
Kết nối bằng đường cao tốc
Tại Bắc Tây Nguyên, 2 dự án cao tốc đang nhận được sự kỳ vọng to lớn trong việc tạo động lực phát triển là Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (nối Bình Định - Gia Lai) và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum (nối Quảng Ngãi - Kon Tum). Các dự án khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách, mở đường lớn từ vùng núi ra vùng biển.
Với tầm quan trọng của Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, tỉnh Gia Lai đã chủ động vốn, vật liệu để sẵn sàng triển khai. Cụ thể, HĐND tỉnh Gia Lai đã ban hành nghị quyết bố trí 500 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương tham gia dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương rà soát, dự kiến các khu vực mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, cát xây dựng để cập nhật vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, làm cơ sở đấu giá, cấp giấy phép khai thác khoáng sản, kịp thời có nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án.
Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum cũng đang được quyết liệt triển khai. Theo đề xuất của UBND 2 tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, dự án này dài 136km, quy mô 4 làn xe, vốn đầu tư hơn 35.300 tỷ đồng. 2 địa phương đề xuất phương án đầu tư theo hình thức đầu tư công, tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2025-2028. UBND 2 tỉnh cam kết bố trí đủ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; bàn giao mặt bằng sạch cho dự án trong năm 2026. Hiện Bộ Xây dựng đã có quyết định giao Ban Quản lý dự án 85 tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc.
Ông Phan Mười, Giám đốc Sở Xây dựng Kon Tum cho biết, dự án cao tốc nói trên có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế địa phương. Vì thế, tỉnh Kon Tum quyết tâm sớm đầu tư, hoàn thành dự án. Để thúc đẩy dự án sớm triển khai, sở đã chủ động mời Ban Quản lý Dự án 85 vào khảo sát thực địa. UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập tổ công tác liên ngành để phối hợp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Thêm cơ hội giao thương
Tại Đắk Lắk, 2 dự án giao thông quan trọng đang được đầu tư và xúc tiến đầu tư, nối Đắk Lắk với Khánh Hòa và nối Đắk Lắk với Phú Yên. Đó là Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và quốc lộ 29.
Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khởi công từ tháng 6-2024, dài khoảng 117km, tổng mức đầu tư hơn 21.900 tỷ đồng, dự kiến khai thác năm 2027. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk làm chủ đầu tư Dự án thành phần 1 và 3, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 2. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (đại diện chủ đầu tư Dự án thành phần 3), hiện các nhà thầu đang dốc sức tăng ca, tăng kíp để thi công kịp tiến độ. Dự kiến, đến ngày 30-8, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ thông tuyến.
Trong khi đó, quốc lộ 29 nối Đắk Lắk với Phú Yên hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông giữa 2 tỉnh. Để giúp kết nối thuận lợi, UBND 2 tỉnh đã họp bàn đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cấp quốc lộ 29, trong đó thống nhất phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 20,5m; vận tốc thiết kế 60-80km/giờ. Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, quốc lộ 29 sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ kết nối thông thoáng giữa Phú Yên với Đắk Lắk và các trục giao thông trọng yếu như đường bộ ven biển Việt Nam, quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quốc lộ 14. Đồng thời kết nối với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu… Đây được xem là tuyến đường thuận lợi nhất, tạo động lực phát triển các hành lang kinh tế của 2 địa phương và vùng lân cận. Tương tự, Lâm Đồng và Khánh Hòa đã thống nhất đề xuất Thủ tướng cho phép đầu tư Dự án tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trước năm 2030, dài khoảng 81km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80-100km/giờ; tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng. Hiện nay, giữa Nha Trang và Đà Lạt được kết nối bằng quốc lộ 27C, thường xuyên xảy ra sạt lở, thời gian di chuyển hiện khá dài. Một lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định, nếu triển khai cao tốc dài khoảng 81km, vận tốc 100km/giờ sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, thêm cơ hội giao thương giữa 2 địa phương.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,6km, tổng vốn đầu tư hơn 17.710 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc; điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương - Prenn (thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng). Đây là bước tiến dài của Lâm Đồng để hiện thực hóa cung đường cao tốc song song, đồng thời giảm tải cho quốc lộ 20. Còn Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66km, đi qua địa phận hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, hiện đang được các địa phương khẩn trương triển khai các phần việc chuẩn bị khởi công.