Đảm bảo đủ điện, chất lượng nguồn điện thì giá điện phải khác

Sáng 7-5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – yêu cầu và giải pháp" nhằm  bàn giải pháp, kịch bản, sự chuẩn bị của ngành điện để đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng trong bối cảnh mới.

Các nhà quản lý, chuyên gia tham dự tọa đàm
Các nhà quản lý, chuyên gia tham dự tọa đàm

Năm 2025, Chính phủ phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2031.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công thương), ông Đoàn Ngọc Dương cho biết, để đảm bảo cung ứng điện năng cho năm 2025, ngay từ cuối năm 2024, Bộ Công thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng trên 12%. Trong số các giải pháp Bộ Công thương đưa ra để điều hành, một số dự án lưới điện quan trọng được thúc đẩy nhanh để đưa vào vận hành. Ví dụ như dự án lưới điện 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên. Mục tiêu là giải tỏa công suất thủy điện ở khu vực phía Bắc để đưa về trung tâm phụ tải khu vực Hà Nội. Theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang hết sức quyết liệt đưa vào vận hành trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 tới đây.

Ông Đoàn Ngọc Dương.jpg
Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương

Theo ông Dương, trong 4 tháng đầu năm, việc cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân đã cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt là những ngày lễ lớn vừa qua, việc cung ứng điện hết sức an toàn và được đảm bảo. Theo nhận định của Bộ Công thương, với những giải pháp và đến thời điểm hiện nay, việc cung ứng điện năng cho đất nước trong năm 2025 sẽ được đảm bảo với các điều kiện, kịch bản diễn ra như đã dự báo cho đến thời điểm này.

Tuy nhiên, ông Đoàn Ngọc Dương cũng cho rằng, có thể vẫn xảy ra những trường hợp cực đoan. Ví dụ như tăng trưởng phụ tải đột biến, hoặc thời tiết cực đoan, nước về hồ thủy điện lưu lượng có thể thấp hơn so với trung bình nhiều năm; thời gian nắng nóng có thể kéo dài, trùng hợp với một số tổ máy điện có thể bị sự cố do quá trình vận hành đầy tải liên tục... Điều đó đòi hỏi phải xây dựng những kế hoạch ứng phó để đảm bảo sẵn sàng có những đơn vị liên quan có thể xử lý, giải quyết nhanh, đảm bảo an ninh an toàn cung ứng điện.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng, không có cách nào khác là phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Điều này khiến cho nhu cầu về năng lượng và điện tất yếu sẽ tăng lên. “Với 2 thách thức đặt ra của ngành năng lượng gồm đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và đảm bảo chất lượng nguồn điện thì trong thời gian tới, giá điện phải khác đi”, ông Phan Đức Hiếu nhận định.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu.jpg
Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Đức Hiếu

Về vấn đề giá điện, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, giá điện hiện nay có 3 bất cập lớn. Trong đó mang tính bao trùm và có thể coi là điểm nghẽn, đó là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Trong nhiều năm qua, giá điện không được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1kWh điện. Do đó, giá điện cần tính đủ chi phí và phải có lợi nhuận nhất định.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho biết, hiện nay, nếu so sánh giá điện trung bình tại Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế, có thể thấy mức giá điện trung bình của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Ngược lại, nhiều quốc gia khác trong khu vực lại có giá điện cao hơn Việt Nam. Do đó, vấn đề là làm thế nào để giá điện phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất, đảm bảo ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia. Giải pháp căn cơ là cần một lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, và tiệm cận thị trường, phản ánh đầy đủ các chi phí cấu thành, trong khi vẫn đảm bảo không tạo ra "cú sốc" về giá cho người dân và nền kinh tế. Việc cân bằng giữa thị trường hóa giá điện và ổn định xã hội là một bài toán khó nhưng bắt buộc phải giải.

Ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, phải tạo ra một thị trường điện đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư, nhưng đồng thời vẫn phải giữ ở mức hợp lý, bảo đảm cung ứng điện ổn định, sạch, phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống, mà không gây áp lực quá lớn lên chi phí đầu vào...

Tin cùng chuyên mục