Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

Đến năm 2010, thu nhập theo đầu người có thể trên 1.000 USD

Đến năm 2010, thu nhập theo đầu người có thể trên 1.000 USD

Ngay trong ngày khai mạc ĐH Đảng toàn quốc lần thứ X (18-4), báo chí đã phỏng vấn Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Trong giờ giải lao hôm qua, 20-4, Phó Thủ tướng Vũ Khoan tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của phóng viên các báo. Phó Thủ tướng đã trả lời về những vấn đề nóng mà dư luận đang rất quan tâm.

  • Vụ PMU 18: Chính phủ không trốn tránh trách nhiệm!

Đến năm 2010, thu nhập theo đầu người có thể trên 1.000 USD ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Khoan

- Thưa Phó Thủ tướng, dư luận đang rất quan tâm việc đến hôm nay các bộ đã báo cáo lên Chính phủ về những vấn đề liên quan đến PMU 18 chưa?

 

- Vụ PMU18 có hẳn một ban chuyên án thường xuyên báo cáo lên Chính phủ chứ không chỉ là báo cáo của các bộ.

- Vụ PMU 18 cho thấy lỗ hổng về quản lý kinh tế. Vậy trách nhiệm của Chính phủ trong vụ này ra sao?

- Các bộ Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính đã có báo cáo với Chính phủ về sửa đổi cơ chế như thế nào để không còn lỗ hổng. Còn để xảy ra tình trạng này đương nhiên là Chính phủ có trách nhiệm. Chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm. Chúng tôi đã xây dựng cơ chế không chặt chẽ, vì vậy bây giờ phải làm lại cơ chế đó.

- Quốc hội có vai trò giám sát và phân bổ ngân sách. Vậy bên cạnh trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của Quốc hội trong vụ việc này đến đâu?

- Chính phủ có trách nhiệm theo Luật Tổ chức Chính phủ. Quốc hội cũng có phần trách nhiệm của mình trong quy định của Luật Giám sát. Còn mỗi bộ ngành cũng có trách nhiệm theo nghị định của bộ, kể cả quản lý ODA cũng đã có nghị định cụ thể.

- Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói: những người đứng đầu ngành để xảy ra tiêu cực thì nên thôi chức. Vấn đề này có cần đặt ra đối với những người chịu trách nhiệm đứng đầu?

- Tất nhiên. Phải có người chịu trách nhiệm chứ!

- Nhiều ý kiến cho rằng nếu tăng cường kiểm tra, sẽ còn nhiều vụ PMU nữa?

- Chính phủ đang cho kiểm tra!

- Cũng liên quan đến PMU18, vừa qua Thủ tướng nói tạm thời đình chỉ chức vụ Bộ trưởng đối với ông Đào Đình Bình. Nhưng ngày hôm sau lại tiếp tục giao nhiệm vụ trong khi Bộ Chính trị chấp thuận cho ông Bình thôi các chức danh về Đảng?

- Mấy ngày đó tình hình rất khẩn trương. Nhưng từng khâu đều phải có quy trình. Thủ tướng cũng không thể quyết định được, vì cơ chế là thế. Thủ tướng phải trình bày, phải xin ý kiến Bộ Chính trị, Bộ Chính trị quyết định mới thực thi. Bộ GT-VT cũng không thể có một giờ, một ngày không có người lãnh đạo. Tất cả phải thực hiện theo quy trình.

  • Chúng ta đã dám “sờ” vào các UVTƯ Đảng, “sờ” vào các Bộ trưởng!

- Việc nâng cao hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành, trong đó có cả việc thay thế những vị trí làm việc không tốt. Nhưng với cơ chế hiện nay rất khó thực hiện?

- Báo cáo của ĐH lần thứ X thấy rất rõ vấn đề này. Hướng chủ đạo sẽ là đổi mới công tác cán bộ, đổi mới cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Nhiệm kỳ này, sẽ phải có những quyết định cụ thể về cơ chế này.

- 20 năm qua, chúng ta đã đạt rất nhiều thành tựu kinh tế đáng tự hào. Thế nhưng, quy trình xem xét để lựa chọn cán bộ thì vẫn như cũ. Liệu đó có là nguyên nhân khiến công tác điều hành vẫn rất yếu?

- Đây chính là một trong nội dung của ĐH lần này. Quy trình xem xét để lựa chọn cán bộ sẽ được đổi mới.

