơ hội, làm việc trực tiếp với DN Mỹ, đưa hàng dệt may Việt Nam bán sỉ, chào bán tại thị trường Mỹ. Để thực hiện chiến lược này, DN đã chuẩn bị đội ngũ thiết kế mẫu (200 người) để có thể tự thiết kế mẫu, tìm nguyên liệu sản xuất, chào bán sản phẩm...

Theo ghi nhận tại các DN có đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Nhật, hiện nay khách hàng Nhật đang đàm phán nâng năng lực sản xuất đơn hàng ở thị trường Việt Nam lên cao hơn. Đây được xem là cơ hội lớn cho dệt may Việt Nam để có thể bù lấp vào khoảng thiếu hụt ở các thị trường khác.

Một số DN lớn cho biết đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 6-2013. Ngoài ra nhiều DN đã tiếp cận thị trường Nga được đánh giá rất tiềm năng. Tuy nhiên do phương thức thanh toán ở thị trường này vẫn chưa được thuận lợi nên vẫn còn hạn chế và điều này sẽ tốt hơn khi Nga đã chính thức vào WTO.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục