Bài 1: Thời thơ ấu và cái chết của Gagarin
Cách đây 50 năm, vào ngày 12-4-1961, nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ trên tàu Vostok (Phương Đông). Chuyến bay lịch sử này đã tạo nên tiếng vang lớn cho ngành vũ trụ của Liên Xô (cũ) và là bước đột phá vĩ đại của nhân loại về thám hiểm không gian.
- Ký ức về người anh hùng
Ngôi làng nhỏ mang tên Klushino cách Mátxcơva 200km và bao xung quanh có những cánh đồng bát ngát. Ở đó không có gì khác so với các ngôi làng bình thường ở Nga ngoài việc có một ngôi nhà gắn tấm bảng hiệu: “Ngôi nhà của nhà du hành vũ trụ đầu tiên”. Đó là ngôi nhà 1 tầng cũ kỹ, nơi gia đình Gagarin sống trước khi dời sang thành phố Gzhatsk kế cận (giờ đây, thành phố này mang tên ông). Ngôi nhà này được trùng tu năm 1971.
Theo bà Yelena Kozlova, nay đã 91 tuổi, từng là giáo viên dạy Gagarin môn thực vật học, người nhiều năm nghiên cứu về cuộc sống của Gagarin và gia đình ông: “Yuri là cậu bé ngoan, đáng yêu và vui vẻ. Ba làm nghề thợ mộc, mẹ vắt sữa bò. Gia đình họ sống tại Klushino từ năm 1933 - 1945”.
Như nhiều người dân Nga thời đó, gia đình Gagarin trở thành nạn nhân của phát xít Đức. Lúc phát xít Đức đánh chiếm ngôi làng Klushino năm 1941 cũng là lúc Gagarin bắt đầu đến trường. Cùng với nhiều gia đình khác, gia đình ông bị phát xít Đức tống ra khỏi nhà.
Theo bà Yelena Kozlova, họ được phép sống tại mảnh đất phía sau căn nhà vốn dùng để trồng rau trong suốt 1 năm 9 tháng thời kỳ phát xít chiếm đóng. Ngôi nhà nhỏ chừng hơn 3m2 này có một cái bàn nhỏ, 2 chiếc giường nhỏ và một lò sưởi trên là giường ngủ. Yuri Gagarin và em trai Boris ngủ chung một chiếc giường.
Đến năm 1946, gia đình Gagarin dọn đến Gzhatsk, lúc này ông 13 tuổi. Theo bà Yelena Kozlova, Gagarin cũng thích các trò đùa nhưng cậu ta luôn có khả năng làm cho mọi người tha thứ. “Không ai có thể cưỡng lại nụ cười của cậu ấy! Các cô gái cũng luôn thích cậu ấy”, bà Kozlova nói.
Cũng theo bà, Gagarin gia nhập câu lạc bộ hàng không từ khi học lớp 6 và bắt đầu nghĩ tới các vì sao. Công việc đầu tiên của ông là nghề đúc, sau đó vào học tại Đại học Kỹ thuật Saratov, nơi ông học lái máy bay hạng nhẹ.
Bà Filatova, cháu gái gọi Gagarin bằng cậu kể khi còn là sinh viên tại Đại học Saratov, Gagarin có làm thêm ở xưởng đóng tàu trên sông Volga. Năm 1955, Gagarin vào học tại trường đào tạo phi công Orenberg, sau khi tốt nghiệp ông gia nhập không quân Liên Xô với hàm thiếu úy. Không lâu sau đó, ông được đánh giá là một trong những phi công giỏi nhất.
Nhớ lại sự kiện Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ khi mới 27 tuổi, giáo viên của ông, bà Kozlova nói: “Đó là ngày trọng đại đối với mọi người. Trường học được nghỉ trong 3 ngày, lễ hội mừng công diễn ra khắp nơi”. Sau khi trở về Trái đất, ông cũng trở lại Gzhatsk thăm gia đình và thăm trường cũ. Ông không bao giờ quên công lao thầy cô dù cho ông đã trở thành người của công chúng”.
Sau này, việc tham gia nhiều khóa huấn luyện bay đã ngốn rất nhiều thời gian nên ông ít có dịp về thăm gia đình. Sau chuyến bay định mệnh vào ngày 27-3-1968, ông không còn dịp trở về thăm nhà nữa. Bà Tamara Filatova nói: “Cậu dự tính về nhà đúng vào ngày sinh nhật bố, 30-3-1968 vì đã thành thông lệ, ngày sinh nhật bố mẹ cậu luôn có mặt ở nhà”.
