Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Lan: Phát triển nguồn cán bộ trẻ trong công nhân

Bài học cũ, cách làm mới
Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Lan: Phát triển nguồn cán bộ trẻ trong công nhân

“Việc tăng cường cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể ở TPHCM là góp phần tăng cường tính giai cấp, tính tiên phong của Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và củng cố bản chất giai cấp công nhân của Đảng” - đồng chí Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, trao đổi với PV Báo SGGP khi triển khai Quy chế Chương trình quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân của Thành ủy TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng quà tết cho công nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng quà tết cho công nhân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bài học cũ, cách làm mới

- PV: Thưa đồng chí, thực ra vấn đề này không phải mới mà đã được Thành ủy TPHCM đặt ra từ khóa trước?

Đồng chí Nguyễn Thị Lan: Năm 2008, Thành ủy đã có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình Quy hoạch cán bộ dài hạn của Thành ủy giai đoạn 2006-2010 cũng đã đề ra chỉ tiêu tuyển chọn công nhân, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp để quy hoạch, đào tạo trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên, do công tác chỉ đạo chưa thật tập trung, vai trò tham mưu của cơ quan chức năng chưa đúng mức, nhất là tham mưu về chính sách và nhận thức của các cấp ủy trực thuộc chưa thật đầy đủ và sâu sắc nên kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế. Do vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015 một lần nữa lại đặt vấn đề quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân là nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa lâu dài.

- Vậy bài học rút ra trong thời gian qua là gì?

Thứ nhất, sự chỉ đạo của cấp ủy cần phải tập trung, đeo bám, có kiểm tra, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ. Hai là quán triệt sâu sắc ý nghĩa, yêu cầu của công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân cho cấp ủy - lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, để có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Thứ ba, cần có quy trình, chính sách quy hoạch, đào tạo rõ ràng, để đội ngũ công nhân được tuyển chọn yên tâm về hướng bố trí, thu nhập giúp họ toàn tâm toàn ý với sự bố trí của tổ chức, yên tâm công tác và rèn luyện.

- So với trước đây, cách làm hiện nay có gì mới không, thưa đồng chí?

Hiện nay, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành quy chế, kế hoạch thực hiện trong năm 2011, có phân công phân nhiệm rõ. Về quy chế của Ban Thường vụ Thành ủy có 3 điểm mới so với cách làm trước đây, đó là trong quy trình xét tuyển, trước khi Ban Tổ chức Thành ủy - Tiểu ban quy hoạch cán bộ dài hạn Thành ủy quyết định công nhận một công nhân vào diện quy hoạch, có nghiên cứu và dự kiến kế hoạch đào tạo, hướng bố trí và trao đổi với công nhân được giới thiệu.

Bên cạnh đó, có quy định chính sách trong thời gian công nhân hoặc sinh viên diện quy hoạch, được cử đi đào tạo, huấn luyện. Ngoài ra, trong quá trình quy hoạch đào tạo, nếu xét thấy cán bộ chậm phát huy có thể xem xét bố trí lại, hoặc bố trí trở về doanh nghiệp.

Đội ngũ công nhân trẻ của Công ty Cao su Bến Thành trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nâng cao tay nghề. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đội ngũ công nhân trẻ của Công ty Cao su Bến Thành trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nâng cao tay nghề. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thu nhập không giảm khi đi học

- Vậy số anh em đang làm ở doanh nghiệp có mức thu nhập cao nay khi vào diện quy hoạch, được cử đi học thì thu nhập sẽ giảm đi?

Chúng tôi đã khảo sát thu nhập của công nhân trẻ một số doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, đề xuất chính sách đối với công nhân diện quy hoạch được cử đi đào tạo dài hạn được hưởng BHXH, BHYT, hưởng lương cơ bản (hệ số lương đang được hưởng tại doanh nghiệp nhân với lương tối thiểu hiện hành của cán bộ công chức), hưởng các chế độ hỗ trợ cán bộ được cử đi đào tạo theo Kết luận 59-KL/TU ngày 23-7-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy. Nếu tính ra, số đông có mức thu nhập bằng hoặc cao hơn một chút khi còn làm ở doanh nghiệp.

- Điều kiện tuyển chọn là công nhân phải tốt nghiệp đại học, dưới 30 tuổi, làm việc trong doanh nghiệp ít nhất 3 năm, liệu có quá cao không thưa đồng chí?

Đây là đòi hỏi khắt khe, sẽ rất khó trong quá trình thực hiện, nhưng nếu so yêu cầu nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thì quy định trình độ như vậy là cần thiết.

Quần chúng học chính trị cao cấp được không?

- Ngoài công nhân, TPHCM còn quy hoạch cả sinh viên kỹ thuật, rồi đưa họ về làm việc 3 năm ở doanh nghiệp, sao chúng ta không cho sinh viên đi học tiếp lý luận chính trị cao cấp (LLCTCC), như vậy về sẽ dễ bố trí công việc hơn?

Sinh viên là đối tượng tuyển chọn để đào tạo trong chương trình này. Thời gian, quy trình đào tạo sinh viên sẽ dài hơn nhưng căn cơ hơn. Về đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho sinh viên trước khi bố trí về làm việc ở doanh nghiệp, cũng là cách hay, cần thiết, tuy nhiên hiện nay do chỉ tiêu phân bổ đào tạo LLCTCC của trung ương cho TPHCM hàng năm có giới hạn nên chưa thể giải quyết ngay, thời gian tới tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

- Tại sao TPHCM không kiến nghị mở thêm đào tạo LLCTCC cho cán bộ trẻ?

Thực ra, năm 2007, Ban Tổ chức Trung ương đã có văn bản 1611-CV/BTCTƯ nói rõ “cán bộ trẻ đi học LLCTCC hệ tập trung nếu chưa phải là đảng viên thì phải là đoàn viên ưu tú, có triển vọng kết nạp Đảng”, nhưng đến nay, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 2 vẫn chưa triển khai được. TPHCM hiện còn 4.039 cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa qua đào tạo LLCTCC, trong đó có 597 cán bộ trẻ.

Vừa qua, Thường trực Thành ủy TPHCM đã kiến nghị với trung ương cho phép từ năm 2011 phân bổ chỉ tiêu cho TPHCM 6 lớp LLCTCC với 660 học viên, 2 lớp hệ tập trung với 220 học viên, kinh phí do TPHCM tự lo. Đồng thời xin phép đào tạo LLCTCC cho đoàn viên TNCS có triển vọng vào Đảng.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục