Chống tham nhũng, tiêu cực phải tạo môi trường lành mạnh, phát triển nền kinh tế

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì nhưng cũng phải hết sức khách quan, công tâm vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì mục tiêu tạo ra môi trường lành mạnh để nền kinh tế phát triển.

Ngày 10-5, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên và đội ngũ doanh nhân.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM dự và chủ trì tại điểm cầu TPHCM.

dd773f58827923277a68.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân.

Nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế của doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế.

Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của thời kì mới, đặc biệt là đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của một bộ phận doanh nhân chưa cao, thậm chí vi phạm pháp luật.

57c5616b4b4dea13b35c.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải dự và chủ trì tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, còn tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân câu kết với cán bộ các cấp, nhất là cán bộ có chức, có quyền thực hiện các hành vi như tham nhũng, tiêu cực, chiếm đoạt, gây lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản, nguồn lực của nhà nước, của nhân dân, thậm chí tạo môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh vẫn còn diễn ra phức tạp.

Những vấn đề trên đã được các cơ quan chức năng báo cáo. Nhiều vụ án, nhiều địa phương, kể cả cán bộ Trung ương, trong đó có cả đồng chí trong Bộ Chính trị vi phạm, khuyết điểm đều có vấn đề liên quan đến một số doanh nghiệp. “Đây là vấn đề đau xót nhưng chúng ta phải kiên quyết khắc phục”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Nhiều vụ án tham nhũng tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng kéo dài, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, có tính hệ thống, có tổ chức cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước gây thiệt hại rất lớn về tài sản và ảnh hưởng đến tính ổn định của nền kinh tế, khiến dư luận, nhân dân bức xúc. Có thể đề cập đến một số vụ án xảy ra ở các tập đoàn: FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An, Công ty Việt Á, Công ty AIC…

8865e9fcc0da618438cb.jpg
Đại biểu dự tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trên cơ sở những nhận định, đánh giá của Bộ Chính trị về những mặt còn tồn tại, hạn chế của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong những năm qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương cần tìm ra nguyên nhân và trách nhiệm để khắc phục hạn chế, bảo đảm triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết 41.

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện, đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật; xây dựng chính sách đột phá để khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực giúp doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh...

Đồng thời bám sát các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về doanh nghiệp, doanh nhân để sớm thể chế hóa theo hướng đồng bộ các thể chế, chính sách, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

3c067f745752f60caf43.jpg
Đại biểu dự tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân vững tin, quyết tâm và kiên quyết khắc phục những hạn chế, thiếu sót để vươn lên phát triển. Đồng thời đặt ra những yêu cầu về việc xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, các cấp, các ngành, các địa phương cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.

8188fbae468fe7d1be9e.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong thời gian tới, những vấn đề trong nước và khu vực đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nhân phát triển nhanh, bền vững và không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức; phải xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sau hội nghị này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tổ chức hội nghị quán triệt để nắm vững nội dung cốt lõi của nghị quyết để đổi mới tư duy, thống nhất trong nhận thức, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Chú trọng xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc trong đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân Việt Nam; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong đội ngũ doanh nhân và hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì nhưng cũng phải hết sức khách quan, công tâm vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì mục tiêu tạo ra môi trường lành mạnh để nền kinh tế phát triển.

Trong đó, đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp cần ý thức rõ về tác động và những hậu quả khôn lường của việc tham nhũng, tiêu cực. Từ đó phải kiên quyết thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh.

Cùng với đó, phát huy tính tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp phải kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh.

“Chúng ta kiên quyết, kiên trì để hướng tới tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh để doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam được làm ăn, được phát triển. Chúng ta giàu mạnh, có điều kiện hội nhập, cạnh tranh và nâng cao uy tín, vị thế trên trường quốc tế”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ mong muốn.

Tin cùng chuyên mục