- Chưa có một nhiệm kỳ nào của Chính phủ mà nhiều cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý lại dính nhiều tiêu cực như nhiệm kỳ này?

- Chính đó là một điều tốt. Điều đó có nghĩa là chúng ta dám nhìn thẳng sự thật, dám xử lý, không bao che ai cả. Một trong những thành tựu vừa rồi là chúng ta dám “sờ” vào các Ủy viên TƯ Đảng, “sờ” vào các Bộ trưởng. Đó là điều rất tốt.

  • ODA: Chúng ta vay thì phải trả!

- Quy trình quản lý vốn ODA hiện nay hình như có vấn đề?

- Trong quy trình quản lý vốn ODA có 2 bộ chủ chốt là Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Bộ KH-ĐT có trách nhiệm lên kế hoạch vận động cho những dự án nào, lĩnh vực nào, nước nào, quản lý việc phân bổ, quản lý việc huy động vốn trong nước để làm phần đối ứng. Bộ Tài chính thì đưa vào quản lý theo ngân sách, vay trả bao nhiêu.

Còn quản lý cụ thể từng dự án thì theo mỗi bộ, ngành. Mỗi bộ đều có quy định kiểm tra giám sát, nhưng kiểm tra, giám sát rất yếu nên để xảy ra sai phạm. Mỗi dự án cũng đều có cơ quan giám sát, nhưng phải thừa nhận việc giám sát không đến nơi đến chốn. Tôi vẫn cho rằng, khâu yếu nhất chính là giám sát. Đồng thời khâu phân nhiệm cũng chưa rõ. Bởi vậy, nếu không sửa đổi 2 khâu này thì sẽ còn khó khăn.

- Người dân cho rằng, mỗi năm họ phải trả 37 USD/năm/người tiền vốn vay ODA. Vậy Chính phủ tính toán như thế nào về khoản nợ ODA?

- Chúng ta vay ODA thì phải trả. Nhưng chúng ta cũng phải tính toán rất chặt chẽ mỗi năm vay bao nhiêu, sử dụng bao nhiêu để nền kinh tế có thể chịu đựng được so với tỷ trọng ngân sách, tỷ trọng xuất khẩu. Vấn đề này Quốc hội, Nhà nước quản lý rất chặt, chưa đến mức phá sản. Điều quan trọng là sử dụng vốn ODA như thế nào, chứ vốn hiện nay vẫn chưa đủ. Vẫn phải cần vay thêm. Muốn tốc độ tăng trưởng hàng năm 8% thì vẫn phải vay thêm, vì vốn chúng ta mới chỉ bảo đảm được 70% nhu cầu.

- Vụ PMU18 có nản lòng các nhà đầu tư không, thưa Phó Thủ tướng?

- Đến nay, tôi chưa thấy dấu hiệu đó. Tôi theo dõi rất sát, vì đây là vấn đề ai cũng quan tâm. Nhưng tôi rất mừng là World Bank, Nhật Bản, ADB đều có đánh giá đúng mức. Tôi cũng biết dư luận Nhật Bản đang yêu cầu Quốc hội nước này làm rõ vấn đề vốn ODA của Nhật tại Việt Nam. Điều đó là đương nhiên vì đó là tiền mà nhân dân Nhật Bản đóng thuế. Cũng giống như Quốc hội, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đều đang quan tâm đến vụ việc này.

  • Bộ, ngành có muốn “ôm” doanh nghiệp?

- Mặc dù đã nói mãi việc các bộ ngành không quản lý doanh nghiệp nhưng đến thời điểm này, các bộ ngành vẫn “ôm” rất nhiều doanh nghiệp?

- Các bộ ngành không muốn “ôm” đâu. Chính các bộ trưởng kỳ họp nào cũng yêu cầu để họ thoát ra khỏi tình trạng này. Nhưng nên hiểu là nền kinh tế Việt Nam thoát thai từ nền kinh tế tập trung bao cấp, trong đó thành phần kinh tế nhà nước vẫn chiếm vị trí rất lớn. Hiện bây giờ, các doanh nghiệp quốc doanh vẫn nắm một phần tài sản đáng kể.

