Yêu thương cũng chuyển đổi số

Trong nhịp sống 4.0, mỗi bước chân người ta có đến năm bảy ứng dụng để đặt xe; mua một ổ bánh mì hay ly cà phê cũng được giao hàng tận cửa nhà, công ty. Những kết nối trên mạng xã hội gần như không khoảng cách, nhưng liệu cái nắm tay có còn giá trị sau những cuộc gọi video hay phát trực tiếp?
Trò chuyện trực tuyến cùng con. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trò chuyện trực tuyến cùng con. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Dòng trạng thái mới nhất đăng trên trang cá nhân là tấm ảnh ly cà phê, được Khánh Mai (28 tuổi, nhân viên thiết kế quảng cáo, ngụ quận Tân Phú) gắn thẻ thêm 5 người khác nữa. Đó là tài khoản anh trai, chị dâu và mấy đứa cháu đang ở quê. Những hình ảnh đi chơi, ăn uống, mua sắm mỗi khi đăng lên mạng, Mai đều gắn thẻ tài khoản (tag) các thành viên trong gia đình vào. Mỗi lần về quê hay những cuộc gọi về nhà, sau phần hỏi thăm là đến phần việc như một “chuyên gia công nghệ”, Mai chỉ cho mọi người ở nhà cách sử dụng mạng xã hội, nào là bình luận, thích (like) hình, thả tim…

Câu chuyện của Mai cũng chẳng lạ gì trong nhịp sống hiện nay và cũng không hẳn phải xa nhà đi học, đi làm người ta mới thường trò chuyện qua video. Ở quán cà phê, trung tâm thương mại một nhà hàng nào đó hay không gian vui chơi công cộng, không khó để bắt gặp vài người vừa đi vừa nói chuyện, điện thoại trên tay hết xoay ngang đến xoay dọc, trong màn hình là gương mặt một người bạn, vợ/chồng/con, ba mẹ hay một người thân nào đó.

Mạng xã hội mở ra muôn vàn kết nối, trong “thế giới ảo” đó người ta tìm thấy giá trị thật qua những cuộc gọi nhìn thấy nhau, những dòng trạng thái có thể gắn thẻ cùng nhau… Cứ thế mà người thân, bạn bè gặp nhau trên mạng đôi khi còn nhiều hơn bên ngoài.

2. Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi hay nghe bạn bè làm việc trong lĩnh vực công nghệ kể về một số thiết bị nhà bếp hiện đại, nó có thể trò chuyện với người đang đứng bếp. Cô bạn tôi thường đi công tác châu Âu cũng nói, những thiết bị này được thiết kế đánh vào tâm lý người dùng, vì người già cần trò chuyện, quan tâm trong khi con cái thì bận rộn trong guồng quay công việc. Nhưng tôi tin chắc, người lớn luôn cần những quan tâm thật dịu dàng.

Những ngày tôi đi sớm về muộn hay đi công tác, ngoài tivi thì điện thoại là vật dụng trong nhà có thể tương tác với mẹ tôi nhiều nhất. Câu chuyện của Khánh Mai - bạn tôi, tôi vẫn luôn nghĩ nó chỉ xảy ra với bạn vì bạn đi học, đi làm xa quê, nên thông qua mạng xã hội để tiện kết nối nhiều hơn với gia đình. Nhưng đến một ngày, cuộc trò chuyện giữa tôi và mẹ cũng bắt đầu qua mạng xã hội.

Nhà ở ngoại thành nên có những hôm xong việc, tôi về đến nhà mẹ đã ngủ. Hôm ấy là sinh nhật tôi, nhưng tôi có việc phải đi làm từ sớm. Đến trưa, điện thoại báo tin nhắn, tôi ngỡ ngàng khi là tin nhắn từ tài khoản mạng xã hội của mẹ. Những lần sau đó, khi mẹ cần mua gì, hay tôi để quên món đồ nào ở nhà nhờ mẹ tìm, hai mẹ con đều nhắn tin qua lại. Ngày công tác tận miền Trung, nửa đêm xong việc tôi đọc dòng tin nhắn của mẹ: “Con ăn uống có quen không, nhớ ngủ sớm nha”. Tôi biết chắc, mẹ nhắn tin rành rẽ như vậy là nhờ vào chức năng ghi âm giọng nói thành tin nhắn trên điện thoại, vì tuổi của mẹ tôi mắt đã lem nhem khó mà ngồi bấm từng chữ được.

3. Ai trong chúng ta có sử dụng mạng xã hội, ít nhiều đều đã từng đọc được những dòng yêu thương ba mẹ trên trang cá nhân của bạn bè. Điều này, nói hay cũng hay mà dở cũng có cái dở. Vì trong “thế giới ảo” đó, cũng có một số người bị cuốn vào lượt thích, những bình luận xuýt xoa khi check-in ở nơi sang chảnh, những món đồ đắt tiền… Cứ thế mà tạo dựng cho mình một trang cá nhân thật lộng lẫy, thật sâu sắc tình cảm, nhưng thực tế không biết về nhà được mấy lần, trò chuyện với người thân được mấy câu. Nhưng cũng trong “thế giới ảo”, những đứa con xa nhà có thể trò chuyện với gia đình bất kể lúc nào, chia sẻ những hình ảnh, cảm xúc dẫu họ cách nhau có khi đến nhiều giờ đồng hồ máy bay.

Nhiều lần tôi hỏi chị họ, ngày nào cũng phải gọi video về nhà tới mấy lần có khi nào hết chuyện để nói? Chị tôi giải thích, người già có xu hướng như trẻ nhỏ, còn trẻ nhỏ thì mong mau lớn. Người lớn tuổi đôi khi chỉ cần những cuộc trò chuyện không đầu không cuối, những câu hỏi thăm, dặn dò chăm sóc sức khỏe nghe đi nghe lại hàng chục lần nhưng họ vẫn thích ngồi cùng con cháu, hỏi han bao điều.

Và có lần tôi cũng hỏi mẹ, sao mẹ không chờ tôi về nhà để chúc mừng sinh nhật mà nhắn tin, mẹ tôi chỉ cười: “Đợi con về lâu quá, mẹ ngủ quên, phải nói chuyện liền mới thích”. Yêu thương nào cũng là yêu thương, chỉ là cuộc sống muôn màu người ta có muôn cách để thể hiện, khi mà nhịp sống 4.0 chạm tới từng ngõ, từng nhà thì gia đình cũng “chuyển đổi số” hẳn là chuyện đương nhiên. Nhưng sau những cuộc gọi nhìn thấy nhau, những dòng trạng thái gắn thẻ xôm tụ, mỗi người nên nhớ rằng, ba mẹ cần buổi trò chuyện tại nhà, những bữa cơm gia đình chứ không phải ngồi chờ hôm nay nó có đăng tút (status - trạng thái trên trang cá nhân) nào không!

Tin cùng chuyên mục