
Tại sự kiện, các chuyên gia cho biết từ ngày 1-1-2026, Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) sẽ chính thức áp dụng, yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải mua chứng chỉ CBAM cho lượng phát thải carbon của sản phẩm.
Trước đó, giai đoạn chuyển tiếp CBAM kéo dài từ 1-10-2023 đến hết ngày 30-9-2025. Trong thời gian này, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần báo cáo lượng phát thải carbon, chưa phải nộp thuế carbon. Tuy nhiên, từ ngày 1-10-2025, các yêu cầu về báo cáo phát thải bắt đầu siết chặt hơn và doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ dữ liệu để bước vào giai đoạn chính thức.

Theo bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, CBAM nằm trong xu hướng toàn cầu chuyển đổi sang kinh tế xanh. Việc tuân thủ CBAM sẽ trở thành điều kiện bắt buộc để duy trì và mở rộng thị phần tại EU – thị trường đang giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam. Thống kê cho thấy, quý 1-2025, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy tiềm năng lớn nhưng cũng đặt ra áp lực chuyển đổi nhanh.
Ông William L Nolten, Thành viên Ban Quản trị Rexil Asia, phân tích: CBAM yêu cầu đo đếm và báo cáo lượng phát thải carbon ở cấp độ sản phẩm (Product Carbon Footprint – PCF), thay vì chỉ ở cấp độ doanh nghiệp (Corporate Carbon Footprint – CCF) như các khuôn khổ tự nguyện trước đây. Đây là điểm khác biệt lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư mạnh vào hệ thống kiểm kê, xác minh và báo cáo phát thải cho từng sản phẩm xuất khẩu.
Ngoài CBAM, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với hàng loạt quy định môi trường mới như Quy định Ngăn chặn phá rừng (EUDR) và các đạo luật tại Mỹ, Anh, làm gia tăng sức ép từ chuỗi cung ứng toàn cầu hướng tới phát thải thấp.
Theo TS Nguyễn Phương Nam, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu Klinova, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ đối mặt với ba thách thức lớn: yêu cầu kiểm kê, báo cáo phát thải nghiêm ngặt; khó khăn trong thu thập số liệu chuẩn hóa; và sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa phát thải thấp đến từ các nước khác. Ông nhấn mạnh doanh nghiệp cần khẩn trương rà soát quy trình sản xuất, xây dựng cơ sở dữ liệu phát thải, và thực hiện các giải pháp giảm nhẹ như sử dụng năng lượng tái tạo và cải tiến công nghệ.
Chia sẻ thực tế chuyển đổi xanh, ông Tạ Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), cho biết doanh nghiệp này đặt mục tiêu giảm 80.000 tấn CO₂/năm vào năm 2030 và 220.000 tấn CO₂/năm vào 2050, đồng thời nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm phân bón phát thải thấp nhằm thích ứng với yêu cầu mới từ thị trường quốc tế.
Về mặt chính sách, bà Nina Miron Claudia, Chuyên viên chính sách của Tổng cục Thuế và Liên minh Hải quan châu Âu (TAXUD), khẳng định CBAM tuân thủ các quy định của WTO, đồng thời thiết kế linh hoạt như áp dụng ngưỡng tối thiểu 50 tấn nhập khẩu/năm nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nhỏ. Bà cũng nhấn mạnh CBAM khuyến khích các nước thứ ba thực hiện phi carbon hóa, với cơ chế khấu trừ giá carbon đã trả trong nước.
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 8 tháng nữa là kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, các chuyên gia cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam cần gấp rút hành động để không đánh mất cơ hội cạnh tranh tại thị trường châu Âu. Tuân thủ CBAM không chỉ là yêu cầu bắt buộc cho xuất khẩu mà còn là bước đi chiến lược giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến gần hơn đến nền kinh tế xanh toàn cầu.