Vậy ai đại diện để quản lý tài sản đó? Phải có ai chứ! Chủ sở hữu phải là ai chứ? Chúng ta nói sở hữu toàn dân. Toàn dân là ai? Thì cũng phải giao cho các bộ ngành, coi như là đại diện cho chủ sở hữu đó. Vì vậy, hướng mà chúng ta đi tới là tách quản lý của các bộ ngành ra khỏi việc quản lý kinh doanh. Trong tất cả các nghị định, quy định ở các bộ đều nói là bộ ngành phải làm vai trò đại diện chủ sở hữu. Vì chúng ta vẫn còn có sở hữu toàn dân. Nếu không có sở hữu toàn dân thì sẽ không thành vấn đề.

- Chúng ta đã có Luật Doanh nghiệp, tất cả các doanh nghiệp đều phải hoạt động theo luật, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy không cần có cơ quan chủ quản nữa, vì cứ theo luật mà làm?

- Đúng là như thế. Nhưng muốn làm vậy thì phải có bước chuyển tiếp. Còn nếu làm “sụp” luôn thì tài sản ai quản lý. Mặc dù hiện nay quản lý có lỏng lẻo, nhưng nếu không có người quản lý thì sẽ thế nào. Phải có bước quá độ. Hiện nay, Bộ Tài chính đã lập ra công ty quản lý tài sản, các bộ sẽ chuyển dần quyền quản lý đó sang cơ quan được hình thành, sẽ tiến hành giao chỗ này bao nhiêu tỷ, chỗ kia bao nhiêu tỷ. Phải tiến hành chuyển dần thì các bộ mới tách ra được.

Bây giờ, cơ quan này chỉ mới ở quá trình đang hình thành. Chúng ta có thể có quyết định hành chính rất gọn ghẽ là từ ngày hôm nay, các bộ ngành không quản lý các doanh nghiệp nữa. Rất dễ! Nhưng ai sẽ quản lý, phải có người thay. Hiện nay đang lập tổ chức thay thế đó. Bao giờ ra đời sẽ chuyển thôi.

- Với những tồn tại của nền kinh tế hiện nay, việc đề ra mục tiêu sớm trở thành nước trung bình, ra khỏi trình trạng kém phát triển liệu có lạc quan quá không?

- Đấy là tiêu chuẩn mà quốc tế định ra được. Một đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, tức là mức thu nhập tính theo đầu người là trên dưới 1.000 USD. Hiện nay, chúng ta đã đạt mức 640 USD, nếu trong 5 năm nữa, chúng ta tăng được lên 2,1 lần thì sẽ đạt được trên 1.000 USD. Như vậy là đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đấy là có tính toán rất kỹ lưỡng chứ không phải là suy nghĩ chủ quan. Đó là khả năng hoàn toàn hiện thực.

- Nhưng trong 5 năm nữa, tiêu chuẩn quốc tế sẽ không còn là 1.000 USD?

- Thì đó là dự đoán của chúng ta. Còn bây giờ, chúng ta vẫn phải lấy tiêu chuẩn đang có hiệu lực, tức là tiêu chuẩn của LHQ hiện nay vì người ta chưa thay đổi tiêu chuẩn đó. Tất nhiên, nguy cơ tụt hậu vẫn còn rất lớn, chứ mục tiêu 1.000 USD chưa phải là con số ghê gớm gì. Mục tiêu này không trùng lắp với mục tiêu là đến năm 2020 Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước CNH-HĐH mà là một bậc thang để đến 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước CNH-HĐH.

- Hiện nay, chỉ số về đầu tư của Việt Nam là quá cao, đầu tư 5 đồng mới thu được 1 đồng, trong khi Trung Quốc chẳng hạn, họ bỏ 3 đồng cũng thu được 1 đồng. Phó Thủ tướng có cho rằng, nếu như chúng ta tiết kiệm được và không có tham nhũng, thất thoát thì đó sẽ là một nguyên nhân quan trọng để chúng ta có thể đẩy được GDP lên 2 con số?

- Đúng thế. Vấn đề là đồng vốn anh bỏ ra phải có hiệu quả và không thất thoát. Đồng thời anh lại phải huy động thêm được vốn. Nếu làm được cả 3 cái đó, tốc độ tăng trưởng có thể khá hơn.

- Theo Phó Thủ tướng, năm 2010 sẽ khác năm 2006 như thế nào?

- Chắc chắn thu nhập theo đầu người sẽ thay đổi. Bây giờ trên 600 USD/người, lúc đó có thể trên 1.000 USD. Cứ nhìn vào thời gian từ năm1995 đến nay đã bao nhiêu thay đổi, vậy thì chắc chắn đến 2010 cũng vậy.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng! 

Hồng Quân - Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục