Chính phủ muốn cải cách, nhưng luật pháp cần “nâng chất” ​

Hội nghị “Triển khai Nghị quyết 19-2018 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của USAID tổ chức sáng nay 24-5 tại Hà Nội.

 

Quang cảnh hội thảo tại CIEM sáng 24-5
Quang cảnh hội thảo tại CIEM sáng 24-5

Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ là phiên bản thứ 5 của chuỗi Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo Nghị quyết này, trong năm nay, các chỉ số môi trường kinh doanh cần được cải thiện thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể là hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm.

Trong xuất nhập khẩu, giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25% - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết năm 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương.

Cụ thể, các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 31-5-2018, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, các nhiệm vụ phải thực hiện, các văn bản pháp luật phải bổ sung, sửa đổi, thời hạn hoàn thành và đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, cách thức giám sát, đánh giá.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng được yêu cầu xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 31-5-2018, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế.

Tại cuộc hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hoàn thiện môi trường pháp luật: “Chính phủ dù muốn cải cách cũng chưa chắc đã được, vì phụ thuộc vào luật, mà chất lượng luật hiện nay là đáng lo ngại”.

Tin cùng chuyên mục