- Tranh cãi quanh cái chết của Gagarin
43 năm sau cái chết của Gagarin cùng với phi công Vladimir Seregin trên chiếc máy bay MiG-15, vẫn có nhiều tranh luận về nguyên nhân máy bay rơi. Có ý kiến cho rằng vào ngày xảy ra tai nạn, trời đầy mây nên tầm nhìn của phi công bị hạn chế. Máy bay rơi vào vùng xoáy, để có thể thoát ra được thì thời gian chỉ vài giây không đủ đối với các phi công.
Một giả thuyết khác, có một máy bay khác đã bay ở khoảng cách gây nguy hiểm cho chiếc MiG-15 của Gagarin, kết quả là chiếc máy bay MiG-15 bị nhiễu loạn và mất điều khiển. Năm 2003, một giả thuyết mới của đại tá nghỉ hưu người Nga Igor Kuznetsov cho rằng Yuri hy sinh vì khoang lái của chiếc máy bay MiG-15 không được hàn kỹ lưỡng, phản bác lại kết luận cũ xưa cho rằng ông chết do khí cầu đâm phải máy bay.
Thêm một nguyên nhân nữa cho cái chết này, đó là phi công của chiếc MiG-15 không chuẩn bị kỹ trước khi bay. Giả thiết này được đa số đồng ý.
Nhân kỷ niệm 43 năm ngày Yuri Gagarin qua đời, Đài “Tiếng nói nước Nga” đã công bố những tài liệu tạo thêm điều kiện cho các nhà nghiên cứu đương thời lý giải bí ẩn về cái chết của Gagarin. Những tư liệu này đã trở thành cơ sở cho bộ phim tài liệu “Chuyến bay cuối cùng của Gagarin: Bí ẩn chưa được giải mã”, do Hãng truyền hình Pul thực hiện và được công bố trên website của Đài “Tiếng nói nước Nga”. Đây là những dữ liệu điều tra được tiến hành ở Liên Xô năm 1968 với sự tham gia của 30 tổ chức khoa học và nghiên cứu, hàng trăm chuyên gia, các học giả xuất sắc.
Khi ấy, cuộc điều tra đặc biệt không xác định được nguyên nhân tai nạn máy bay chiến đấu MiG-15 do phi công Yuri Gagarin và chỉ huy trung đoàn Vladimir Seregin lái. 3 ủy ban về kỹ thuật và y tế hoạt động độc lập đã tập hợp khối lượng rất lớn tài liệu thực tế.
Theo quyết định của chính phủ, những dữ liệu này đã được bảo mật. Tình hình biến chuyển vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, khi tại một viện nghiên cứu quân sự chuyên ngành đã tập hợp nhóm các chuyên gia quan tâm, đa số từng tham gia trực tiếp vào cuộc điều tra năm 1968.
Sau vài năm tìm tòi và được phép tiếp cận tài liệu mật, họ đã công bố loạt phát hiện chấn động. Theo tuyên bố của đại tá Igor Kuznetsov, người lãnh đạo nhóm, công việc được thực hiện nhờ vào công nghệ mới, chưa có vào những năm 1960.
Ông Kuznetsov nói: “Những thông tin mới về chuyến bay của phi cơ chiến đấu được chúng tôi thu nhận thông qua phân tích hiện đại và hệ thống toàn bộ tài liệu thực tế, thu thập vào năm 1968. Các phương pháp và công cụ nghiên cứu độc đáo đã cho phép chúng tôi phát hiện thông tin tiềm ẩn, tại thời điểm đó đã không được sử dụng”.
Đặc biệt, số liệu mới đã bác bỏ ý kiến cho rằng Gagarin và Seregin hy sinh vì không đủ vài giây để đưa máy bay thoát khỏi đường bổ nhào. Đại tá Kuznetsov cùng nhóm nghiên cứu khẳng định máy bay chiến đấu rơi vào chế độ không được kiểm soát. Nếu các phi công không điều khiển được máy bay như đã nói, không kết nối liên lạc, không tìm cách thoát khỏi chiếc máy bay đang rơi, có nghĩa chỉ có một khả năng duy nhất: họ không có khả năng thực hiện những động thái này. Rất có thể do họ lâm vào trạng thái bất tỉnh.
Nguyên nhân ở đây có giả thiết do áp suất giảm mạnh trong cú bổ nhào từ độ cao lớn. Theo ý kiến của nhóm nghiên cứu Kuznetsov, vòi khóa thông gió trong buồng lái Gagarin có khả năng bị hở và trở thành nguyên nhân gây ra tai nạn bất hạnh.
Đã có những ý kiến phản bác kết luận của nhóm Kuznetsov. Để xác minh sự thật, Đài “Tiếng nói nước Nga” cho rằng cần thiết công bố toàn bộ tài liệu được thu thập năm 1968 cũng như những năm gần đây.
THỤY VŨ
Bài 2: Mở đường chinh phục không gian
Kỷ niệm 50 năm ngày Gagarin bay vào vũ trụ là dịp để giúp người dân Nga và thế giới nhớ lại những thành tựu của Liên Xô cũ, đồng thời nhắc nhở dư luận rằng Nga vẫn là một cường quốc trên trường quốc tế.
- 12-4-1961: Lịch sử sang trang
Đúng 6 giờ 7 phút theo giờ quốc tế Greenwich (9 giờ 7 phút giờ Mátxcơva) ngày 12-4-1961, tàu vũ trụ Phương Đông với nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin trên boong xuất phát. Yuri Gagarin đã hoàn thành xuất sắc một vòng bay trên tàu Phương Đông xung quanh Trái đất. Sau khi hoàn thành chuyến bay, từ độ cao vài kilômét, theo đúng kế hoạch, Gagarin nhảy dù ra khỏi khoang tàu và hạ cánh an toàn trên cánh đồng của một nông trang ở tỉnh Saratov. Toàn bộ chuyến bay kéo dài trong 108 phút. Những người đầu tiên gặp Gagarin khi ông hạ cánh là bà Anna Takhtarova, một nông dân và đứa cháu 4 tuổi có tên Margarita. Hàng trăm ngàn người dân Nga tràn ra các đường phố ở thủ đô Mátxcơva khi biết tin Gagarin bay vào vũ trụ thành công. Sự kiện đó cho thấy vai trò dẫn đầu của Liên Xô về khoa học không gian, chạy đua vào vũ trụ.
Gagarin được Chính phủ Liên Xô lựa chọn chỉ 4 ngày trước khi tàu Phương Đông được phóng. Sau chuyến bay trên tàu Phương Đông, Y.A. Gagarin trở thành người hùng nổi tiếng trên thế giới. Báo chí thế giới khi đó đều viết về ông. Ông được thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen cũng như được trao tặng danh hiệu Công dân danh dự tại nhiều thành phố ở các quốc gia châu Âu, châu Á, châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Ông cũng đã tới thăm nhiều quốc gia trên thế giới với tư cách sứ giả hòa bình và hữu nghị, gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo.
- “Ngày quốc tế con người bay vào vũ trụ”
Cho đến năm 2010, “Ngày vũ trụ 12-4” chỉ được tổ chức tại Nga. Nhưng tại phiên họp vào ngày 7-4-2011, Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết chọn ngày 12-4 làm ngày “Ngày quốc tế con người bay vào vũ trụ” và từ nay, ngày này sẽ được tổ chức trên toàn thế giới. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ, Vitaly Churkin cho rằng điều này chứng minh thế giới tiếp tục hoan nghênh những thành tựu của nhân dân Liên Xô trước kia và nay là Nga như nhà tiên phong trong nghiên cứu không gian vũ trụ. “Chúng tôi thực sự có những điều để tự hào: nữ du hành vũ trụ đầu tiên, người đầu tiên bước ra ngoài không gian, chuyến bay đầu tiên của tàu vũ trụ với 3 phi hành gia, người nước ngoài đầu tiên trên tàu vũ trụ, trạm không gian đầu tiên, các khách du lịch không gian đầu tiên trên tàu, chưa kể đến một thực tế là Nga đã và vẫn tiếp tục là đầu tàu của sự hợp tác quốc tế rộng rãi trong việc thăm dò không gian vũ trụ”.
Tại Nga, hoạt động lớn nhất nhân ngày này sẽ là lễ kỷ niệm 50 năm chuyến bay của Gagarin với sự chủ trì của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và sự tham dự của 40 người đứng đầu các cơ quan không gian các nước. Cũng nhân dịp này, lần đầu tiên, tàu vũ trụ Liên hợp-21 mang tên Gagarin đã khởi hành từ sân bay vũ trụ Baikonur từ ngày 5-4, sau đó kết nối với Trạm không gian quốc tế ISS vào ngày 7-4. Những gì Gagarin đã nhìn thấy trong không gian cũng là nội dung bộ phim “Quỹ đạo đầu tiên” của đạo diễn người Anh Chris Riley sẽ ra mắt trên YouTube vào ngày 12-4. Tại các thủ đô châu Âu như Brussels, Vienna và khoảng 100 thành phố của Mỹ sẽ có các cuộc triển lãm và lễ hội về chủ đề Gagarin….
Tại trụ sở LHQ, triển lãm các bức ảnh hiếm và các tài liệu nói về cuộc đời của Yuri Gagarin và lịch sử thăm dò không gian vừa được khai mạc. Một tuần trước chuyến bay là tên gọi cuộc triển lãm nhân sự kiện lịch sử 50 năm chuyến bay có người lái đầu tiên vào không gian vũ trụ, được khai mạc đúng một tuần trước ngày 12-4. Toàn thế giới kỷ niệm nửa thế kỷ chuyến bay vũ trụ có người lái đầu tiên một cách ấm áp và trang trọng.
- Nga đưa nhân loại gần hơn với vũ trụ
Có thể nói, Gagarin chính là người mở đường cho nhân loại vào không gian vũ trụ. Sau Yuri Gagarin, khoảng 500 nam giới và phụ nữ từ hơn 30 quốc gia trên thế giới đã có mặt trên quỹ đạo gần Trái đất, trong số đó có rất nhiều chuyến bay do Nga giúp đỡ một phần hay đài thọ toàn bộ. Nhiều nước đạt được những tiến bộ to lớn về công nghệ vũ trụ ngày nay cũng nhờ những hợp tác bước đầu với Nga. Công cuộc chinh phục Mặt trăng của Mỹ năm 1969 cũng do động lực thúc đẩy từ thành công của chuyến bay có người lái đầu tiên của Nga. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước đã cố gắng để thời điểm phóng tàu vũ trụ vào ngày 12-4.
Chuyên gia của Học viện Vũ trụ Nga, ông Yuri Karash, cho rằng đây là một ngày quan trọng trong lịch sử thế giới và công cuộc nghiên cứu thăm dò không gian. Chúng ta không nên quên rằng 12-4-1981 cũng là ngày tàu con thoi Columbia của Mỹ có chuyến bay đầu tiên, đánh dấu khởi đầu lịch sử thăm dò không gian bằng tàu vũ trụ được sử dụng nhiều lần. Thật thú vị, cuộc xuất phát của Columbia trùng với dịp kỷ niệm lần thứ 20 chuyến bay của Gagarin.
Từ thành công đầu tiên trong việc đưa con người vào vũ trụ, ngành vũ trụ Nga không ngừng phát triển và đạt thêm nhiều thành công lớn trong không gian. Diễn biến mới nhất là Mỹ đang trông chờ vào các tàu vũ trụ của Nga trong việc đưa người lên trạm ISS do đội tàu con thoi của Mỹ “nghỉ hưu”. Trả lời phỏng vấn của Đài “Tiếng nói nước Nga”, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga, ông Anatoly Perminov, cho biết các nhà khoa học Nga đã vạch ra 3 kịch bản chinh phục vũ trụ cho giai đoạn đến năm 2050.
Theo dự kiến, chuyến bay lên Mặt trăng sẽ thực hiện vào giữa thập kỷ 2020, còn việc tạo ra các cơ sở nghiên cứu trên Mặt trăng sẽ tiến hành vào khoảng những năm 2030, đến những năm 2040 sẽ bắt đầu thăm dò sao Hỏa. Chính phủ Nga đang nghiên cứu kỹ các đề xuất này. Một vài dự án trong số đó có thể được thực hiện với sự hợp tác quốc tế. Chẳng hạn, việc thăm dò Mặt trăng, thành lập các khu định cư ở đó có thể được thực hiện với sự tham gia của những nước đang làm việc hiện nay trên trạm ISS. Điều đó sẽ giảm thiểu chi phí tài chính của Nga và sẽ cho phép sử dụng các mô hình tên lửa và công nghệ không gian ưu việt hơn của các nước khác.
Ngoài ra, Nga đang nghiên cứu khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân trong các chuyến bay vũ trụ có người lái. Các dự án tạo ra module năng lượng vận tải dựa trên năng lượng hạt nhân chưa hề có mẫu tương tự trên thế giới và có những lợi thế trong lĩnh vực thăm dò không gian. Theo ông Perminov, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga đang làm việc với Rosatom để chế tạo động cơ điện năng suất lớn. Thiết kế động cơ đó dành cho chuyến bay liên hành tinh, đến những không gian rất xa để nghiên cứu các hành tinh như sao Hỏa chẳng hạn. Nga sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng các khách sạn không gian. Mỹ cũng có kế hoạch tương tự và các chuyên gia Nga sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ cần thiết để nâng cao hiệu suất tin cậy của các dự án mà dân ngoại đạo cho là rất hoang đường. NASA cũng đang có nhiều đàm phán với Nga về kế hoạch chung thăm dò Thái dương hệ.
THỤY VŨ