(SGGP).- Ngày 15-10, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã chủ trì buổi tọa đàm về chủ đề “Định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020” nhân kỷ niệm Ngày vì người nghèo 17-10.
Theo Bộ LĐTB-XH, năm 2014, ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục bố trí thêm khoảng 12.822 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh sinh viên... Liên quan sự nghiệp giáo dục, trong 3 năm qua, ngân sách nhà nước cũng đã bố trí 21.937 tỷ đồng để triển khai chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú... (năm 2014 sẽ bố trí thêm 7.085 tỷ đồng).
Theo số liệu mới nhất từ Bộ LĐTB-XH, kết quả đến nay tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7,8% năm 2013. Bình quân trong 3 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người cùng quan tâm được nêu ra tại buổi tọa đàm là việc thống kê tỷ lệ hộ nghèo có thực chất, danh sách hộ nghèo có được đảm bảo công bằng, đúng đối tượng?
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Trọng Đàm thừa nhận tình trạng xét duyệt hộ nghèo để nhận hỗ trợ hoặc kết quả xóa đói giảm nghèo theo kiểu chạy theo thành tích, không công bằng và không đúng đối tượng là có nhưng chỉ cục bộ ở một vài nơi, chủ yếu là ở cấp thôn, cá biệt có cấp xã. Bộ LĐTB-XH cũng đề nghị sẽ giảm dần sự “cho không” đối với hộ nghèo để tạo sự công bằng giữa hộ nghèo và không nghèo, tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên, hạn chế tình trạng ỷ lại.
VĂN PHÚC
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu