Đề thi môn Văn tuyển sinh lớp 10 năm nay của TPHCM được báo chí khen là đổi mới, đề “lý thú” “vừa nóng vừa lạ”. Đó là điều khó có thể chối cãi và dường như trở thành xu hướng ra đề trong các kỳ thi gần đây. Tuy nhiên, những người trong cuộc như phụ huynh chúng tôi, có con đi thi vẫn không khỏi lo lắng về cách dạy, cách học và thi như hiện nay.
Không ít phụ huynh đón con sau buổi thi môn Văn đều nhận ra vẻ mặt buồn bã hoặc lo lắng của con mình. Nhiều thí sinh vẫn tụ năm tụ ba tranh cãi về cách làm bài nghị luận xã hội. Có em nói chủ đề của đoạn trích nói lên tinh thần vượt khó, em khác nói là ước mơ đến trường và cũng không ít em cho rằng chủ đề đề cập đến tình mẹ. Khoan nói đến chuyện đề thi “gài bẫy” hay sơ hở, có thể nói muốn làm được đề thi này, thí sinh phải động não, phải có ít nhiều kỹ năng sống, biết liên hệ thực tế… Có thể nói, đây là một đề hay nhưng tiếc thay cũng “làm khó” nhiều thí sinh bởi lẽ cách dạy và học trong nhà trường hiện nay vẫn theo kiểu rập khuôn, văn mẫu.
Trong suốt 4 năm học THCS, đặc biệt năm lớp 9, học sinh phải làm từ 7-8 bài nghị luận văn học, xoay quanh các tác phẩm trong sách giáo khoa. Về khối lượng tác phẩm, các em vừa phải học một số tác phẩm văn học trung đại vừa ôm thêm văn học hiện đại. Bài nhiều, kiến thức vừa rộng vừa nặng, cách đối phó phổ biến là lên mạng kiếm… văn mẫu! Chỉ cần gõ vào Google, với từ khóa như “Mùa xuân nho nhỏ” hay “Đồng chí”… sẽ hiện ra hàng loạt trang mạng với nhiều đề và bài làm sẵn. Đối với nhiều “lò” dạy và luyện thi, các giáo viên đã cung cấp cho các em các mẫu bài soạn sẵn, phô tô lại các bài văn hay, các bài báo viết về các tác phẩm… và cứ thế mà học.
Riêng phần nghị luận xã hội, thời lượng dành cho các tiết học này rất ít và các vấn đề được bàn luận cũng rất… mẫu. Ví dụ như lòng thương người, tính vượt khó, vượt lên số phận, tình mẹ… Các “tính” này cũng có sẵn trên các trang mạng, cứ tải về học là xong. Thử hỏi, đã có tiết Văn nào tổ chức cho các em bàn luận về chuyện em Nam dũng cảm cứu người hay một ông Tây tình nguyện bưng cơm ở quán cơm 2000 đồng? Đó là chưa nói đến chuyện dạy cho các em có cái nhìn đúng đắn, phê phán những hiện tượng xấu của xã hội như con giết cha, vợ giết chồng, học sinh tạt axit thầy giáo…
Thiết nghĩ giờ học nghị luận xã hội vừa là diễn đàn để các em nói lên suy nghĩ của mình trước một hiện tượng xã hội, vừa là giờ đạo đức để rèn luyện nhân cách, vừa là cơ hội để dạy các em rèn luyện kỹ năng phân tích. Dạy “mở” cũng là chấp nhận những ý kiến khác nhau, cách giải quyết trái chiều để đi đến tận cùng của vấn đề. Chắc chắn một giờ học nghị luận xã hội như vậy sẽ rất hào hứng, nhiều cảm xúc. Thế nhưng, việc này vẫn là chuyện hiếm. Dạy “mẫu”, học cũng “mẫu” nên khi gặp đề “mở” là lúng túng, thậm chí nhiều em… bó tay hoặc viết lung tung, lạc đề.
Tôi hoàn toàn đồng tình với bài viết “Đề mở sẽ thay đổi cách dạy và học môn Văn” đăng trên Báo SGGP số ra ngày 24-6 và hy vọng lời hứa “đề văn mở, bám sát tính thời sự xã hội sẽ góp phần thay đổi cách dạy và học văn” của lãnh đạo ngành giáo dục thành phố sẽ thành hiện thực trong tương lai gần, giúp các em bớt gánh nặng học vẹt, học tủ, thay vào đó là cách học chủ động, sáng tạo. Điều cần nói thêm: cho đề “mở” thì cũng nên có đáp án “mở”, chấp nhận ý kiến phản biện, không nên theo kiểu rập khuôn đáp án, viết theo kiểu “an toàn”… sẽ làm thui chột tư duy của học sinh.
LÂM NGUYỄN (Bình Thạnh)