Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu thủy sản “bùng nổ” ngay từ tháng đầu tiên của năm 2024, đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ . Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có sự bứt phá: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%. Thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Công) tăng gấp hơn 3 lần, Nhật Bản tăng 43%...

Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

Số liệu báo cáo kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành ĐBSCL cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc sau 1 năm ảm đạm.

Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, mặt hàng thủy hải sản chế biến xuất khẩu của tỉnh đạt trên 22 triệu USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ. Tương tự, tỉnh Cà Mau xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) đạt 151 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ; tỉnh Bạc Liêu xuất khẩu thủy sản đạt 130 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ...

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, thông tin, xuất khẩu tôm đang có sự phục hồi nhanh trong những tháng đầu năm 2024. Để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, năm 2024, Sóc Trăng mở rộng diện tích nuôi tôm nước lợ lên 50.820ha (tăng 5% diện tích so với năm 2023), sản lượng tôm nuôi dự kiến đạt 212.000 tấn.

Bên cạnh đó, tỉnh đang đẩy mạnh mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, quản lý chặt chẽ nguồn giống, thức ăn nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu giữ vững và phát triển bền vững ngành tôm, với giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.

Ông Trần Văn Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (phường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình xuất khẩu tôm (chủ yếu là tôm sú) của công ty sang thị trường Trung Quốc rất khả quan, đối tác ký nhiều hợp đồng, giá trị hợp đồng cao. Tuy nhiên, công ty đang gặp khó ở khâu nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

“Người nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến năm nay thất mùa. Dù công ty có nâng giá mua, nhưng sản lượng không nhiều. Nguồn nguyên liệu tôm sú không đủ phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Trung nói.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong số các thị trường truyền thống thì Nhật Bản phục hồi sớm hơn so với các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu. Người tiêu dùng Nhật Bản đã quen thuộc với các sản phẩm thủy sản cao cấp, có hàm lượng giá trị gia tăng cao như: tôm tẩm bột, tôm sushi, xiên que tẩm gia vị. Điều này giúp các doanh nghiệp trong nước dễ cạnh tranh hơn so với các sản phẩm tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra có nhiều khởi sắc, nhất là sản phẩm đông lạnh. Ông Quốc cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng để nâng giá trị, đa dạng thị trường.

“Hiện không chỉ Việt Nam, các nước Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia cũng sản xuất cá tra. Để nâng khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu của ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa”, ông Quốc lưu ý.

Tin cùng chuyên mục